Hàng rong trĩu bước mưu sinh: Ế ẩm, nhưng mừng vì vẫn được bán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người bán hàng rong tụm dưới bóng cây bên đường. Người trải áo mưa chợp mắt. Người tỉa lá úa để bó rau bán dạo bắt mắt hơn. “Cuối tháng, gửi về nhà bao nhiêu?”. “Chưa, chắc cố bòn mươi hôm nữa, gửi về cho con đi học”.
 
Anh Lợi rang chảo hạt dẻ chuẩn bị đi bán dạo - Ảnh: MẠNH DŨNG
Anh Lợi rang chảo hạt dẻ chuẩn bị đi bán dạo - Ảnh: MẠNH DŨNG
Theo chân những người bán hàng rong ở TP.HCM, tôi chứng kiến bao nhiêu cảnh đời mưu sinh nhọc nhằn nhưng đầy ý chí và đẫm tình người. Một chị đếm những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ để dúi thêm cho bạn gửi về quê. Một bác thì nói những lời rắn rỏi mà thấm vào lòng người: "Tụi tôi có việc làm lương thiện để kiếm chén cơm là mừng rồi. Có thông cảm thì cám ơn, nhưng xin đừng thương hại".
Cậu cháu và chảo hạt dẻ
Mới đầu sáng một ngày cuối tháng 8, hai cậu cháu Trần Văn Lợi, Ngô Đình Phong đã đổ mồ hôi nhóm lửa bếp than để chuẩn bị đi bán dạo hạt dẻ. Họ tấp xe máy dưới tán cây trên đường 31, P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân), rồi lui cui xếp mấy thanh củi dầu vào bếp lò gắn sau hai chiếc xe máy cà tàng. Mặt ai cũng nhỏ giọt mồ hôi.
"Sao không nhóm bếp ở nhà mà lại ra đường?". Nghe tôi hỏi, anh Lợi chặc lưỡi: "Phòng trọ nhỏ xíu ở hẻm nhỏ tỉnh lộ 10, nơi trú thân của bao nhiêu người, chủ không cấm nhưng mình cũng phải cẩn thận củi lửa". 
Cậu cháu này từ quê ruộng Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, vào Sài Gòn mưu sinh bằng chảo hạt dẻ bán dạo cũng đã mấy năm. Người cậu tên Lợi, 41 tuổi, đã có vợ và hai con nhỏ ở quê nhà. Con gái lớn 12 tuổi, con nhỏ vừa vào mẫu giáo, nhưng anh vẫn ly hương.
"Cả bốn miệng ăn mà chỉ trông chờ 500 mét vuông ruộng thì làm sao bám quê được. Tôi phải vào Nam kiếm thêm. Vợ ở nhà làm ruộng, giữ con, nhưng bả có làm giỏi cỡ nào thì mảnh ruộng đó chỉ đủ gạo ăn thôi. Tiền có được bao nhiêu là do tôi xoay xở, chứ ruộng quê không sinh ra tiền" - Lợi vừa cời bếp than vừa trải lòng. 
Anh tâm sự, cậu cháu vào Sài Gòn mấy năm mà chưa dám nghỉ một ngày, kể cả mưa bão cũng chạy xe chở chảo hạt dẻ tìm khách, bởi có "ế ương thì cũng đỡ hơn nằm phòng trọ, thở dài nhìn thằn lằn mà không kiếm được đồng nào".
"Trừ hết chi phí ăn, trọ, tháng may mắn cậu cháu tôi gửi về nhà 4 triệu đồng, còn mưa gió, ế ẩm thì ráng gửi về cho vợ con 3 triệu" - người cháu Ngô Đình Phong chia sẻ thêm. 
Anh tâm sự dạo này đang ế ẩm vì dịch giã, khách mua thưa hẳn. Nhiều ngày họ rời nhà từ 8h sáng và chỉ về phòng trọ lúc kim đồng hồ đã qua ngày mới nhưng chỉ bán được 300.000 - 400.000 đồng, đó là chưa trừ vốn liếng hạt dẻ và chi phí xăng xe, ăn uống dọc đường. 
"Cảnh này thì tôi chỉ bỏ túi được 100.000 là cao nhất. Nhưng mà hổng sao, bữa này bữa khác. Phải làm thôi, có buồn lo thì cũng đâu sinh ra tiền" - Phong cười thật tươi làm tôi cũng cười theo anh.
Cậu cháu Lợi, Phong đi bán cả ngày đêm. Họ không nấu cơm được mà chỉ "ăn bụi" quán xá bên đường. "Tụi tôi biết mấy quán chỉ bán đĩa cơm 20.000 - 25.000 đồng mà bao no. Tui ăn một đĩa, còn thằng này thỉnh thoảng xin thêm chén cơm trắng" - Lợi cười kể, chỉ qua cháu mình. 
Đợt dịch giã thứ hai này, họ vẫn bám lại Sài Gòn và vừa cố gắng kiếm sống vừa ngóng tình hình dịch giã. Lợi kể: "Đợt dịch đầu, giãn cách xã hội, hai cậu cháu kịp phóng xe máy về Phú Yên. Cái chảo hạt dẻ phải treo cả tháng, lo thì quá lo, nhưng nghĩ lại cũng may. Mình vẫn khỏe mạnh về bên vợ con dù phải bữa rau bữa mắm".
Hết dịch đợt một, cậu cháu họ lại phóng ngay vào Sài Gòn và ngày ngày lại chở chảo hạt dẻ bán dạo. Ế ẩm hơn năm ngoái nhiều, nhưng họ vẫn lạc quan: "Cậu cháu tôi cố đi nhiều hơn nữa, tằn tiện hơn nữa, chắc khó khăn rồi cũng qua".
 
