(GLO)- Năm 2014, trên địa bàn huyện Chư Pưh đã xảy ra 3 vụ tranh chấp đất đai giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tại chỗ với Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Phú Nhơn và các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cây cao su.
Đến nay, chính quyền các cấp và các tổ chức mới hòa giải, giải quyết tạm ổn một vụ 56 hộ người Jrai ở các làng: Kênh Săn, Kênh Mek, Ia Tong (xã Ia Le) nghe theo lời kích động, xúi giục của kẻ xấu ra chặt phá 15,4 ha rừng, đào mương lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy tại tiểu khu 1130 (địa phận xã Ia Blứ), thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Nam Phú Nhơn. Còn lại 2 vụ đang được các cơ quan chức năng phối hợp với các bên xác minh, giải quyết.
Trạm bảo vệ rừng Chư Đôn đang xây dựng trên đất có tranh chấp. Ảnh: H.C |
Đó là vụ 94 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) và nhiều hộ dân khác ở 2 xã: Ia Pia (huyện Phú Thiện), Chư Phả (huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) tranh chấp khoảng 200 ha đất với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh và vụ nhiều hộ dân nghèo ở làng Ngăng (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) tranh chấp đất lâm nghiệp với Ban QLRPH Nam Phú Nhơn. Ủy ban Nhân dân huyện Chư Pưh đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng tập trung vận động, giải quyết ổn định tình hình, không để phát sinh những điểm nóng, phức tạp về trật tự-an ninh nông thôn.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Chư Pưh đã tổ chức đoàn cán bộ gồm có đại diện các cơ quan chức năng đến thực địa điều tra, kiểm kê tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy, trên địa bàn huyện Chư Pưh hiện còn gần 31.700 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng tự nhiên chỉ còn hơn 12.200 ha, đất rừng trồng có trên 1.200 ha và đất lâm nghiệp không có rừng lên tới hơn 18.200 ha. Ông Phạm Chung Chinh-Trưởng ban QLRPH Nam Phú Nhơn cho biết: Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp không có rừng đều nằm rất gần các làng người địa phương nghèo khó. Để có đất sản xuất, bà con thường đi sớm về khuya, lén lút lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, cải thiện đời sống. Bởi thế cho nên công tác giữ đất lâm nghiệp không còn rừng là quá gian nan.
Điển hình như khu đất không có rừng đã được các cơ quan chức năng xác định là đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 1119, lâm phần quản lý của Ban QLRPH Nam Phú Nhơn, rất khó bảo vệ vì ở gần làng Nhăng (xã Chư Don). Nhiều tháng qua, dân làng Nhăng, trong đó có anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1983) đã làm đơn khiếu nại việc Ban QLRPH Nam Phú Nhơn cưỡng chế thu hồi đất nương rẫy của gia đình anh là không đúng trình tự thủ tục của pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Chư Pưh, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh đã phối hợp với đại diện các cơ quan hữu quan xuống thực địa kiểm tra, xác minh và đã có Báo cáo số 108/BC-HKL ngày 12-12-2014 gửi tới các cơ quan chức năng. Báo cáo này nêu rõ: Kết quả kiểm tra thực tế của tổ công tác thì 10.270 m2 đất anh Dũng đang khiếu nại là đất không có rừng, chỉ có cây cỏ, cây le, cây tái sinh nhỏ, trạng thái 1c và đất nông nghiệp.
Ngày 20-12-2014, trao đổi với chúng tôi tại hiện trường đang tranh chấp, anh Dũng khẳng định: “10.270 m2 đất nêu trên là một phần đất liền kề hơn 3 ha đất do gia đình tôi khai hoang làm nương rẫy từ năm 2001. Hơn 3 ha đất này nằm ở gần sát với làng Nhăng. Xung quanh phần đất đó đều là đất đang trồng mì của bà con làng Nhăng. Thế mà từ năm 2008 đến nay, lấy lý do sử dụng đất không có giấy tờ, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, Ban QLRPH Nam Phú Nhơn không để cho gia đình tôi gieo trồng trên phần đất này. Đến ngày 12-11-2014, Ban QLRPH Nam Phú Nhơn tự đưa lực lượng, máy móc đến phần đất kể trên đào giếng, xây dựng Trạm bảo vệ rừng Chư Đôn. Từ những việc làm bất thường đó, tôi đã gửi đơn khiếu nại lên cấp có thẩm quyền giải quyết...”.
Những năm qua, rất nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Chư Pưh đã đầu tư rất nhiều công của vào việc khai hoang, phục hóa, đưa đất trống, đồi núi trọc vào sử dụng, không để lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên trong quá trình gieo trồng các loại cây, bà con đã mở rộng thêm diện tích sản xuất vào đất lâm nghiệp không có rừng và đất chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su. Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, thiết nghĩ chính quyền các cấp nên đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi những vị trí đất không có rừng cấp cho những hộ dân nghèo thật sự không có đất và thiếu đất sản xuất, chăn nuôi. Có làm được như vậy lòng dân mới thuận, sinh kế của người dân ở gần rừng mới được đảm bảo, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài và thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Hoàng Cư