Hàng rong trĩu bước mưu sinh: Dè sẻn để qua ngày khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tay thoăn thoắt trao những gói xôi cho khách, chị Mến cười thật tươi: “Có gì mà cực anh ơi. Mình từ nhỏ kiếm tiền bằng chân tay quen rồi. Mừng là thằng con trai chuẩn bị vô năm 3 đại học. Thúng xôi nhỏ này mà nuôi nổi nó ăn học đó”…

Chị Mến với thúng xôi nuôi con ăn học - Ảnh: MẠNG DŨNG
Chị Mến với thúng xôi nuôi con ăn học - Ảnh: MẠNG DŨNG
“Con nghỉ học lớp 6 ở An Giang để lên thành phố bán vé số phụ cha mẹ. Khi nào nhà hết khổ, con sẽ về quê đi học lại.
Bé Lâm Ngọc Phúc
7h sáng, công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo và PouYuen chuẩn bị vào ca cũng là thời điểm chị Phùng Thị Mến luôn tay bán những gói xôi bình dân.
Dừng xe đạp trên con đường gần khu công nghiệp từ lúc mới 6h, hầu hết khách của chị là công nhân và một số người đi làm sớm, lót lòng bằng gói xôi no bụng và rẻ tiền.
Niềm vui bên thúng xôi
Tôi mua gói xôi, ngồi ăn ở vỉa hè để quan sát "siêu thị xôi" bé nhỏ của người phụ nữ vào từ Mộ Đức, Quảng Ngãi này. 44 tuổi, gầy gò và sạm đen vì nắng gió bụi đường, nhưng chị Mến lúc nào cũng niềm nở, vui cười với khách.
Hình như nhiều người đã là khách mối lâu dài. Sau lớp khẩu trang che miệng, họ chỉ giơ một hay hai ngón tay là chị Mến biết ngay gói xôi 5.000 hay 10.000 đồng. Người thích thêm tí đường, vài sợi dừa nạo, chị cũng tự biết để vui vẻ bỏ thêm mà không cần nhắc.
Chỉ khoảng 30 phút đầu buổi sáng, chị Mến đã bán được vài chục gói xôi mà phần lớn là loại thập cẩm 5.000 đồng cỡ gần bằng nắm tay người lớn. "Ăn nhiêu đây đủ no không?". "Cũng được, riết quen bụng rồi, gói 10 ngàn lại ăn không hết, bỏ uổng" - một cô gái mặc áo công nhân vui vẻ trả lời khi nghe tôi hỏi.
"Mỗi ngày cũng bán được gần hai thúng xôi. Nhiều nhất là buổi sáng, chiều thì ít hơn" - chị Mến kể và cho biết thêm "có giảm một chút so với năm rồi nhưng không đáng kể".
Theo chị, người lao động ăn sáng bằng gói xôi 5.000 - 10.000 đồng đã tiết kiệm lắm rồi, còn dè sẻn gì được nữa. Cùng khoảng này năm ngoái, trung bình mỗi ngày chị lời được ngót nghét 300.000 đồng từ hai thúng xôi, giờ còn khoảng 250.000 - 270.000 đồng tùy bữa nắng mưa.
"Mẹ con tui sống hoàn toàn nhờ hai thúng xôi này đó. Tiền trọ mỗi tháng 1,8 triệu đồng, còn lại là tiền ăn uống, chi phí lặt vặt" - chị Mến có vẻ rất tự hào khi kể về con trai đang vào năm 3 Trường ĐH Giao thông vận tải.
Chồng chị ở quê đang làm ruộng, nuôi đứa con út, để hai mẹ con yên tâm xa nhà. "Tiền ăn uống, sinh hoạt thì tôi bán xôi đủ lo. Nhưng tiền học phí của nó, tôi không xoay nổi, phải mượn anh em bà con" - chị Mến cười kể đứa con rất ngoan, hứa học xong sẽ làm trả nợ cho mẹ.
Chắt bóp miếng ăn
Người phụ nữ nghèo bán xôi này kể "giải pháp vượt khó" của mình là dè sẻn và thật dè sẻn thôi chứ chẳng có cách nào khác trong khả năng của mình. Bữa nào xôi ế, chị ăn thay cơm.
Bữa nào bán hết thì đi chợ chiều công nhân, tranh thủ mua tí thịt cá tươi cho con trai đang tuổi ăn học. Chợ chiều công nhân bán rẻ hơn hẳn các chợ lớn. Biết tính kỹ, mỗi ngày mẹ con chỉ cần 40.000 - 50.000 đồng tiền chợ cũng no lòng...
Những ngày lang thang đường phố, tiếp cận người bán hàng rong, tôi có cảm nhận hình như họ đông hơn trước đây. Và thực tế nhiều người trong cuộc cũng thừa nhận "đang cạnh tranh nhiều hơn".
Lý do đơn giản theo họ là do nhiều người khó khăn, thất nghiệp nên "phải lăn ra đường đổ mồ hôi để kiếm chén cơm". Mọi việc đường phố đều có vẻ đông hơn, tức "cạnh tranh" nhiều hơn, từ người lượm ve chai đến người đi bán vé số, thức ăn, hoa quả dạo...
