(GLO)- Giá cà phê từ đầu vụ đến nay luôn ổn định ở mức cao nhưng nhiều nông dân vẫn không vui vì năng suất năm nay giảm. Vì vậy, nông dân cần có giải pháp phát triển cà phê bền vững.
Năng suất cà phê sụt giảm
Chị Trần Thị Thương (thôn Lâm Tốc, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho hay: Gia đình tôi có 3 ha cà phê trồng ở 2 khu vực khác nhau nhưng đều bị giảm năng suất. Cà phê mất mùa, lượng quả ít và nhỏ nhưng tiền thuê nhân công thu hái năm nay lại cao hơn những năm trước. Nếu như năm trước tiền thuê nhân công chỉ khoảng 70-75 ngàn đồng/tạ thì năm nay lên mức 120 ngàn đồng/tạ. Mặc dù năm nay giá cà phê có tăng hơn so với mọi năm nhưng chỉ đủ bù vào tiền đầu tư chứ không có lãi.
Cà phê rất cần nước tưới. Ảnh: Đức Thụy |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù giá cà phê cao và ổn định nhưng người trồng cà phê cũng không lãi nhiều do năng suất giảm mạnh. Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết: Năng suất cà phê trên địa bàn giảm 30-70% so với năm trước. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông thì cho biết: Đến nay, người dân trong huyện đã thu hoạch xong diện tích cà phê. Tuy nhiên, năm nay do nắng hạn làm cho cây cà phê không đủ nước tưới nên năng suất giảm 15-20% so với niên vụ trước.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), niên vụ 2016-2017, toàn tỉnh có 93.449 ha cà phê. Do nắng nóng kéo dài nên năng suất bình quân chỉ đạt 26,1 tạ cà phê nhân/ha (giảm 0,5 tạ so với niên vụ trước), sản lượng đạt 208.000 tấn cà phê nhân (giảm 4.487 tấn so với niên vụ trước).
Hướng tới sản xuất cà phê bền vững
Trong số 93.449 ha cà phê trên địa bàn tỉnh thì có 18.554 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần phải tiến hành tái canh và ghép cải tạo. Trước thực tế đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2016-2020. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tái canh khoảng 13.610 ha và ghép cải tạo 50 ha, riêng năm 2016 tái canh 4.302 ha.
Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Năm nay, huyện thực hiện tái canh và ghép cải tạo khoảng 300 ha. Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, Phòng triển khai ươm khoảng 170 ngàn cây giống”. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho hay: “Năm 2017, huyện sẽ thực hiện tái canh hơn 200 ha. Chúng tôi thành lập vườn ươm và ươm giống cấp cho người dân theo quy định”. Còn theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, huyện đã thành lập các tổ chỉ đạo tái canh gồm Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật phối hợp với các xã để rà soát lập kế hoạch tái canh cho niên vụ tới. Huyện chuẩn bị kinh phí khoảng 800 triệu đồng đầu tư, hỗ trợ cho người dân tái canh.
Để phát triển cà phê bền vững, ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người trồng cà phê sản xuất ổn định. Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất cà phê bền vững bước đầu phát huy hiệu quả như xây dựng, nhân rộng các mô hình canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP và ứng dụng biện pháp kỹ thuật canh tác mang tính bền vững như trồng cây che bóng, kết hợp phát triển hệ thống ao hồ nhỏ trữ nước. Dự án VnSAT đã phối hợp với các địa phương tổ chức 57 lớp đào tạo về sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê bền vững với 2.064 hộ tham gia. Cùng với đó là xây dựng 10 mô hình sản xuất cà phê bền vững với tổng diện tích 10 ha và 5 mô hình tái canh với diện tích 4,6 ha. Trong năm 2017, dự án VnSAT tiếp tục triển khai 32 mô hình sản xuất cà phê bền vững và tái canh bền vững với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.
Lê Nam