Hội người gốc Việt ở Phnom Penh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

7 giờ sáng, bộ bàn ghế đá đặt trước trụ sở của Tổng hội người Campuchia gốc VN đã có vài người đến để giải quyết chuyện liên quan việc làm ăn, sinh sống.

Ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt (mặc vest), cùng đại diện phân hội ở các tỉnh - Ảnh: tổng hội cung cấp
Ông Châu Văn Chi-Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt (mặc vest), cùng đại diện phân hội ở các tỉnh - Ảnh: tổng hội cung cấp

“Đều là đồng hương đồng bào mà, ai cần việc gì thì mình giúp, có gì to tát đâu".

Ông Nguyễn Văn Thọ
(chi hội trưởng người gốc Việt quận Toul Kor)

Ông Châu Văn Chi, chủ tịch tổng hội, cho biết đây là cảnh tượng thường ngày ở đây.

33 năm trước, trùng với mốc thời gian người VN sang Campuchia làm ăn sinh sống khá nhiều, Tổng hội người Campuchia gốc VN được thành lập dưới cái tên sơ khai là ban đại diện của người VN tại Campuchia.

Đặt trụ sở ở Phnom Penh, tổ chức này đã có nhiều hoạt động để đồng hành và chăm lo đời sống cho người gốc Việt.

Việc gì cũng hỏi Hội

Dáng người lòm khòm, ông Tám Vân (54 tuổi, quê An Giang) đến tổng hội để hỏi về việc chôn cất cha mình mất cách đây mấy ngày. Sau khi được giải thích cách bỏ tiền mua đất ở nghĩa trang, thủ tục ra sao, ông mới an tâm ra về.

Ông nói: “Tui tối ngày lo buôn bán ngoài chợ, đâu có rành mấy chuyện này. Trước giờ tất tần tật mấy việc liên quan luật pháp, việc làm ăn... tui đều chạy tới đây hỏi”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, quê Tây Ninh) tới tổng hội để hỏi về việc xin học bổng cho con trai sắp vào đại học. Nghe câu chuyện của ông xong, ông Chi nói ông phải về làm đơn, nếu đủ điều kiện sẽ cấp học bổng cho con trai về VN học.

Ông Chi cho biết: “Người Việt mình vốn có truyền thống đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khó khăn. Do đó, hội ra đời để hỗ trợ người gốc Việt những vấn đề về pháp lý, đời sống, giáo dục, vận động các nguồn tài trợ để cấp học bổng, cứu trợ bà con khi gặp thiên tai...”.

Người gốc Việt sinh sống ở tất cả 25 tỉnh thành của Campuchia, làm đủ nghề (từ chài lưới, buôn bán, làm văn phòng, làm thuê... đến mở doanh nghiệp, liên kết làm ăn).

Nhiều người không có đầy đủ giấy tờ, không biết chữ, không rành luật pháp Campuchia..., thế nên vai trò và trách nhiệm của Tổng hội người Campuchia gốc Việt khá nặng nề.

Mở trường, xóa mù chữ

Theo lời ông Chi, một trong những khó khăn của người gốc Việt tại Phnom Penh là nạn mù chữ. “Do luật pháp quy định phải có giấy khai sinh mới được đi học, nhưng nhiều gia đình không có quốc tịch Campuchia, không làm giấy khai sinh cho con được. Trước tình hình này, tổng hội đã tổ chức các lớp học để xóa nạn mù chữ” - ông Chi nói.

Không thể kể hết những khó khăn khi thành lập các điểm trường để dạy học. Từ điểm trường đầu tiên, đến nay tổng hội đã mở các điểm trường ở tám tỉnh, có hơn 5.000 học sinh trên toàn quốc. Nhưng theo ông Chi, con số đó vẫn còn quá ít so với lượng trẻ em gốc Việt ở Campuchia.

Ông Chi kể: “Có một số điểm trường anh em trong hội phải bỏ tiền thuê đất, thuê nhà để mở, rồi vận động một số thầy cô giáo tới dạy học”.

Như điểm trường ở Biển Hồ tỉnh Siem Reap do ông Võ Văn Đầy (tỉnh hội phó Tỉnh hội Siem Reap) phụ trách. “Hoàn cảnh các em khó khăn lắm, nhà lại xa trường. Chúng tôi phải vận động thường xuyên rồi xin kinh phí sửa chữa trường để có chỗ cho các em học”-ông Đầy nói.

Như sáng nay ông phải ngồi xe 6-7 tiếng để đến tổng hội xin kinh phí sửa chữa mấy phòng học đã dột nát.

Và do cha mẹ các em phải bận rộn mưu sinh, các anh em trong tổng hội lại bỏ công sức đi thuyết phục họ cho con tới trường để biết mặt chữ.

