"Ia Sao sẽ là xã đầu tiên của huyện Ia Grai về đích xây dựng nông thôn mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- "Đến nay, xã Ia Sao đã được các cấp có thẩm quyền công nhận đạt 18/19 tiêu chí về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Riêng tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và xã hội chưa đạt, vì ông Ksor Lưng-Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã còn đang học tập nâng cao trình độ. Nhưng đến tháng 10 này, ông Ksor Lưng học xong và thi đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị thì 100% cán bộ, công chức xã Ia Sao sẽ đủ trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị theo quy định. Và như thế, đến cuối năm 2016, Ia Sao sẽ là xã đầu tiên của huyện Ia Grai về đích xây dựng NTM"-ông Rơ Châm Úk-Chủ tịch UBND xã Ia Sao, huyện Ia Grai phấn khởi cho biết.
 

 Đường làng Dút 1, xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Minh
Đường làng Dút 1, xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Minh

Xã Ia Sao hiện có hơn 2.000 hộ, trên 9.000 nhân khẩu đang sinh sống ở 15 thôn (làng), trong đó có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc 8 làng đồng bào. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, được sự hỗ trợ giúp đỡ tích cực của các cấp, các đơn vị, nhất là 2 đơn vị quân đội (Kho Z9 và Kho K870) đứng chân trên địa bàn xã; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Sao đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Đến nay, xã Ia Sao đã có trên 2.400 ha cây công nghiệp các loại (trong đó có hơn 1.540 ha cà phê), gần 500 ha cây trồng ngắn ngày (trong đó có hơn 130 ha lúa nước 2 vụ), gần 10.000 con gia súc, gia cầm... Bà con xã Ia Sao đã chủ động đầu tư nhiều công của, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tái canh các loại cây công nghiệp, cải tạo vườn tạp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, hướng đến việc xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp bền vững.

Rất nhiều gia đình trong xã đã phát triển kinh tế trang trại, trở thành những tỷ phú thực thụ, được các tổ chức công nhận là những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 500 triệu đồng như hộ ông Phạm Văn Chinh (ở thôn Tâp Lập), hộ ông Nguyễn Văn Dũng (ở thôn Tân An), hộ ông Rơ Châm Hơk (ở làng Dút 1)... Có của ăn của để, rất nhiều hộ đã mua sắm được các loại ô tô, thành lập công ty sản xuất kinh doanh các mặt hàng như: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nông nghiệp Quang Anh Phát, Công ty TNHH một thành viên Thương Mại-Xây dựng An Khang, Công ty TNHH một thành viên Nga Hoàng (ở thôn Tân An); Công ty TNHH một thành viên Tài Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Liên Phát (ở thôn Đức Tân); Công ty TNHH một thành viên Phú Hiệu (ở thôn Tân Bình); Công ty TNHH một thành viên Minh Minh(ở làng Nang)...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các cán bộ xã Ia Sao đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công, của rải nhựa hơn 12 km đường liên thôn, đổ bê tông gần 40 km đường liên xóm, làm cứng hóa (đổ các loại vật liệu cát, sỏi đá...) hơn 50 km đường trục chính nội đồng, làm mới nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng, nhiều sân vận động... Nhờ đó mà diện mạo 15 thôn (làng), nhất là 2 làng đặc biệt khó khăn (làng Ó và làng Yek) đã có nhiều khởi sắc, đường làng ngõ xóm đã thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Điển hình nhất là bà con làng Dút 1 đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, hơn 10.000 m2 đất vườn, cây cối và hơn 150 triệu đồng cùng với nhà nước làm mới con đường bê tông dài hơn 1 km, rộng 3 mét vào trong làng. "Có đường bê tông NTM, dân làng mình ai ai cũng vui vẻ. Bà con trong làng bảo nhau trồng cây xanh ở hai bên đường, tích cực giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ trật tự an toàn giao thông, không cho xe tải lớn vào đường làng..."-ông Ksor Hyek-thôn trưởng làng Dút 1 bộc bạch.

Kinh tế phát triển, giáo dục-y tế- văn hóa-xã hội cũng phát triển. Năm học 2016-2017, học sinh của 4 cấp học ở xã Ia Sao là hơn 2.000 em, trong đó có gần 500 cháu học mầm non, hơn 600 em học tiểu học, gần 500 em học THCS, số còn lại là học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Xã Ia Sao đã có 1 trường mầm non, 1 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các trường học còn lại đang làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt xã Ia Sao đã có rất nhiều người Jrai học đại học, trong đó bác sĩ Rơ Châm H'Khiêm đã về làm việc tại Trạm Y tế xã, Rơ Châm H'Lunh (quê ở làng Nang) đang học ngành Điều dưỡng tại Trường Y-Dược thành phố Hồ Chí Minh, Ksor Bình (quê ở làng Dút 1) đang học đại học an ninh...

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Sao đang tích cực tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau học tập, tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn NTM bền vững, xứng đáng với truyền thống cách mạng-"Xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Hoàng Minh

Có thể bạn quan tâm