Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đang triển khai xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Lựa chọn lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian để ứng cử, Hội An có nhiều cơ hội để UNESCO đưa vào mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Ngày hội khinh khí cầu diễn ra vào tháng 3/2022 tại Hội An. Ảnh minh họa: Tấn Nguyên |
Là một đô thị cổ có nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, Hội An gắn liền với sự phát triển của các làng nghề truyền thống và văn nghệ diễn xướng dân gian. Thành phố hội tụ hơn 50 nghề truyền thống gắn với các làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia như: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian ở Hội An khá đa dạng, nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát múa cầu ngư bả trạo, hò khoan, hát múa sắc bùa, hô hát Bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, nghệ thuật biểu diễn dân ca… Năm 1985, khu phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 1999 Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Năm 2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế.
Hà Nội cam kết thực hiện ba sáng kiến cấp độ địa phương gồm kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo ở Hà Nội và sản xuất chương trình truyền hình tài năng sáng tạo. Tuy nhiên từ khi ghi danh đến nay, những chuyển biến trong xây dựng thành phố sáng tạo ở Hà Nội không rõ nét. Khái niệm thành phố sáng tạo vẫn còn rất mơ hồ, Hà Nội thiếu các không gian sáng tạo quy mô, có năng lực.
Các chuyên gia về văn hóa nhìn nhận, Hà Nội đang cố gắng thực hiện các cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo, dựa vào các đặc trưng văn hóa, con người, thể hiện qua các chính sách bảo tồn các làng nghề, bảo tồn di sản hướng theo các mục tiêu phát triển bền vững; Đề án Đô thị thông minh; Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Tuy nhiên, thành phố vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra được hướng đi cụ thể, mạnh mẽ cho danh xưng thành phố sáng tạo.
Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Hội An đứng trước những cơ hội và triển vọng mới. Thành phố sẽ mở rộng giao lưu, hợp tác và trao đổi với các thành phố trong khu vực và thế giới về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, cũng như học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương.
Tuy có đầy đủ các tiêu chí để được công nhận thành phố sáng tạo, Hội An cần nhìn thấy những thách thức của Hà Nội khi tham gia sân chơi của các thành phố sáng tạo. Việc định danh thành phố sáng tạo không khó, khó hơn là thực hiện các chương trình hành động cam kết, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm bằng các hoạt động cụ thể.
Ngoài tạo mọi điều kiện nâng tầm cho thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ưu tiên và coi hai lĩnh vực này là trọng tâm, dẫn dắt sự phát triển của thành phố, Hội An cần có tầm nhìn, chính sách, chiến lược cụ thể và phương hướng phát triển bền vững nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật. Hội An nên chú trọng phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, xây dựng nhiều chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo, đổi mới. Từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo, Hội An sẽ góp phần nâng số lượng thành phố sáng tạo của Việt Nam khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo NGỌC LIÊN (NDĐT)