Hoa súng ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Con đường vô núi phải băng sông, đi qua hai, ba đầm lầy. Đầm lầy nào cũng hoa súng mọc bát ngát. Kỳ lạ, nước càng nhiều cọng súng càng vươn dài, đưa những bông hoa vươn cao lên khỏi nước.
Lá súng cũng vậy: nước lên lá lên, nước xuống lá xuống. Từng tấm lá tròn xoe như cái đĩa trải mình lả lơi trên mặt nước, mướt một màu xanh tím mỡ màng. Chỉ mùa nước rốc (cạn) còn lấp xấp súng mới chịu mọc thẳng đứng; vậy nhưng vẫn cứ ra hoa, nở thơm lừng. Lũ con nít bẻ hoa đem thả sông chơi. Nghịch nữa thì nhổ cả cọng, tước vỏ phần dưới gốc, bỏ vô miệng nhai rạo rạo. Cọng súng phần gần bùn non mềm, một chút chát, còn lại ngòn ngọt nên lũ nhỏ thích ăn. Hái cả bó hoa, tước bỏ vỏ, mỗi cọng nhai được đúng một mẩu! Mẹ bắt gặp, la: “Vừa ăn vừa phá!”. Tôi cãi: “Của rừng của đồng chớ của ai đâu? Tùm lum mà má tiếc gì”. “Ừ thì của rừng của đồng, nhưng ăn phá như bây của nào chịu nổi. Hết không mấy lát đâu con…”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh nguồn internet
Những buổi nông nhàn, sáng mẹ tranh thủ lội sông vô rừng hái củi. Chiều gánh củi về, mẹ đặt gánh nghỉ chân, sẵn lội luôn xuống đầm bứt hoa súng. Được một bó to. Mẹ khoanh tròn, cột lên đầu bó củi gánh về. Bỏ gánh củi xuống là ôm ngay bó hoa súng ra thềm giếng.
Những cọng súng được mẹ tước vỏ sạch sẽ đem nấu canh chua cá lóc. Nhiều hơn thì bỏ muối ngâm như ngâm dưa cải. Ngâm chừng mươi bữa là đem ăn được. Dưa chua hoa súng ăn có vị lạ. Một chút ngòn ngọt, một chút dai, một chút mặn, và thêm cả chút hăng hăng ngai ngái mùi bùn rất chi… đặc trưng hoa súng. Muốn ngon hơn thì đem dưa kho cùng thịt cá. Con đông nhà khổ nên thường mẹ kho cá ít dưa nhiều mà sao vẫn thấy ngon. Mười miếng dưa cõng một miếng cá, thêm chút ớt dằm cay là đủ để lũ nhỏ ăn bay nồi bay xoong. Chưa hết, bạn bè cha tới nhà chơi, mẹ còn sáng kiến đem dưa chua bông súng trộn gỏi cùng đậu phộng, tôm khô với chút ớt, rau thơm vườn nhà làm mồi nhậu. Không tệ. Cả chủ lẫn khách đều gắp lấy gắp để, chắp hít gật gù. Cha khen: “Món vậy mà cũng nghĩ ra, đúng bà… hay thiệt!”. Mẹ nghe cha khen, cười tươi như bông hoa súng vừa nở bung hết cánh giữa đầm…
Lâu rồi tôi không về làng cũ. Con đường lội sông vô núi ngày xưa không biết đầm lầy có còn nhiều hoa súng? Lâu lâu đi chợ, thi thoảng tôi vẫn gặp vài người bày bán những khoanh hoa súng, chợt chạnh lòng nhớ tới nỗi lo của mẹ ngày xưa. Không đâu mẹ ơi, hoa súng vẫn còn; chỉ mẹ và món dưa chua hoa súng một thời nuôi lớn khôn con là không còn nữa…
 Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.