Hỗ trợ phụ nữ gắn bó với vùng biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) phát động, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk phối hợp BĐBP tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo ở khu vực biên giới. 
Mô hình chăn nuôi dê do BĐBP tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ các gia đình khó khăn, ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp.
Mô hình chăn nuôi dê do BĐBP tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ các gia đình khó khăn, ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp.
Nhờ sự giúp đỡ của chương trình, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Đa dạng các hình thức hỗ trợ phụ nữ
 Tỉnh Đắk Lắk có 73 km đường biên giới thuộc địa bàn bốn xã: Krông Na, huyện Buôn Đôn; xã Ia Rvê, Ea Bung và Ia Lốp, huyện Ea Súp, giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Ở khu vực biên giới của tỉnh có 5.184 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó, có 2.620 phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 50,54%. Đến nay, so các địa phương khác trong tỉnh, đời sống nhân dân ở các xã biên giới vẫn còn gặp khó khăn; địa hình, giao thông đi lại cách trở, khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, chiếm 53,71%; tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trong một bộ phận đồng bào DTTS...
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Phong cho biết: Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong ba năm qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động sự chung tay, hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ các chị em phụ nữ nghèo ở bốn xã biên giới bằng các mô hình, việc làm thiết thực như: Trao vốn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ dạy nghề miễn phí; tư vấn, chăm sóc sức khỏe; xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo; nhận đỡ đầu gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao bò giống cho phụ nữ nghèo nơi biên giới… với số tiền trị giá hơn 7,3 tỷ đồng, giúp cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.
 Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk và Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ vốn vay cho các phụ nữ nghèo ở các xã biên giới của tỉnh.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk và Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ vốn vay cho các phụ nữ nghèo ở các xã biên giới của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng CSXH tỉnh cho 864 hội viên phụ nữ vay 24 tỷ 833 triệu đồng, đầu tư phát triển kinh tế. Thực hiện Mô hình 1+6 (một Hội LHPN xã, phường, thị trấn giúp đỡ sáu hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ), hỗ trợ vốn cho 122 hộ phụ nữ nghèo để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, trao 18 con bò sinh sản, 10 mái ấm biên cương, hỗ trợ con giống, cây giống các loại cho 176 chị; xây 10 công trình vệ sinh; tổ chức mở ba lớp dạy nghề dân dụng, sáu lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi bò sinh sản, chuyển đổi cây trồng, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 390 phụ nữ...
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ngoài các chương trình, mô hình phối hợp Hội LHPN tỉnh, với trách nhiệm và tình cảm của BĐBP đối với nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới, trong những năm qua BĐBP tỉnh đã tham mưu triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, BĐBP tỉnh đã phân công 74 đảng viên các đồn biên phòng trực tiếp giúp đỡ 334 hộ gia đình tại bốn xã biên giới; sửa chữa, xây dựng bảy căn nhà “Mái ấm biên cương”, với tổng kinh phí 350 triệu đồng; mua, trao tặng 83 con bò giống sinh sản cho 83 hộ nghèo với tổng trị giá 750 triệu đồng; nhận nuôi bốn cháu học sinh làm “Con nuôi đồn biên phòng”; nhận đỡ đầu 42 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, có 21 em là người DTTS, mỗi em 500.000 đồng/tháng; vận động, mở được hai lớp xóa mù chữ cho 51 phụ nữ người DTTS ở các xã biên giới; khám chữa bệnh cho 4.850 lượt người và cấp thuốc miễn phí trị giá khoảng 250 triệu đồng; nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình chăn nuôi nhím, bò, vịt trời, kỳ nhông, trồng gừng trong bao, trồng xoài lai trái vụ, bí cao sản...; nhận hỗ trợ một hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn... Thông qua đó, nhiều phụ nữ nghèo ở các xã biên giới có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, gắn bó với vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Cùng với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chúng tôi tới thăm gia đình chị Hồ Thị Cẩm Trang, ở xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp. Dù gia đình chị định cư ở vùng đất biên cương này đã nhiều năm nhưng không có đất sản xuất, bản thân sức khỏe yếu nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, gia đình chị phải sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp nên sức khỏe các thành viên trong gia đình đều sa sút. Thương hoàn cảnh của chị, cuối năm 2018 từ nguồn kinh phí vận động được của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ gia đình chị 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố để có chỗ ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Chị Trang xúc động cho biết: “Là một trong những phụ nữ đầu tiên trên địa bàn được thụ hưởng từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tôi cảm ơn sự quan tâm của Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo chúng tôi, để được ở nhà mới, sức khỏe của mọi người trong gia đình tốt hơn, nên tôi yên tâm hơn để lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Cũng ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp, chị Lê Thị Ánh Tuyết là hội viên phụ nữ nghèo của xã, chồng và con của chị thường xuyên đau ốm, thu nhập chính của gia đình từ sản xuất nông nghiệp như trồng mì, trồng ngô… nhưng điều kiện đất đai cằn cỗi, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên năng suất thấp. Tháng 4-2019, gia đình chị được BĐBP tỉnh phối hợp Hội LHPN tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bò giống để gia đình có sinh kế vươn lên thoát nghèo.
Chị Tuyết bộc bạch: “Từ ngày được tặng bò giống, gia đình tôi có thêm cơ hội để phát triển kinh tế. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng bò giống thật tốt để cải thiện đời sống. Gia đình tôi cảm ơn BĐBP và các cơ quan, ban, ngành nhiều lắm”.
Không chỉ gia đình chị Trang, chị Tuyết mà ba năm qua, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã giúp cho 165 hộ phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn bốn xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo. Đáp lại những tình cảm, sự quan tâm của các cấp, các ngành và BĐBP tỉnh, các hội viên phụ nữ trên địa bàn các xã biên giới Đắk Lắk yên tâm gắn bó với quê hương, động viên gia đình khắc phục mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, sát cánh cùng BĐBP tỉnh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đến nay, nhiều thôn, buôn khu vực biên giới đã thành lập được các câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, mô hình “Chi hội phụ nữ ba an toàn”; tổ chức tham quan đường biên, mốc quốc giới để nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Phong cho biết: Ở các xã biên giới của tỉnh, hội viên phụ nữ phần lớn là người DTTS, trình độ dân trí thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí không muốn thoát nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi, gây khó khăn cho các cấp hội trong thực hiện Chương trình. Nhu cầu cần được giúp đỡ của các hộ gia đình hội viên, phụ nữ quá lớn, như: Hỗ trợ để xây dựng nhà ở, quán ăn; giải quyết việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm vì đầu ra không ổn định, luôn bị tư thương ép giá... Trong khi đó, khả năng vận động nguồn lực của các cấp hội còn hạn chế, nhất là việc huy động lực lượng xã hội vào cuộc chưa nhiều, mà chỉ tập trung chủ yếu từ sự huy động trong hội viên phụ nữ.
 Đồn Biên phòng Ia Rvê nhận cháu Đinh Tiến Lợi ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp làm “con nuôi đồn biên phòng”.
Đồn Biên phòng Ia Rvê nhận cháu Đinh Tiến Lợi ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp làm “con nuôi đồn biên phòng”.
Vì vậy, trong thời gian tới, căn cứ kết quả khảo sát trực tiếp thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các xã biên giới với các xã trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, xóa mù chữ, vận động trẻ em bỏ học quay trở lại trường; hướng dẫn phụ nữ phát triển kinh tế; phòng, chống mua, bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu; vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Theo NGUYỄN CÔNG LÝ (Nhân Dân ĐT)

Có thể bạn quan tâm