Hiểm họa ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại buổi họp báo sơ kết công tác quý I-2019 do Bộ Công an tổ chức vào ngày 25-3 vừa qua, những thông tin liên quan đến hoạt động của tội phạm ma túy được công bố khiến nhiều người phải giật mình lo sợ. Theo đó, trong 3 tháng (từ ngày 16-11-2018 đến 15-2-2019), lực lượng Công an cả nước đã điều tra, xử lý 6.562 vụ phạm pháp về ma túy. Đáng chú ý, theo Thiếu tướng Phạm Văn Các-Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (Bộ công an), chỉ trong quý I-2019 đã phát hiện, thu giữ số lượng ma túy hơn của cả năm 2018.
Vậy năm 2018, lượng ma túy bị phát hiện, thu giữ trên cả nước là bao nhiêu? Theo số liệu của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy là gần 1,6 tấn heroin, 2,5 tấn lá khát, 1,8 tấn và 1,4 triệu viên ma túy tổng hợp. So với năm 2017, số heroin thu giữ năm 2018 tăng 200%, ma túy tổng hợp tăng 125%.
Đường dây 300 kg ma tuý đá ở Sài Gòn bị bắt. (ảnh nguồn VNE)
Đường dây 300 kg ma túy đá ở Sài Gòn bị bắt. (ảnh nguồn VNE)
Những con số trên cho thấy, hoạt động của tội phạm ma túy ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô, bất chấp nỗ lực ngăn chặn quyết liệt của lực lượng chức năng cùng hàng trăm, hàng ngàn “tấm gương” những kẻ buôn bán ma túy đã phải “dựa cột” trong những năm qua. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do lợi nhuận khổng lồ mà những chuyến hàng ma túy đem lại nếu vận chuyển, tiêu thụ trót lọt. Cũng bởi lợi nhuận khổng lồ mà bên cạnh những đối tượng buôn bán ma túy nhỏ lẻ ngày càng xuất hiện những đường dây lớn, thậm chí câu kết với cả tội phạm người nước ngoài để vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ cách đây hơn 1 tuần, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây vận chuyển, tiêu thụ ma túy cực lớn tại TP. Hồ Chí Minh liên quan đến các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc, thu giữ khoảng 300 kg ma túy đá. Hay mới đây nhất, vào đêm 27-3, lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 1 chiếc xe tải đang vận chuyển gần 900 bánh ma túy (nghi là heroin) với trọng lượng khoảng 300 kg.
Lượng ma túy khổng lồ từ nước ngoài tuồn vào thị trường nội địa dĩ nhiên là để phục vụ nhu cầu của người nghiện. Và khi lượng ma túy tăng lên cũng đồng nghĩa với sự gia tăng số người nghiện. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 222 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tháng 10-2018, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, con số này đã tăng lên hơn 224,6 ngàn người, nhưng trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Đáng chú ý, số người nghiện ma túy ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể, có đến 60% số người sử dụng ma túy lần đầu nằm ở độ tuổi dưới 25.
Gia Lai tuy chưa phải là điểm nóng về ma túy nhưng hoạt động của loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây nhức nhối dư luận xã hội. Tại một hội nghị của tỉnh diễn ra hồi tháng 9-2018, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 916 đối tượng liên quan đến ma túy. Trong số này, tỷ lệ nữ chiếm 7,2%, độ tuổi thanh niên chiếm 64,85%, người dân tộc thiểu số chiếm 4,26%. So với năm 2007, tỉnh ta tăng 67 xã, phường, thị trấn có ma túy; tăng 628 đối tượng liên quan đến ma túy; số vụ phạm tội về ma túy phát hiện trung bình mỗi năm tăng 10-30%.
Tội phạm ma túy gia tăng cũng là một nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp tài sản, giết người… gây bất ổn xã hội. Không những vậy, nó còn làm băng hoại đạo đức xã hội khi thời gian qua có quá nhiều vụ chồng giết vợ, con giết cha mẹ, cháu giết ông bà xuất phát từ nguyên nhân người phạm tội đã sử dụng ma túy. Đặc biệt, khi ma túy xâm nhập vào giới trẻ, nó còn làm ảnh hưởng đến nòi giống, hiệu quả học tập, năng suất lao động, từ đó tác động tiêu cực đến đời sống của mỗi gia đình cũng như sự phát triển của xã hội. Do đó, ma túy đã và đang trở thành một hiểm họa thực sự của đất nước, giống nòi.
Ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở hết sức quan tâm trong những năm qua. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, rõ ràng những giải pháp mà chúng ta triển khai vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi được hiểm họa này, ngoài sự quyết tâm hơn nữa thì các cấp, ngành, địa phương cũng phải có những giải pháp đủ mạnh, có tính đột phá, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của giới trẻ nhằm giúp bộ phận này hiểu và tránh xa ma túy.
THÙY CHI

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...