Ngành y tế nước Anh đang báo động tình trạng cho phép hiến tinh trùng nhiều lần sẽ gây ra nhiều tình huống ngang trái, như 17 người đàn ông có trên 30 đứa con!
Việc một người được phép hiến tinh trùng nhiều lần gây ra nhiều tình huống éo le |
Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Sinh sản và Phôi học con người (HFEA) Anh quốc, cả nước này có 17 "nhà tài trợ tinh trùng" đã hiến quá nhiều lần và có trên 30 đứa con sinh học. 104 người có từ 20-29 đứa con, 1.557 người có 10-19 con và hơn 6.000 người khác có ít nhất vài đứa con mà bản thân họ không hề biết mặt.
Những con số trên khiến ngành y tế lo ngại bởi ngày càng có nhiều phát hiện mới liên quan đến các lỗi gene di truyền và những người hiến tinh trùng không hề sàng lọc chúng.
Ví dụ, gene đột biến BRCA1/BRCA2 gây ung thư vú và buồng trứng. Đặc biệt là BRCA1 với 90% phụ nữ mang gene sẽ bị ung thư vú. Các nghiên cứu mới cho thấy nó có thể di truyền cả qua người cha: người đàn ông mang nó nhưng bệnh tiềm ẩn, không phát ra và lặng lẽ truyền cho con gái.
Chỉ cần một trong số các người hiến tinh trùng số lượng lớn mắc lỗi di truyền, số con cháu bị lỗi gene xuất hiện trong cộng đồng sẽ vô cùng lớn.
Một mối lo ngại lớn khác là tình trạng hôn nhân cận huyết do vô tình. Để bảo vệ người hiến tinh trùng, cặp vợ chồng nhận tinh trùng hiến tặng và cả các đứa bé, các thông tin đều được giữ kín. Những người cha không biết con sinh học của họ và các đứa con của họ cũng không biết nhau.
Với những người có tới 20-30 anh chị em cùng cha, nguy cơ bản thân họ và đời con, cháu vô tình gặp gỡ nhau và nảy sinh các mối quan hệ là rất lớn. Các mối quan hệ cận huyết cũng đưa đến nguy cơ tạo ra các đứa trẻ mang bệnh di truyền do kết hợp 2 gene lặn từ cha và mẹ cận huyết.
Từ năm 2005, các đạo luật được nới lỏng cho phép những đứa trẻ tìm ra cha sinh học của mình. Nhưng khả năng các anh chị em tìm ra nhau vẫn cực kỳ thấp, đồng thời những người sinh ra trước thời điểm đó thì vô phương tìm kiếm.
Ông Geoff Trew, Giám đốc lâm sàng của The Fertility Partnership, một trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn nhất nước Anh, đồng thời là nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh, cho rằng nên có các bước sàng lọc nâng cao cho những người hiến tinh trùng, đồng thời hạn chế số anh chị em cùng cha để tránh các hậu quả di truyền.
Đồng thời, người mẹ nhận tinh trùng cũng cần được sàng lọc để tránh hiện tượng 2 gene lặn hợp nhất và tạo ra bệnh/nguy cơ bệnh di truyền trên đứa trẻ.
A. Thư (Telegraph, nld)