Ia Phìn "về đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc,  đời sống người dân được nâng lên trông thấy.

Nói về những thành quả đạt được trong chương trình xây dựng NTM, ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, phấn khởi: “Ngay từ đầu năm 2011, chúng tôi đã có định hướng cụ thể cho từng giai đoạn để triển khai hiệu quả. Trong đó, xã chú trọng vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy nội lực của nhân dân để thực hiện những công việc chưa cần sự đầu tư của Nhà nước như chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát triển kinh tế hộ gia đình... Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát”.

 

Một góc xã Ia Phìn. Ảnh: G.H
Một góc xã Ia Phìn. Ảnh: G.H

Xã Ia Phìn có hơn 1.600 hộ với 6.670 nhân khẩu (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18,44%)  ở 10 thôn, làng. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với những cây trồng chính như: lúa nước, cà phê, hồ tiêu... Để trở thành xã NTM, trước hết đời sống người dân phải được cải thiện. Khi người dân có điều kiện kinh tế thì mới có thể tham gia tốt các phong trào của địa phương. Xác định rõ điều đó, chính quyền xã Ia Phìn đã tập trung hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều mô hình, tích cực chuyển đổi cơ cấu  cây trồng, vật nuôi.

Từ năm 2011 đến nay, người dân trong xã đã chuyển đổi một phần diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cà phê, hồ tiêu, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi và phát triển dịch vụ để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con tận dụng diện tích đất để triển khai các mô hình xen canh như trồng hồ tiêu xen cà phê, cà phê xen canh với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng hay các loại cây dược liệu như nghệ, đinh lăng...

Đặc biệt, trong năm 2017, xã đã cấp hơn 3.700 cây giống bơ, sầu riêng cho các hộ nghèo và cận nghèo trồng xen trong diện tích cà phê của gia đình để tăng thêm thu nhập;  cấp hơn 2,4 tấn lúa giống cho người dân các làng Grang 1, Bạc 1 và Bạc 2; cấp hơn 4.168 kg phân cho 165 hộ nghèo và gia đình chính sách;  cấp 2.570 kg phân cho 116 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, xã còn cấp 20 con bò cho 20 hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số...  Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã cuối năm 2017 đạt 32,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23% (năm 2011) xuống còn 6,3%.  

Đi đôi với hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được xã chú trọng. Khi đời sống được nâng lên, người dân tích cực chung tay với chính quyền địa phương xây dựng NTM. Bà con đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn; tự nguyện đóng góp tiền kéo điện lưới vào các khu sản xuất,  kéo điện chiếu sáng trên các tuyến đường chính. Ông Mai Ngọc Châu-Trưởng thôn Hoàng Yên, cho biết: Khi chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng NTM, người dân tham gia rất tích cực. Mỗi gia đình đều tự ý thức về việc đảm bảo môi trường sống hợp vệ sinh, giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Mỗi hộ dân đã tự làm hố rác tự hủy để đảm bảo môi trường. Ngoài ra, người dân còn đóng góp tiền để làm mới hơn 5 km đường bê tông nông thôn.

Từ năm 2011 đến 2017, tổng kinh phí huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn xã Ia Phìn là hơn 31 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 8,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 4,8 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 5,9 tỷ đồng, ngân sách xã 600 triệu đồng,  nhân dân đóng góp hơn 14,9 tỷ đồng và vốn vay tín dụng 800 triệu đồng). Từ nguồn vốn này, 100% đường liên xã được nhựa hóa; 77% đường trục thôn, làng được bê tông hóa; 86,3% đường ngõ xóm được cứng hóa đảm bảo đi lại quanh năm; 100% trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... “Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, chung lòng của nhân dân trong xây dựng NTM. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và cố gắng giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí”-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn cho hay.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm

Khắp nơi tràn ngập rác thải. Ảnh: H.P

Gia Lai: Rác thải “bủa vây” đường mới ven sông Dinh

(GLO)- Hai tuyến đường giao thông dọc hệ thống tiêu thoát lũ ven sông Dinh (đoạn qua khu vực 1, phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai) lúc mới khánh thành rất sạch đẹp, người dân hay ra hóng mát. Giờ đây, hình ảnh đó đang bị thay thế bởi những đống rác thải, xà bần ngổn ngang tràn ra mặt đường.

Xe đưa đón cán bộ công chức xuống Quy Nhơn làm việc

Nhu cầu đi lại tuyến Pleiku-Quy Nhơn tăng đột biến sau khi sáp nhập tỉnh

(GLO)- Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai đặt trụ sở hành chính tại phường Quy Nhơn. Nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Gia Lai (cũ) đến nơi làm việc mới cũng tăng mạnh, kéo theo hoạt động vận tải hành khách tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại cũng tăng đột biến.

Nhiều cây xanh trong khuôn viên xã Đông (cũ) bị cắt làm củi. Ảnh: Ngọc Minh

Nhiều cây xanh trong khuôn viên xã Đông (cũ) bị cắt bán

(GLO)-Thời điểm sáp nhập, chuyển giao bộ máy hành chính, quanh khuôn viên trụ sở xã Đông, huyện Kbang cũ (nay là Đảng ủy xã Kông Bơ La, tỉnh Gia Lai) có 17 cây xanh đường kính 25-50 cm bị cưa hạ. Các thân cây đã được bán làm củi, còn cành nhánh nhỏ bị đốt hoặc chất thành đống ngổn ngang.

Ngôi nhà tự 'thở' giữa lòng đô thị

Ngôi nhà tự 'thở' giữa lòng đô thị

Toạ lạc trên khu đất rộng 450m2 tại khu đô thị ở Jakarta (Indonesia), ngôi nhà là minh chứng cho lối kiến trúc có thể mở rộng giới hạn không gian sống bằng sự kết nối giữa thiên nhiên, ánh sáng và cảm xúc. 

null