Học sinh đi học lại từ đầu tháng 3, không học bù, học dồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước tình hình dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đề nghị các địa phương cho học sinh trở lại trường từ đầu tháng 3 và lùi thời gian kết thúc năm học sang tháng 6, thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7. Với những điều chỉnh này, theo đánh giá của các địa phương, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở giáo dục thực hiện chương trình mà không cần tổ chức học bù, không gây áp lực cho giáo viên và học sinh.

 

Học sinh Hà Nội có thể trở lại trường từ 2.3 (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn
Học sinh Hà Nội có thể trở lại trường từ 2.3 (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn



Kiểm soát dịch bệnh tốt, học sinh sớm được trở lại trường lớp

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, một trong những vấn đề nhận được quan tâm là cho học sinh, sinh viên đi học hay nghỉ học. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chỉ 3 địa phương có dịch là: Vĩnh Phúc, Thanh  Hóa, Khánh Hòa mới phải điều chỉnh lịch học. Tuy nhiên, trước ý kiến của phụ huynh, diễn biến dịch bệnh ở ngoài nước rất phức tạp, nên tất cả 63 địa phương trong cả nước đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2.2020.

Cho nghỉ học để các trường có thời gian tiến hành vệ sinh khử trùng trường lớp, tập huấn cho giáo viên, học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhưng những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, trong bối cảnh dịch bệnh  ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ trước ngày 30.6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở trước 15.7. Tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15.8; thi trung học phổ thông quốc gia từ 23 đến 26.7. Như vậy, các mốc thời gian đều được Bộ GDĐT lùi lại 1 tháng so với mọi năm.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2.3.2020, sau 1 tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.

Trước chủ trương của Bộ GDĐT, nhiều địa phương cho biết đã thống nhất để học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. Theo đại diện Sở GDĐT Hà Nội, việc đảm bảo chuẩn bị môi trường học đường, lớp học an toàn hơn các cơ quan nhà nước, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học từ đầu tháng 3.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, khi bàn về thời điểm học sinh thủ đô sẽ trở lại trường, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhắc lại việc thành phố đã chuẩn bị tốt các điều kiện để phụ huynh yên tâm cho con đến trường. Hà Nội thống nhất cho học sinh đi học lại từ 2.3.

Với TP.Hồ Chí Minh, theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND Thành phố - việc thành phố kiến nghị cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3 là tính đến phương án xấu nhất của dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó. Trong trường hợp học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, các cơ sở giáo dục của TP.Hồ Chí Minh đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế… đảm bảo môi trường an toàn.

Về ý kiến phụ huynh, hiện vẫn có 2 luồng quan điểm. Anh Nguyễn Văn An (có con học tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, Hà Nội) ủng hộ việc nên cho học sinh trở lại trường từ 2.3. Lý do được phụ huynh này đưa ra là, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chỉ cần nhà trường tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh như trang bị nước rửa tay diệt khuẩn, thường xuyên đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe học sinh như cách các nước đã làm... thì phụ huynh có thể yên tâm để con đi học.

Học bù hay không, phụ huynh quyết định?

Với việc địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh có thể trở lại trường từ 2.3, thì thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19 kéo dài đúng 1 tháng. Trong khi đó, Bộ GDĐT cũng quyết định lùi thời gian kết thúc năm học lại 1 tháng so với mọi năm. Điều này sẽ thuận lợi cho các địa phương xây dựng kế hoạch học tập, tính toán thời gian học bù phù hợp.

Sau khi Bộ GDĐT có quyết định lùi thời gian kết thúc năm học, các Sở GDĐT đã lên phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020, sau đó sẽ trình UBND tỉnh để xin ý kiến.   

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Long - nếu địa phương cho học sinh đi học trở lại từ 2.3 thì thời gian các em được nghỉ đúng bằng thời gian kéo dài thời điểm kết thúc năm học. Như vậy, các trường sẽ dạy đúng theo thời khóa biểu như mọi khi mà không cần tính đến phương án học bù, hay học dồn, học vào thứ bảy, chủ nhật để đảm bảo đủ chương trình.

“Bộ GDĐT điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học lại 1 tháng như vậy là thuận lợi cho các địa phương, đảm bảo thực hiện chương trình theo quy định, không gây áp lực cho học sinh, giáo viên. Địa phương cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình ở địa phương mình”- bà Thanh cho biết.

Kéo dài thời gian kết thúc năm học đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ hè của học sinh sẽ rút ngắn lại. Việc học sinh đi học đến tháng 6 cũng khiến một số phụ huynh lo ngại thời tiết nắng nóng sẽ khiến học sinh và giáo viên vất vả. Bởi hiện nay, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có điều kiện, trang bị đủ điều hòa cho học sinh, trong khi nhiều nơi sĩ số lớp học quá tải.

Về lo ngại này, theo đại diện Sở GDĐT Hưng Yên, kế hoạch điều chỉnh năm học của Bộ GDĐT rất linh hoạt, chỉ yêu cầu “kết thúc năm học trước 31.6”. Các địa phương sẽ tùy điều kiện mà sắp xếp lịch học, nếu muốn kết thúc năm học trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì có thể tổ chức học bù vào thứ bảy, chủ nhật. Miễn là đảm bảo chương trình, không cắt xén, đảm bảo quyền lợi học sinh.

Nhiều địa phương cho biết sẽ lấy ý kiến phụ huynh về việc sắp xếp lịch học bù, trên tinh thần không gây áp lực, nhưng cả phụ huynh, giáo viên, học sinh cùng nỗ lực để khắc phục khó khăn  do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 


Điều kiện để học sinh trở lại trường

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - lưu ý một số điều kiện khi học sinh trở lại trường học:

Nhà trường thực hiện khử khuẩn trường, lớp; thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động về phòng, chống dịch COVID-19 bằng các kênh và tài liệu truyền thông.

Không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế... Không chào cờ tập trung toàn trường, chỉ tổ chức chào cờ tại lớp học, hạn chế hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp.

Ngoài ra phải chuẩn bị đủ các điều kiện phục vụ học sinh và giáo viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay; hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh...

Đ.Chung

https://laodong.vn/xa-hoi/hoc-sinh-di-hoc-lai-tu-dau-thang-3-khong-hoc-bu-hoc-don-786301.ldo


 

Theo ĐẶNG CHUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.