Kbang: Hứa hẹn từ cây sả Java

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang (TP. Pleiku) hỗ trợ từ cây giống cho đến việc bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ dân ở các xã Tơ Tung, Kông Pla, Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích mía đạt năng suất thấp sang trồng thử nghiệm cây sả Java.
Thử nghiệm mô hình mới
Chỉ mới xuống giống hơn 2 tuần nhưng những chồi non trên gốc cây sả giống đã bắt đầu nhú lên khiến anh Đinh Xăm (làng Nua, xã Kông Pla) rất phấn khởi. Hơn 9 sào rẫy của gia đình anh nhiều năm qua đã không mang lại lợi ích kinh tế như mong đợi. Cá biệt, năm nay, do giá mía xuống thấp nên gia đình anh bị lỗ tiền cày đất lẫn công lao động cả năm trời. Do vậy, khi được xã giới thiệu mô hình trồng sả Java, gia đình anh quyết định chuyển đổi phần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang thử nghiệm loại cây trồng mới này.
 Người dân làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) chuyển diện tích mía không hiệu quả sang trồng sả Java. Ảnh: M.N
Người dân làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) chuyển diện tích mía không hiệu quả sang trồng sả Java. Ảnh: M.N
Anh Xăm cho biết, gia đình anh được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và các khoản khác như: miễn phí tiền cây giống (khoảng 17 triệu đồng/ha), tạm ứng tiền cày đất (5 triệu đồng/ha) và tiền công thuê người trồng (4,5 triệu đồng/ha). Trước mắt, anh tận dụng ngày lao động của gia đình nên không tốn chi phí nhân công. “Ngoài gia đình tôi thì ở làng Groi còn có hộ ông Đinh Bút tham gia trồng 5 sào, ông Đinh Minh Non trồng hơn 1 ha. Chúng tôi đang theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, ghi nhận sản lượng trên phần diện tích này. Nếu thấy khả quan, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích và vận động các hộ dân khác trong làng tham gia”-anh Xăm nói.
Tương tự, ông Lương Văn Yên (làng Bờ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) cũng mừng thầm khi thấy mầm xanh từ những thân cây sả giống đã bắt đầu vươn chồi sau hơn 2 tuần xuống giống. Theo tính toán của ông Yên, 1 ha mía gia đình ông thu hoạch chỉ đạt khoảng 70 tấn. Với giá mía hiện tại ông thu được khoảng 21 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, cây giống, nhân công, chi phí vận chuyển, tiền cày đất… thì gia đình chẳng còn gì, chưa nói đến chuyện lỗ công lao động vất vả cả năm trời.
Không còn trông chờ gì vào cây mía nên trước mắt ông bắt đầu chuyển 1,2 ha (trong tổng số 8 ha) đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng sả với hy vọng cải thiện thu nhập. “Nếu đúng như cam kết của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang (thu mua với giá 2.000 đồng/kg lá sả) thì người dân sẽ có thu nhập gấp 3 lần so với việc trồng mía. Còn tính theo giá ở mức đáy (500 đồng/kg) thì 1 ha cũng thu được khoảng 21 triệu đồng, nhưng phần lãi có được đó là công chăm sóc ít, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón cũng hạn chế so với cây mía”-ông Yên nhận định.
Theo dự kiến, sau 3 tháng chăm sóc, người dân sẽ bắt đầu thu hoạch lá lần 1 và cứ cách 2 tháng thì thu tiếp cho đến tháng thứ 14. Thời điểm này, doanh nghiệp thu mua cả lá lẫn gốc, nếu người dân tiếp tục tham gia mô hình sẽ được cung cấp miễn phí cây giống và bao tiêu sản phẩm đến 36 tháng. Dự kiến, trong thời gian 14 tháng, mỗi héc ta sả sẽ cho thu hoạch 7 lần với khoảng 118 tấn lá. Trừ sản lượng giảm sau khi để héo lá theo quy chuẩn (giảm 30%, tương đương 35 tấn) sẽ còn lại khoảng 83 tấn. Với mức giá thu mua sản phẩm loại 1 là 2.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập 166 triệu đồng. Đối với số tiền tạm ứng ban đầu (9,5 triệu đồng/ha), mỗi lần nông dân có nguồn thu từ tiền bán lá, doanh nghiệp sẽ trừ 30%, tương đương 3 triệu đồng/ha (chỉ thu sau 9 tháng).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang-khẳng định: Đến thời điểm này, Công ty đã ký hợp đồng liên kết với 40 hộ dân trồng 40 ha sả Java. Thời gian tới, Công ty sẽ đặt lò thủ công chưng cất tinh dầu sả tại huyện Kbang với sản lượng tiêu thụ khoảng 14 tấn/ngày. Sau 2 năm, khi đã phát triển ổn định diện tích vùng nguyên liệu lên 2.400 ha, Công ty sẽ tiến hành xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu tại Kbang hoặc TP. Pleiku với sản lượng tiêu thụ khoảng 300 tấn/ngày.
Hướng đi nhiều triển vọng
Theo ông Đinh Bát-Chủ tịch UBND xã Kông Pla: Trước mắt, xã sẽ theo dõi và đánh giá hiệu quả của mô hình này. Nếu kết quả đúng như tính toán của doanh nghiệp thì xã mới vận động thêm nhiều hộ có diện tích đất trồng mía kém hiệu quả chuyển sang loại cây trồng phù hợp. Đồng thời, xã sẽ giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla đứng ra làm cầu nối đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bằng những hợp đồng chặt chẽ. “Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng 1.200 ha mía, trong số này có nhiều diện tích đạt năng suất không cao. Thế nhưng, hiện chỉ mới có 3 hộ dân trồng thử nghiệm sả Java trên diện tích khoảng 3 ha. Vì vậy, địa phương đang tiến hành rà soát, thống kê diện tích cây trồng kém hiệu quả để vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng khác”-ông Bát cho biết.
 Anh Đinh Rang-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla cho biết sẽ phát triển mô hình trồng sả đối với 25 thành viên với diện tích khoảng 20 ha. Ảnh: Minh Triều
Anh Đinh Rang-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla cho biết sẽ phát triển mô hình trồng sả đối với 25 thành viên với diện tích khoảng 20 ha. Ảnh: Minh Triều
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng thì xác nhận: Trên địa bàn có 10 hộ tham gia trồng sả với diện tích khoảng 12 ha. Theo nhận định ban đầu, đây là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi và phù hợp với phương thức chăm sóc của người dân. “Tuy nhiên, nếu triển khai trồng với quy mô lớn thì chúng tôi đề nghị cán bộ địa phương phải cùng tham gia để xác định như thế nào là loại 1, như thế nào là loại 2 khi thu mua để tránh thiệt thòi cho người dân. Ngoài ra, xã cũng đề nghị chuyển mô hình này về hợp tác xã để có sự tham gia quản lý của Nhà nước”-ông Bắc đề nghị.
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-nhận định: “Sả là cây trồng ngắn ngày, dễ kiểm soát. Mô hình này mở ra một hướng đi mới cho người dân, phù hợp với chủ trương của huyện trong việc chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Người dân được doanh nghiệp đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm sẽ có thu nhập ổn định, chủ động trong chi tiêu gia đình, hạn chế được tình trạng vay mượn của tiểu thương cũng như phụ thuộc vào các đại lý. Tới đây, Phòng sẽ làm việc cụ thể với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nguyễn Quang để có kế hoạch phát triển. Nếu mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao như tính toán của doanh nghiệp thì huyện sẽ tiến hành nhân rộng”.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.