Hồ Thị Phương Tuyền: Khởi nghiệp để tạo việc làm cho phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 4 năm gầy dựng xưởng may gia công, chị Hồ Thị Phương Tuyền (thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành Công nghệ may, chị Tuyền ở lại TP. Hồ Chí Minh mở cơ sở may gia công hàng thời trang. Vì thiếu kinh nghiệm nên chị thất bại. Sau đó, chị đi làm thuê đủ thứ nghề, kết hợp nhận may gia công để có thu nhập cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhờ làm việc có trách nhiệm, sản phẩm đạt chất lượng nên chị có nhiều khách hàng, trong đó có một số cửa hàng thời trang tin tưởng đặt may quần áo. Từ đó, chị Tuyền nghỉ làm thêm và nhận mẫu khách đặt về may; đồng thời gửi về cho chị em ở xã Ia Băng làm để có thu nhập cũng như giữ chân khách.

Năm 2019, chị Tuyền quyết định trở về quê khởi nghiệp. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn khi thiếu vốn, nhân công chưa có tay nghề cao. Không nản lòng, chị tận dụng căn nhà rộng hơn 200 m2 của bố mẹ để mở xưởng may gia công Phương Tuyền. Đồng thời, chị vay mượn tiền của bố mẹ mua 3 chiếc máy may để vừa tự may vừa đào tạo nghề cho chị em phụ nữ.

Theo thời gian, nhân công học việc tăng dần, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, tạo được uy tín đối với khách hàng. Chị cũng đã ký được nhiều hợp đồng với các công ty may mặc, cửa hàng thời trang ở TP. Hồ Chí Minh. Với lợi thế đó, chị Tuyền mua thêm máy may để đào tạo thêm nhân công. Sau gần 4 năm, số nhân công của xưởng tăng lên gần 50 người, thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, xưởng may gia công đạt lợi nhuận 20-30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Chị Hồ Thị Phương Tuyền hướng dẫn kỹ thuật may cho nhân công. Ảnh: Hồng Thương

Chị Hồ Thị Phương Tuyền hướng dẫn kỹ thuật may cho nhân công. Ảnh: Hồng Thương

Chị Nguyễn Thị Thiên Hương (thôn 5, xã Ia Băng) gắn bó với xưởng may gia công của chị Tuyền hơn 2 năm qua. Chị Hương bộc bạch: “Với nghề may gia công, tôi chủ động được thời gian. Tuy chỉ làm khoảng 5-6 tiếng đồng hồ/ngày nhưng tôi có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng”.

Không chỉ khởi nghiệp thành công, chị Tuyền còn thường xuyên hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Bà Phạm Thị Ngọc Bích-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Băng-cho hay: “Chị Hồ Thị Phương Tuyền là một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu. Xưởng may gia công của chị đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ của xã nói riêng, huyện Đak Đoa nói chung. Đồng thời, chị Tuyền cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, góp phần giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Tuyền cho biết: “Hiện nay, nhiều khách hàng tin tưởng giới thiệu thêm khách hàng mới nên lượng hàng đặt may ngày càng nhiều. Vì vậy, tôi đang lên kế hoạch mở thêm xưởng may gia công để đào tạo thêm nhân công, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa tạo việc làm cho chị em phụ nữ cũng như tăng nguồn thu cho gia đình”.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.