(GLO)- Tháng 1-2014 vừa qua, dịch cúm A(H5N1) đã xuất hiện tại trại gà Minh Chi (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) làm 15.000 con gà cùng 6.600 quả trứng nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Huyện Ia Grai trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm. Trước thực tế đó, UBND huyện đã tiếp tục quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế và ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.
Theo ông Nguyễn Đăng Giàu-Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ia Grai, sau khi tiêu hủy, các cơ quan liên quan của huyện mà trực tiếp là Trạm Thú y đã tiếp tục tiến hành giám sát dịch tại địa điểm trên trong 21 ngày; hướng dẫn xử lý phân và chất độn chuồng theo quy trình sinh học (ủ bằng nhiệt); thường xuyên vệ sinh tiêu độc; quản lý người, phương tiện, vật phẩm… ra vào nơi có dịch trong vòng 2 tháng để tránh dịch bệnh phát tán, lây lan.
1.000 lít thuốc sát trùng Benkocid đang được Trạm Thú y huyện bàn giao lại cho các xã, thị trấn để người dân tiến hành vệ sinh, tiêu độc. Ảnh: Hồng Thi |
Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng-chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn huyện bằng 3 biện pháp chính. Một là, tuyên truyền các văn bản phòng-chống dịch cúm gia cầm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xe lưu động, các buổi họp dân… sao cho người chăn nuôi có thể đảm bảo thực hiện tốt 5 không: không giấu bệnh, không mua gia cầm bệnh, không bán gia cầm bệnh, không ăn thịt gia cầm bệnh hoặc chết, không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Hai là biện pháp hành chính, tức khi phát hiện gia cầm có biểu hiện bất thường, người dân phải báo ngay cho trưởng thôn để họ báo lại với nhân viên thú y cơ sở để kịp thời xử lý. Nếu vượt tầm, thú y viên sẽ thông báo tình hình lên Trạm Thú y và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xem xét tình hình, lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp dương tính sẽ tiến hành tiêu hủy, khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch gia súc, gia cầm; đồng thời thành lập các đội giám sát chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm.
Các hộ chăn nuôi tập trung chủ động thực hiện công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Hồng Thi |
Thứ ba là biện pháp kỹ thuật, gồm: hướng dẫn nhân dân sửa sang chuồng trại, che chắn đảm bảo đông ấm hè mát; cho gia cầm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nước hợp vệ sinh; khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên tiêu độc chuồng trại; theo dõi sát sao đàn gia cầm, kịp thời thông báo với cơ quan chuyên môn khi phát hiện dấu hiệu bất thường; phân công nhân viên của trạm thường xuyên bám cơ sở…
Cũng theo ông Giàu, hiện tại, tổng đàn gia cầm của toàn huyện là 131.600 con. Trong đó, chỉ có 9 hộ chăn nuôi tập trung với quy mô trên 500 con (thị trấn Ia Kha 1 hộ, Ia Bă 1 hộ, Ia Tô 4 hộ, Ia Hrung 1 hộ và Ia Dêr 2 hộ), còn lại đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi tập trung đều thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch cúm, chưa có dịch bệnh xảy ra. Ông Dương Văn Sắng (tổ 2, khu phố 5, thị trấn Ia Kha) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà lấy trứng đã 8 năm nay. Hiện giờ tôi đang nuôi 500 con gà, cung cấp 450 quả trứng mỗi ngày cho địa bàn thị trấn. Khi biết được dịch cúm A(H5N1) vào mùa, tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn gà như: rắc vôi xung quanh, phun Benkocid 1 lần/tuần, cho gà uống thêm thuốc bổ để tăng sức đề kháng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại… Hiện đàn gà của tôi vẫn ổn định”.
Đàn gia cầm trên địa bàn huyện đến thời điểm này tương đối ổn định. Ảnh: Hồng Thi |
Vừa qua, Trạm Thú y cũng đã tiếp nhận 100 thùng thuốc sát trùng Benkocid (tương đương 1.200 lít) do Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp. “Tháng Hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp được triển khai từ ngày 25-2 đến ngày 25-3. Chúng tôi sẽ bàn giao 1.000 lít Benkocid cho 13 xã, thị trấn để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đến từng hộ gia đình; các điểm giết mổ, chợ buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; các trại chăn nuôi tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… nhằm ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh xảy ra và lây lan”- ông Giàu cho hay.
Trước thực trạng dịch cúm ngày càng diễn biến phức tạp, công tác phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Ia Grai cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở vật chất trang trại chưa được đầu tư; ý thức của hộ chăn nuôi chưa cao, dễ bị động khi có dịch bệnh xảy ra. Không những thế, trình độ chuyên môn của thú y cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc đề ra; trang thiết bị phòng-chống dịch bệnh của Trạm Thú y còn thô sơ, chỉ có thể chẩn đoán dịch ở mức lâm sàng… Đó cũng là những thách thức lớn, đòi hỏi huyện phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để tránh bùng phát những ổ dịch mới, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định sản xuất chăn nuôi.
Hồng Thi