"Hồi đợt dịch đầu, thành phố thực hiện giãn cách, tôi không đi bán vé số được nên phường có cho 1 triệu đồng.
Dè sẻn ăn dần cũng được vài tuần. Giờ thì mỗi ngày cố gắng bán khoảng 200 tờ vé số, may mắn bán hết thì kiếm được 240.000 đồng" - anh Nguyễn Ngọc Cảnh, khuyết tật nặng cả hai chân, phải ngồi xe lăn mưu sinh, tâm sự. Nhà đông anh em ở Phú Tân, An Giang, nhưng chẳng ai dư dả gì nên Cảnh phải tự lên Sài Gòn tìm chén cơm manh áo.
Trọ trong cái phòng nhỏ xíu ở con hẻm 57/2 đường Đình Tân Khai, quận Bình Tân, Cảnh tâm sự lúc này mình cũng đang vượt khó bằng cách cố đi bán nhiều hơn và chi tiêu dè sẻn hơn.
Thường mỗi ngày anh ngồi xe lăn đi bán từ sáng sớm đến tối, nhưng dạo này anh cố bán đến khuya, đề phòng phải "ôm" vé số ế. Chi tiêu thì ngày thường anh chỉ ăn cơm bình dân, nhưng giờ vẫn phải tìm các quán nào rẻ hơn nữa...

Anh Cảnh đang cố gắng đi bán vé số nhiều hơn - Ảnh: MẠNH DŨNG
Anh Cảnh đang cố gắng đi bán vé số nhiều hơn - Ảnh: MẠNH DŨNG
Những ước mơ nhỏ bên đường
"Chuyện dịch giã mà, ai biết đâu ngày mai ra sao. Thôi cứ ráng dè sẻn cho yên tâm" - đây là lời tâm sự của ông Trần Minh Thành, bán xe cháo lòng dạo trên những con đường nhỏ quanh Khu công nghiệp Linh Trung. Cũng giống nhiều người lao động nghèo đã trải qua cú sốc giãn cách xã hội vừa rồi, ông Thành kể mình đang "quyết chí tiết kiệm bằng mọi cách".
Ông và vợ cùng đi bán đã "thề": dù có ế ẩm thế nào cũng phải ráng dành được ít nhất 1 triệu đồng mỗi tháng. "Mình lớn tuổi rồi, phải biết tính rủi ro chứ. Lỡ ngày mai có chuyện thì dựa vào đâu" - ông Thành trầm giọng tâm sự. Tôi lặng nhìn gương mặt sạm đen vì bụi đường nhưng có ánh mắt thật rắn rỏi, kiên cường.
Từ Khu công nghiệp Tân Tạo, tôi qua Linh Trung, rồi sang Tân Thuận, về Vĩnh Lộc..., những nơi tập trung nhiều người lao động và cũng là nơi các phận đời hàng rong tứ xứ tụ về. Sáng sáng, chiều chiều, người đạp xe bắp luộc, người trải bạt rau, người ôm thau cá, mẹt đậu... ngóng đợi khách hàng vốn cũng đã rất ít tiền.
Những tâm sự chất chứa đầy nỗi niềm nghèo khó nhưng cũng đầy nghị lực vươn lên. Vợ chồng anh Nguyễn Hà Văn ngồi đợi khách bên chiếc xe ba gác rau ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đã kể tôi nghe họ mới chia đôi phòng trọ 16m2 cho hai gia đình gồm 5 người ở.
"Mỗi thứ giảm chút tiền cũng đỡ lo. Phòng trọ trước 2 triệu, giờ tôi chỉ phải trả 1 triệu. Chật chội tí mà đỡ nặng nề lo toan" - anh Văn tâm sự thêm ước mơ lớn nhất của mình lúc này là mọi thứ trở lại bình thường như năm ngoái để ngày ngày bán hết xe rau.
"Tụi tôi quyết chí dành dụm vài mươi triệu để về quê Thanh Hóa mở tiệm tạp hóa. Bòn mót được hơn nửa rồi thì đùng cái bị dịch giã này, giờ thì chỉ đủ ăn là mừng" - chị Thủy, vợ anh Văn, trải lòng tháng ngày khó khăn nhưng cho biết sẽ không bỏ cuộc ước mơ.
Tâm sự với tôi, chị Mến cũng nói rằng đang cố gắng rong ruổi với thúng xôi nhiều hơn để mong con trai tốt nghiệp đại học. Ngày con đi làm có tiền, không cần mẹ nữa, chị sẽ về quê ở bên chồng và đứa con út đang đợi mẹ mỗi ngày...
Ở lại Sài Gòn cũng được
"Dạo này ế khách hơn năm ngoái nhưng cũng còn đỡ hơn nhiều đợt giãn cách xã hội, chẳng kiếm được đồng nào. Tôi và đứa con mỗi ngày chỉ nấu cơm sáng để ăn ba bữa cho đỡ tốn điện, gas.
Tôi tính mẹ con lên đây làm 5-7 năm, dành dụm ít tiền để về quê, tình hình này thì chắc phải lâu hơn rồi. Mà cũng hổng sao, ở lại Sài Gòn cũng được, có việc làm, không phải đâm nợ nần là mừng rồi" - bà Nguyễn Thị Út, bán hủ tiếu gõ, tâm sự.
MẠNH DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.