Huyện Krông Pa: Hàng trăm hộ dân sống trong vùng sạt lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 5 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Ba tại huyện Krông Pa phải đối mặt với nguy hiểm khi tình trạng sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đã có hàng chục ha đất nông nghiệp, cùng hoa màu và tài sản khác bị dòng nước cuốn trôi mỗi khi mùa mưa về...

Đất trôi theo dòng nước

Gần một năm nay, mỗi khi mưa lớn xuất hiện, bà con ở buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa lại ra đứng hai bên bờ sông để kiểm tra xem dòng nước sông Ba có xâm lấn thêm vào đất sản xuất của mình hay không. Mưa lũ xảy ra liên tục trong những năm qua đã cuốn đi hầu hết diện tích đất canh tác màu mỡ và hoa màu của bà con dân làng, khiến cuộc sống nơi đây ngày càng thêm khó khăn.

 

Nguy cơ sạt lở khi mùa mưa về.  Ảnh: L.A
Nguy cơ sạt lở khi mùa mưa về. Ảnh: L.A

Ông Nay Pher, buôn H’Lang, xã Chư Rcăm cho biết: “Đất ở đây là đất phù sa nên năng suất các loại cây trồng đạt cao. Nhưng hơn một năm qua, hơn 1 ha đất của gia đình tôi đã bị dòng nước cuốn trôi, cứ mỗi khi mưa xuống, dòng nước lên cao cả làng lại đứng ngồi không yên vì đất của mình cứ lần lượt bị cuốn đi theo dòng nước. Không biết vài năm nữa có còn đất để sản xuất hay không?...”.

Không riêng gì xã Chư Rcăm mà tại nhiều xã khác trong huyện Krông Pa như Ia Rsai, Ia Hdreh, Ia Rmok, Ia Rsươm... cũng đang đối diện với tình trạng sạt lở đất đai, nhà cửa cùng hệ thống cầu cống, đường giao thông...

Theo số liệu thống kê tình hình sạt lở đất của huyện Krông Pa trong thời gian qua, tại khu vực cầu Lệ Bắc, nếu năm 2007 ở chân mố cầu phía Nam bị xói lở với tổng chiều dài trên 100 mét thì đến nay đã lên hơn 300 mét. Đặc biệt ở phía hạ lưu, sông Ba đã chuyển dòng chảy chính vào khu vực suối Dum Ra làm mất hàng chục ha đất thổ cư và đất sản xuất của nhân dân.

Ngoài ra, khu nghĩa địa của buôn Lang, thôn Quỳnh Phụ 3 và thôn Mới, xã Chư Rcăm, trước đây là suối cạn, nương rẫy của người dân trồng các loại cây ngắn ngày, nhưng hiện nay đã trở thành nhánh sông mới có chiều dài hơn 2,5 km, rộng gần 300 mét và sâu hơn 20 mét…

Theo thống kê, hiện có 110 hộ dân, với 560 nhân khẩu cần được ưu tiên di chuyển gấp đến nơi ở mới trước mùa mưa bão để phòng ngừa những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Hầu hết các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo và nằm trong khu vực đã bị nước bên bờ sông xói mòn nghiêm trọng, nhiều diện tích đất vườn bị xâm thực có đoạn đã xâm thực đến vài chục mét. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân vẫn tiếp tục phải sống chung với nỗi lo âu bị sạt lở đất đai, nhà cửa mỗi khi mùa mưa đến.

Hy vọng từ hai dự án hơn 300 tỷ đồng

Công tác di dời dân là ưu tiên hàng đầu cần phải thực hiện sớm để đảm bảo được an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân trong mùa mưa bão và nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững cho nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí đang là cản trở lớn khiến những tính toán của chính quyền và hy vọng của người dân đang nằm ở… giai đoạn chờ.

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Khó khăn lớn là cơ sở hạ tầng đưa dân đến thì thường kinh phí đầu tư theo quy mô chương trình nông thôn mới. Đến nơi ở mới phải quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, rồi hệ thống điện, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng... nên cần có nguồn kinh phí lớn. Trong thời gian tới đây, huyện sẽ có đề xuất để tỉnh cho lập dự án từng khu vực một bố trí, sắp xếp dân cư đến nơi ít bị tác động do thiên tai…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay huyện Krông Pa đã lập dự án bố trí dân cư vùng sạt lở buôn H’Lang, cách trung tâm  xã Chư Rcăm 3 km gửi lên UBND tỉnh. Quy mô dự án sắp xếp, bố trí dân cư cho 110 hộ và các công trình cơ sở hạ tầng của buôn với diện tích 18 ha. Sau khi san ủi mặt bằng, chia mỗi ô rộng 1 ha để bố trí cho 10 hộ (110 hộ là 11 ha). Đường giao thông nội thôn dài 5.500 mét, rộng 10 mét, bố trí các cống thoát nước ngang và dọc ở các vị trí giao nhau.

Công trình hạ tầng bố trí ở khu vực giữa buôn và giáp đường liên thôn thành một cụm gồm trường học 6 phòng cho nhà trẻ, mầm non, tiểu học, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm cấp nước tập trung, trạm điện… với diện tích bố trí 13.000 m2. Khu vực nhà mả và khu chứa rác thải bố trí phía Đông Nam thôn, cách đất ở 500 mét, với diện tích bố trí 2.000 m2. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 54 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho tài sản của người dân cùng các công trình giao thông, huyện Krông Pa cũng đã lập dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba gửi lên cấp trên. Dự án này được chia thành 6 địa điểm xây dựng và qua địa bàn các xã Ia Rsai, Ia Rsươm, qua khu vực cầu Lệ Bắc, quốc lộ 25, thuộc xã Chư Rcăm, với tổng chiều dài 5 km. Tổng mức kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng.

Dù vẫn biết, trong điều kiện kinh tế của tỉnh như hiện nay, để huy động được nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng hai dự án lớn nhằm đảm bảo cho sự an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, cùng hệ thống giao thông của tỉnh là niềm hy vọng cho chính quyền huyện Krông Pa và hàng trăm hộ dân sống hai bên lưu vực sông Ba để giải bài toán sạt lở đất đai kéo dài trong những năm qua.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.