Hồn quê trong gốm Phước Tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ghé làng cổ Phước Tích vào ngày nắng, bước trên con đường gạch cổ kính vương mùi ngai ngái của đất sau mấy ngày mưa còn lưu lại lòng người như chùng lại... Làng Cổ, con người nơi đây cũng cổ. Cái cổ hiện rõ mồn một trong nếp sinh hoạt thôn quê. Làng chỉ có gần 200 nhân khẩu, người Phước Tích vẫn cần mẫn giữ lấy nghề gốm truyền thống tự bao đời.
 

 Nghệ nhân làng gốm Phước Tích. Ảnh: Đoàn Hằng
Nghệ nhân làng gốm Phước Tích. Ảnh: Đoàn Hằng

Du khách đến Huế không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này. Không chỉ được tận mắt thưởng ngoạn những phần nét thơ mộng, cổ kính của vùng đất cố đô mà còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của các nghệ nhân làng gốm-những con người đang hàng ngày thổi hồn quê hương vào đất.

Gốm làng Phước Tích xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI. Sản phẩm ban đầu chủ yếu là các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như: cái om, vại, bình dùng để chứa nước... Ưu điểm lớn nhất của gốm Phước Tích tạo nên sự khác biệt so với các làng gốm khác, đó là gốm có độ cứng, tính chịu nhiệt cao và đặc biệt là ít thẩm thấu nên không cần tráng men hay sơn màu thì gốm vẫn có một màu sắc đặc trưng rất đẹp mà người dân nơi đây thường gọi gốm màu da lươn.

 

Ảnh: Đoàn Hằng
Ảnh: Đoàn Hằng

Trải qua nhiều biến cố và sự lấn át bởi các ngành công nghiệp, nhất là đồ dùng bằng nhựa chiếm lĩnh thị trường khiến sản phẩm đồ gốm mất dần chỗ đứng. Nghề làm gốm từ đó cũng mai một dần, có những giai đoạn tưởng chừng không thể khôi phục được. Nhưng tình yêu nghề làm gốm đã thấm vào máu của những con người nơi đây, nghề gốm vẫn lay lắt truyền giữ...

Ông Lê Trọng Diễn-làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), năm nay đã 62 tuổi và từng nối tiếp tới 3 đời làm nghề gốm. Tại nhà ông hiện còn lưu giữ nhiều vật dụng bằng gốm có giá trị, được làm từ những năm 1940, 1980… Những bảo vật gia truyền ấy như để nhắc nhở cháu con về truyền thống bao đời nay của gia đình.

 

 Sản phẩm gốm Phước Tích. Ảnh: Đoàn Hằng
Sản phẩm gốm Phước Tích. Ảnh: Đoàn Hằng

Tiếp bước thế hệ ông Diễn còn có anh Lương Thanh Hiền. Anh Hiền hiện đang là thợ làm gốm tại cơ sở gốm Phước Tích. Anh Hiền cho biết: Người làm gốm trong làng giờ không còn nhiều. Để khôi phục và phát triển nghề làm gốm Phước Tích, ngoài các sản phẩm truyền thống thì cơ sở đang phát triển thêm các mẫu mã hiện đại như: bình hoa, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí... phục vụ khách du lịch tới thăm làng muốn mua quà làm kỷ niệm. Sự đổi thay kịp thời đó đã phần nào đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, giúp gốm Phước Tích có thêm "men sống" trong thời kinh tế thị trường.

Gốm làng Phước Tích được bắt tay khôi phục từ năm 2006 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Bỉ và sự viện trợ của tổ chức JICA của Nhật, đến nay đã có những tín hiệu đáng mừng. Nhiều đợt khách tham quan và mua sản phẩm của các cơ sở gốm hơn trước. Mỗi tháng, có cơ sở cho ra đời 200-300 sản phẩm đủ các loại, mẫu mã đa dạng, phong phú. Không chỉ đáp ứng cho khách du lịch đến thăm Huế, mà còn tham gia các lễ hội làng nghề trong nước như: Festival Huế, triển lãm làng nghề ở Bình Dương và nhiều địa phương khác. Đời sống của nghệ nhân nơi đây cũng dần được nâng lên.

Hy vọng một ngày nào đó gốm Phước Tích sẽ mang hồn quê hương vươn xa hơn nữa.

Đoàn Hằng

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.