“Hằng năm chúng tôi vận động kinh phí cho các lớp học từ các nhà hảo tâm tại Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp, từ các ngân hàng, Ủy ban người VN ở nước ngoài... để có tiền lo cho các em. Vì điều kiện còn hạn chế, chỉ có thể tổ chức cho các em học từ lớp 1 tới lớp 5” - ông Chi cho biết.

Đối với những học sinh đã học hết lớp 12 và không có điều kiện học đại học, tổng hội vận động các nhà hảo tâm ở VN cấp học bổng. Hiện đang có 100 sinh viên nhận học bổng học các ngành y dược, kinh tế, nông nghiệp ở Campuchia và 28 sinh viên đang học theo diện học bổng ở VN.

“Sắp tới, hội sẽ ra sức vận động nhiều hơn để đáp ứng mong muốn của những cháu học sinh học giỏi, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học đại học”-ông Chi nói.

 

Tổng hội người Campuchia gốc Việt phối hợp với Hội Chữ thập đỏ VN phát thuốc, tặng quà cho người gốc Việt nghèo ở Campuchia - Ảnh: tổng hội cung cấp
Tổng hội người Campuchia gốc Việt phối hợp với Hội Chữ thập đỏ VN phát thuốc, tặng quà cho người gốc Việt nghèo ở Campuchia - Ảnh: tổng hội cung cấp


“Giúp được gì thì giúp”

Theo những người ở tổng hội, để vận động người dân tham gia công tác hội đã là một điều khó khăn.

Ông Lê Văn Hên, ủy viên ban chấp hành tổng hội, cho biết đây là công việc tự nguyện, cần có tấm lòng, mà bà con gốc Việt nhiều người lo miếng ăn còn chưa xong, việc gắn với công tác hội là ngoài khả năng.

Rồi có những tỉnh bà con không biết chữ, mỗi lần vận động hoặc có việc cần giải quyết, tổng hội phải xuống tận nơi.

Bà con gốc Việt ở các tỉnh thường sống co cụm thành những khu Việt kiều, ở ghe, bè, nhà thuê. Thế nên khi bị thiên tai, hậu quả rất nặng nề.

Ông Chi kể: “Như năm 2002, khu cầu Sài Gòn bị hỏa hoạn thiêu rụi rồi bị sạt lở khoảng 200 hộ gần mé sông. Như năm nay có tỉnh bị di dời hơn 1.000 hộ mà không biết đi đâu về đâu, tổng hội chỉ có thể hỗ trợ tiền bạc, lương thực, thuốc men trong khả năng cho phép”.

Ông Võ Văn Đực, chi hội phó quận Toul Kork, chia sẻ: “Bà con mình ở Phnom Penh nhiều người còn khổ lắm. Có nhà chiều 30 tết vẫn không có trái dưa hấu chưng bàn thờ, hội bỏ tiền mua dưa trao tận tay. Nhiều nhà do lúc di dời bị thất lạc, con tìm cha, vợ tìm chồng, chúng tôi cũng hỗ trợ và phụ tìm kiếm cho bằng được”.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ, chi hội trưởng quận Toul Kork, sắm một chiếc tuk tuk để vừa chạy xe chở khách vừa chở giúp bà con người gốc Việt mỗi khi đau bệnh cần đi viện gấp.

Nhiều khi ông phải gác chuyện mưu sinh để lo cho tròn việc của “người dưng”. Ông nói: “Đều là đồng hương, đồng bào mà, ai cần việc gì thì mình giúp, có gì to tát đâu”.

Theo Tuoitre

Năm 1983, Ban đại diện của người VN tại Campuchia được thành lập tại Phnom Penh. Từ năm 1983-1987, có bảy ban đại diện cho ba quận, bốn huyện của Phnom Penh.

Năm 1988, ra mắt ban chấp hành Hội Việt kiều đô thành Phnom Penh nhưng hoạt động chỉ có tính chất nội bộ. Đến năm 1999 mới tổ chức được đại hội đại biểu bầu ban chấp hành của hội.

Tháng 2-2003, Bộ Nội vụ vương quốc Campuchia mới chính thức cấp giấy phép thành lập Hội người VN. Hoạt động của hội lúc này chưa rộng khắp vì nhân lực còn hạn chế. Đến năm 2008, hội xây dựng ban đại diện ở 19 trên tổng số 25 tỉnh thành Campuchia.

Tháng 3-2011, tổ chức đại hội đại biểu lần 1 của ban chấp hành và đổi tên là Tổng hội người Campuchia gốc VN. “Hiện nay, chúng tôi đã có ban đại diện ở 23 trên tổng số 25 tỉnh thành, có chi hội - cấp quận huyện, phân hội - cấp phường xã.

Tổng số anh em tham gia công tác hội là 850 người. Tổng hội cũng có thêm hai hội thành viên: Hội Doanh nghiệp người VN tại Campuchia (thành lập năm 2012) và Hội Phụ nữ người VN tại Campuchia (năm 2015)”-ông Châu Văn Chi cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.