Hoa trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm tôi mới có dịp loanh quanh về phía núi. Tôi vẫn đang sống chênh vênh trên những ngọn núi với dốc dài, dốc ngắn quanh co nằm gối lên nhau. Nhưng cảm giác ngờm ngợp trước không gian bộn bề nắng gió khi ngồi ở một nơi thật cao nhìn núi đồi uốn lượn trước mắt mình, luôn có cảm giác thật thú vị.
Núi mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng, thậm chí mỗi thời khắc trôi qua đều in lên dáng núi một vẻ riêng nào đó, vừa thân thuộc, vừa lạ lẫm. Vẻ đẹp của núi thuộc về sự vững chãi lặng lẽ biếc xanh, cái màu xanh của cỏ cây muôn thuở quyện vào sắc mây trời. Nhưng đẹp nhất phải là mùa núi nở hoa. Nói là hàng trăm thì hơi quá, nhưng cũng chẳng sao khi dùng một định tính ước chừng bởi mắt nhìn chỗ nào cũng chạm vào những sắc hoa ngờm ngợp. Từ những loài hoa sắc màu rực rỡ phô căng cánh thắm đến các loài hoa cỏ bé li ti nằm sát mặt đất; từ những loài quen thuộc biết mặt, biết tên đến những loài khiêm nhường chẳng được ai biết đến, tất cả đều căng mình tận hiến dưới ánh mặt trời.
Bắt đầu từ chân núi, những đám cỏ lúp xúp chừng gang tay vừa mấy hôm trước, dưới cơn mưa cuối mùa còn biếc lên như cái rướn mình vẫy chào phút giao mùa, hôm nay trở lại đã thấy những bông hoa li ti màu tím sậm tựa cỏ may bám trên những chiếc cành bé xíu như cái tăm. Giá như cái cành tăm hoa bé xíu ấy mà nằm riêng lẻ một mình, nó sẽ chìm lẫn trong màu đất, nhưng dưới chân núi, chúng líu ríu san sát bên nhau, quấn lấy nhau thành một thảm màu trải dài. Dưới mặt trời, cái màu tím ấy ánh lên sắc hồng thành những mảng màu đẹp tựa một giấc mơ.
Tôi quanh qua một di tích cũ, đúng hơn là một phế tích mọc đầy cỏ dại. Những cây bông bay nở trắng hoa, bám vào bức tường mốc thếch màu rêu đang khẽ lay trong một chiều nhẹ gió. Loài cây ấy lá có hương vị hăng hắc, thứ lá quen thuộc có tác dụng cầm máu được gọi là lá “cộng sản”. Những bông hoa cũng có hương hăng hắc như lá bật sáng trắng cả một khoảng núi đồi. Khi hoa khô, chúng theo gió bay khắp không gian giống những đóa bồ công anh li ti tạo thành khung cảnh rất đẹp mắt.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cao thêm một khoảng, lên trên sườn núi là bạt ngàn cỏ đuôi chồn. Thứ cỏ có lẽ hợp với chất đất bazan nhất nên mưa xuống là xanh tốt như cỏ tranh. Khi dứt mưa, những vùng cỏ đuôi chồn xanh mướt đồng loạt trổ hoa, những bông hoa ngời lên dưới mặt trời. Khi mới nở, chúng có màu tím hồng, rồi chuyển sang nhạt dần cho tới khi thân cỏ khô xác, những hạt cỏ rụng xuống nằm im lìm cả một mùa khô, chờ mưa xuống lại nảy mầm vươn rễ tiếp tục vòng đời như vậy.
Rực rỡ nhất mùa này là sắc hoa dã quỳ. Từ dọc lối đi đến những khoảng trống, bên sườn đồi, khe đá, dã quỳ chen chúc nhau mà nở. Những sóng hoa uốn lượn theo địa hình núi đồi. Có khoảnh vươn mãi lên cao như thể muốn níu vào nắng trời, có khoảnh lại chảy dài xuống ven hồ ven ruộng nằm bần thần soi mình xuống mặt nước. Dã quỳ bắt đầu nở khi những cơn mưa cuối cùng vừa dứt. Ở xứ núi ngập nắng, màu vàng của hoa như gom hết nắng trời, rồi nhuộm cho nắng thêm hanh hao, rực rỡ.
Những sắc hoa xứ núi luôn khiến tôi liên tưởng đến con người nơi đây, giản dị, mộc mạc, khiêm nhường nhưng nồng nhiệt và tận hiến. Tôi ngồi tựa vào một vách đá vững chãi, ngắm nhìn muôn loài hoa dại đua chen nở dọc theo chân núi lên đến chỗ tôi ngồi, nơi nào có đất trống là nơi ấy nở hoa. Có loài nở quanh năm, có loài nở theo mùa, có loài mỗi năm chỉ nở một lần. Những đóa hoa luôn đúng hẹn, luôn có mặt đúng kỳ dẫu cuộc đời vui hay buồn, tưng bừng náo nhiệt hay vắng lặng tẻ nhạt. Không biết phải mất bao nhiêu kỷ địa chất để những bông hoa xuất hiện trên trái đất, và bao nhiêu kỷ nữa để con người biết rung cảm xuyến xao trước vẻ đẹp của những đóa hoa.
Hoa cỏ cũng có đời sống riêng, có ngôn ngữ riêng, có thông điệp riêng, tùy vào sự cảm nhận của mỗi người. Chúng hoàn toàn không phải thảo mộc vô tri nếu con người biết lắng nghe. Như tôi, với buổi chiều này, trong tĩnh tại, tựa vào núi vững chãi, dưới chân là cỏ hồng, xuyến chi, trên đầu là cỏ đuôi chồn, dã quỳ, ngũ sắc… như đang xạc xào những câu chuyện đồng loại trong gió núi lao xao, dưới mặt trời lấp lánh. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy núi như nở mình thành một đóa hoa, thật đẹp, thật rực rỡ, thật xuyến xao.
CHÂU KHÁNH

Có thể bạn quan tâm

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, gần 40 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân Gia Lai đã tham gia 2 sự kiện vô cùng ý nghĩa tại tỉnh Nghệ An. Đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” và triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” năm 2025.

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 47 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2025), sáng 12-5, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung khai mạc triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.