Đau tinh hoàn, khi nào cần phải khám bác sĩ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi bị sưng hoặc đau ở 1 hoặc 2 tinh hoàn thì cách tốt nhất là phải đi khám. Nếu cơn đau gây buồn nôn, ói mửa thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Trong một số trường hợp, đau tinh hoàn được điều trị sớm có thể giúp người bệnh sớm phục hồi.

 

Nam giới cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu đau tinh hoàn kèm theo các triệu chứng buồn nôn, ói mửa, sưng tinh hoàn hay cơn đau ngày càng dữ dội. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Nam giới cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu đau tinh hoàn kèm theo các triệu chứng buồn nôn, ói mửa, sưng tinh hoàn hay cơn đau ngày càng dữ dội. Ảnh: SHUTTERSTOCK


Đau tinh hoàn có thể do các nguyên nhân sau:

Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng mào tinh hoàn - nơi chứa tinh trùng trưởng thành trước khi xuất ra ngoài - bị nhiễm trùng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Các triệu chứng của viêm mào tinh hoàn gồm cơn đau tinh hoàn ngày càng tăng, bìu sưng và có cảm giác nóng khi chạm vào. Những bệnh lây qua đường tinh dục, chẳng hạn như bệnh chlamydia hay lậu, hay nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây viêm mào tinh hoàn. Bác sĩ thường điều trị các tình trạng này bằng kháng sinh.

Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là một bệnh gây nhiễm trùng ở tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm tinh hoàn.

Các triệu chứng thường gặp của viêm tinh hoàn là mệt mỏi, sốt, buồn nôn, ói mửa, đau tinh hoàn, sưng ở 1 hoặc 2 tinh hoàn. Khi thấy các triệu chứng này thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Cách điều trị viêm tinh hoàn như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh nếu nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là do vi rút thì có thể kết hợp với một số phương pháp điều trị khác như dùng thuốc giảm đau không kê đơn, nghỉ ngơi nhiều hơn và nâng đỡ bìu.

 

Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi thừng tinh bị xoắn, dẫn đến cắt đứt nguồn cung cấp máu đến tinh hoàn. Thừng tinh có các mạch máu, mạch bạch huyết, dây thần kinh và ống dẫn tinh, giúp đưa tinh trùng từ mào tinh đến ống phóng tinh trước khi xuất tinh.

Xoắn tinh hoàn thường xảy ra phổ biến ở nam giới trẻ dưới 25 tuổi, tinh hoàn bên trái thường bị xoắn nhiều hơn bên phải. Các triệu chứng thường gặp là buồn nôn, ói mửa, bìu bị đỏ hoặc sẫm màu, đau đột ngột và dữ dội ở 1 bên bìu, sưng bìu. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ xuất hiện cơn đau âm ỉ sau đó tăng dần đến mức dữ dội chỉ trong vài ngày.

Xoắn tinh hoàn thường sẽ điều trị bằng cách phẫu thuật. Trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật không thể khắc phục thì phải cắt bỏ bên tinh hoàn bị xoắn. Vì chỉ cắt bỏ 1 tinh hoàn nên thường sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tóm lại, các chuyên gia khuyến cáo nam giới cần đi khám bác sĩ ngay nếu đau tinh hoàn kèm theo một trong số các triệu chứng như bìu thay đổi màu sắc, buồn nôn, dương vật tiết dịch bất thường hoặc có máu, sưng tinh hoàn và cơn đau ngày càng dữ dội, theo Medical News Today.

 

Theo Ngọc Quý (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Bệnh viện (BV) Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse trong điều trị vô sinh, giúp tăng cơ hội chuyển phôi thành công và sinh con khỏe mạnh. Chuyên viên phôi học thao tác trên hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse
Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản của phái mạnh. Đó là nhờ cà rốt chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như carotenoid, chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa.