Hội Đông y tỉnh Gia Lai chung tay vì người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa qua, 194 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và người mù trên địa bàn tỉnh Gia Lai được tham gia lớp học nghề xoa bóp-bấm huyệt miễn phí do Hội Đông y tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tổ chức. Khóa học có ý nghĩa thiết thực góp phần đào tạo nghề, mở ra cơ hội kiếm việc làm có thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian 5 tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, các học viên lại tề tựu về tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để nghe các giảng viên Trường Trung cấp Tây Sài Gòn truyền đạt kiến thức và hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng cơ bản về tác dụng của xoa bóp theo y học cổ truyền; các thủ thuật xoa bóp-bấm huyệt cơ bản; cách xác định huyệt và những huyệt thường dùng, kỹ năng xoa bóp-bấm huyệt các vùng cơ thể... Kết thúc khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận học nghề và có thể làm việc tại các cơ sở dịch vụ xoa bóp-bấm huyệt tại cộng đồng.
Lương y Nguyễn Ngữ-Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-cho biết: Tham gia lớp học có 194 học viên; trong đó có 10 người mù. Mục tiêu chính của lớp học là phổ cập các phương pháp điều trị không dùng thuốc đến với cộng đồng góp phần nâng cao sức khỏe phòng-chống dịch Covid-19. Đồng thời, giúp các học viên tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống.
“Đây là lần đầu tiên Hội Đông y tỉnh phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề. Rất mừng là khi chúng tôi đề xuất đã được Trường Trung cấp Tây Sài Gòn đồng ý hỗ trợ đào tạo miễn phí. Riêng đối tượng là người mù còn được nhà trường hỗ trợ thêm 60 ngàn đồng tiền ăn/ngày”-lương y Nguyễn Ngữ nói.
Khám-chữa bệnh từ thiện bằng y học cổ truyền tại Tuệ Tĩnh đường-chùa Bảo Sơn (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Khám-chữa bệnh từ thiện bằng y học cổ truyền tại Tuệ Tĩnh đường-chùa Bảo Sơn (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Tham gia lớp học, chị Puih H’Nam (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) phấn khởi chia sẻ: “Được đào tạo nghề xoa bóp-bấm huyệt miễn phí nên mình rất vui. Lớp học rất bổ ích, giúp mình có kiến thức xoa bóp, bấm huyệt để có thể về phục vụ người thân trong gia đình. Ngoài ra, nếu kiếm được việc làm nữa thì sẽ rất tốt”.
Với anh Trương Văn Nghĩa (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê), việc tham gia khóa học này rất ý nghĩa khi anh là người mù đi lại khó khăn. Anh Nghĩa thổ lộ: “Gia đình tôi là hộ nghèo, bản thân lại bị mù từ nhỏ, sống phụ thuộc gia đình nên không có điều kiện học nghề. Khi được Hội Người mù tỉnh thông báo đi học lớp xoa bóp-bấm huyệt, tôi xúc động lắm vì biết nghề, sau này có thể làm việc tạo thu nhập. Không chỉ được miễn phí đào tạo, tôi còn được hỗ trợ tiền ăn và được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ chi phí đi lại. Các giảng viên cầm tay chỉ việc nên chúng tôi tiếp thu các kiến thức mà không gặp khó khăn gì”.
Các học viên là người mù được giảng viên hướng dẫn cụ thể, thực hành các phương pháp xoa bóp- bấm huyệt tại lớp học. Ảnh: Như Nguyện
Các học viên là người mù được giảng viên hướng dẫn thực hành các phương pháp xoa bóp-bấm huyệt. Ảnh: Như Nguyện
Trao đổi với P.V, bác sĩ CKI Trương Minh Hữu Hạnh-Trưởng khoa Y học cổ truyền (Trường Trung cấp Tây Sài Gòn) cho hay: “Trung bình 1 khóa học xoa bóp-bấm huyệt  tại trường, mức chi phí là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với mong muốn góp phần đào tạo nghề cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và người mù tại Gia Lai nên nhà trường đã miễn phí toàn bộ, đội ngũ giáo viên thì tận tâm hướng dẫn. Với các đối tượng là người mù, chúng tôi có phương pháp giảng dạy phù hợp, cầm tay chỉ việc để họ nắm bắt kiến thức và thực hành ngay. Kết thúc đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ, có thể kiếm được việc làm phù hợp sức khỏe”.  
Thời gian qua, cùng với việc chung tay đào tạo nghề cho các đối tượng khó khăn, Hội Đông y tỉnh còn có nhiều hoạt động thiết thực trong đó có việc khám-chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở tham gia khám-chữa bệnh từ thiện bằng y học cổ truyền, gồm: Tuệ Tĩnh đường-chùa Bảo Sơn (84 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku),  Phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ thành phố và Hội Đông y TP. Pleiku tại 114 Trần Phú, TP. Pleiku và Phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh.
“Ngoài khám dịch vụ thì Phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh còn triển khai khám bệnh, tư vấn và hỗ trợ điều trị bằng châm cứu không thu phí đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hội viên của Hội Cựu tù chính trị yêu nước”-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết thêm.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).