Tập truyện ngắn của Kim Ân vừa được ra mắt bạn đọc Việt Nam trong diện mạo mới với nhan đề Hoa cúc dại.
Nhan đề tập truyện lấy từ tên một truyện ngắn, ba chữ "hoa cúc dại" khó gây một cảm xúc gì đặc biệt, nhưng lại hợp với tập truyện này: tác giả tập trung nói về những phận người bình thường, thậm chí một số tác phẩm chỉ được dụng công để nói về một vài khía cạnh của phận người.
Vẫn có thể nhận ra những tố chất của người Việt trong các truyện, cho dù tình tiết xảy ra trong chiến tranh hay bối cảnh truyện thuộc về một xứ sở ngoại quốc xa lạ.
Không rõ vô tình hay hữu ý, một số nét dân tộc tính của người Việt được bộc lộ qua những phận người trải từ trong chiến tranh đến thời hậu chiến trong truyện ngắn của Kim Ân.
Những câu chuyện như tuôn chảy xung quanh tác giả trong cuộc sống, trong suy tư hằng ngày hay trong kỷ niệm từng cẩn thận lưu giữ...
Tất cả không mang dáng dấp lên gân hay cố gắng "xây dựng bằng một thủ pháp đặc biệt" nào. Có lẽ vì vậy, trong số 13 truyện ngắn của tập này, phải thừa nhận có những truyện cũng thường thôi, bảo không hay cũng được, mà bảo hơi nhạt vị so với những "món khác" được "dọn ra" trong cùng một tập đều được.
Nhưng có hề gì, độc giả hẳn cũng không đến mức cầu toàn kỳ vọng một tập truyện ngắn chỉ toàn là truyện hay. Huống gì trong tập Hoa cúc dại này vẫn có những truyện cực kỳ xuất sắc.
Đó là những truyện tác giả đã thần tình bắt được chiều sâu nội tâm của nhân vật, trong một số trường hợp chiều sâu ấy được soi chiếu qua lý thuyết của tôn giáo (Lời xưng tội lúc nửa đêm) hoặc qua từng trải mất mát (Nấm mồ), hay chính là trong cơn thập tử nhất sinh đối diện với ám ảnh về thế giới bên kia (Đôi mắt màu đêm)...
Còn một không gian khác, được xem như chất xúc tác làm nổi bật những khía cạnh thân phận người, đó là môi trường sống ở nước ngoài.
Tác giả cũng bằng một cách thong thả tự nhiên như vậy, nhặt lấy những mảnh đời của người Việt đang sống ở hải ngoại, bày ra cho người ta thấy các khía cạnh hoặc do chính mỗi cá nhân tự chọn, hoặc do hoàn cảnh khốc liệt của lịch sử đẩy đưa, đã làm thành thân phận nhiều khi trớ trêu không tưởng tượng được (Ông thông gia), hoặc bất ngờ trước cái-xấu-giống-ta đến mức thà không thừa nhận người ta xấu (Người chỉ đường ở Lyon).
Cho nên, đọc đến khi gấp tập sách lại rồi, mới chợt nhận ra tác giả chọn lấy những chuyện nhỏ nhoi bình thường tưởng như sẽ trôi tuột qua tâm trí người đời để làm đề tài truyện ngắn, lại không phải là công việc tầm thường, bằng chứng là chính những khía cạnh phận người trong truyện lại day dứt khó quên, dù độc giả có kỹ tính xếp truyện này hay truyện kia không hay đi chăng nữa.
Lam Điền (TTO)