Tranh thủ lúc không có khách, anh Phong cân sẵn các gói hạt dẻ 20.000 đồng - Ảnh: MẠNH DŨNG
Tranh thủ lúc không có khách, anh Phong cân sẵn các gói hạt dẻ 20.000 đồng - Ảnh: MẠNH DŨNG
Những người già bên đường
Buổi tối, bên bờ kênh Nhiêu Lộc, quận Tân Bình nối dài qua quận 3, nhiều quán xá sáng rực đèn dù khách khứa không bằng trước. Tôi chỉ ngồi một lát đã đếm được gần 100 lượt người bán hàng rong qua lại mời khách. Nhiều nhất vẫn là những người bán vé số dạo, nói giọng miền Trung vùng Phú Yên, Khánh Hòa, kế đến là những người bán thức ăn vặt gói trong các bao nilông nhỏ. Chiếm khoảng 70-80% những người chúng tôi quan sát là phụ nữ, trong đó đa số là những người trên 50 tuổi.
"Mới tầm tuần trước, tụi nhỏ còn lông nhông bán dạo ở đây đông lắm. Nhưng giờ nhập học, tụi nó về quê rồi. Đứa nào còn lang thang ở đây thì chắc nhà phải khổ lắm, không được đi học" - bà Hoàng Thị Từ, bán vé số dạo, chặc lưỡi tâm sự với tôi. 
Đồng hồ đã chỉ gần 22h, bà Từ than: "Lấy vé số đi bán từ lúc chưa tới 5h chiều, mà đến giờ mới bán được chưa nổi 30 tờ. Ế ẩm ế ương quá". 
"Than với thở gì bà ơi, đi bán tiếp đi. Còn tới chiều mai số mới xổ mà" - một bà cụ trạc 70 tuổi như bà Từ cất lời an ủi bạn.
Tuy nhiên, khi được tôi mua mươi tờ vé số và lân la hỏi chuyện thì người đàn bà này lại còn trĩu lo hơn bà Từ: "Tiền trọ, tiền ăn uống ở đất Sài Gòn này có dè sẻn lắm thì mỗi tháng cũng phải mất hơn 3 triệu bạc, chưa kể tuổi già bệnh tật, thuốc men liên miên. Tụi tôi mà không bán nổi hơn 200 tờ một ngày là meo mốc đói". 
Tự giới thiệu mình tên Trần Thị Diệu, 67 tuổi, quê biển Tuy An, Phú Yên. Bà có hai con trai lớn đều "đi bạn" (làm công) tàu cá, nuôi vợ con còn thiếu trước hụt sau, nên bà không muốn ở nhà làm nặng gánh con cái.
Nghe người trước "mách nước" người sau, bà Diệu cùng mấy bà bạn dắt díu vào Sài Gòn kiếm việc nuôi thân. "Quê Phú Yên như lứa già tụi tôi đa số vô đây bán vé số. Ít người còn trẻ, còn mạnh hơn thì xin giúp việc quán xá, gia đình, nhưng dạo này cũng ít người cần" - bà Diệu nói và khoe năm ngoái còn gửi về cho cháu nhỏ được 1 - 2 triệu mỗi tháng, "nhưng năm nay tự lo thân già mình còn chưa xong". 
Hồi dịch giã đợt đầu, vé số bị cấm bán, bà Diệu và bà Từ đều không kịp về quê, đành nằm lại góc trọ bằng tấm chiếu nửa mét cho mỗi người. Có ngày hai bà chia nhau đúng 3 gói mì và một quả trứng vịt xắn đôi.
Đợt dịch thứ hai lại bùng lên, họ lo lắm nhưng vẫn mừng vì vẫn được đi bán. "Nghe dịch giã tái phát, tụi tôi sợ lại bị cấm bán, rồi lấy gì ăn, lo lắm! Nhưng đến giờ thấy cũng hơi yên tâm. Ế ẩm ế ương nhưng vẫn còn bán lai rai, kiếm cơm kiếm cháo qua ngày được" - bà Diệu trải lòng đang xót mấy đứa cháu nhỏ ở quê nhập học mà bà không có tiền gửi về cho chúng tí bánh kẹo, tấm áo mới...
 
Dịch tái phát, nhưng nhiều người bán hàng rong vẫn vui vì còn được mưu sinh - Ảnh: MẠNH DŨNG
Dịch tái phát, nhưng nhiều người bán hàng rong vẫn vui vì còn được mưu sinh - Ảnh: MẠNH DŨNG

127.000 đồng

Đó là số tiền bà Diệu bán vé số kiếm được trong ngày cuối tháng 8 để trả tiền ăn, tiền trọ và trả nợ do không bán được hồi đợt dịch đầu.

Không phải ăn xin là mừng rồi!

Bên đường Hòa Bình, quận 11 chiều đầu tháng 9, đôi vợ chồng cô Tuyết bị khuyết tật đang đẩy xe lăn bán đậu phộng luộc và kẹo cao su dạo. Người vợ kể từ trưa đến giờ họ mới bán được gần 100.000 đồng, mong buổi tối quán xá đông đúc sẽ dễ bán hơn. "Khổ cực thì thiệt khổ cực, nhưng có việc làm để kiếm sống qua ngày, không phải ngửa tay ăn xin là mừng rồi" - cô cho biết.

MẠNH DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.