(GLO)- Mấy hôm nay đã có vài ba trang mạng cảnh báo tình trạng lồng đèn trung thu do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bị những kẻ vô lương tâm làm giả, làm nhái và tung ra tràn lan trên thị trường. Điều này vừa “làm khổ” cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa làm tổn hại sức khỏe trẻ em khi chúng sử dụng món đồ chơi dỏm trong dịp Tết Trung thu đã cận kề. Nhân chuyện này người viết lạm bàn rộng thêm vài ý...
Ảnh minh họa |
Chuyện làm hàng giả, hàng nhái như một căn bệnh kinh niên, nó gắn liền với tệ buôn lậu, tiêu thụ hàng cấm, mua bán hàng giả, hàng lậu... thứ mà bất kỳ chế độ xã hội nào, người tiêu dùng nào cũng căm phẫn, lên án, ra sức diệt trừ. Thế mà nó vẫn có chỗ để tồn tại ở ta, vì sao? Có nhiều câu trả lời, ở đây tôi chỉ nói đôi điều dễ nhận biết. Đó là, chính quyền, hay nói cách khác là cả một bộ máy làm-nhiệm-vụ bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn...”, bộ máy này đã thực thi đến đâu? Chắc chắn là không làm tròn nhiệm vụ, chức năng của mình, từ cơ sở đến trung ương!
“Tự cứu mình trước khi trời cứu”-điều này thuộc về người tiêu dùng quyết định. Ông bà ta bảo do nhà nghèo nên “ham của rẻ”, có thể đúng nhưng chưa đủ; từ cái tật “kỳ kèo bớt một thêm hai” của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt mà kẻ xấu lấy làm “đục nước béo cò”, lợi dụng cơ chế thị trường, cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn gian bán lận. Nếu người tiêu dùng-thượng đế sáng suốt chắc chắn kẻ sản xuất, kinh doanh, mua bán bất lương sẽ không có đất để sống. Tiếc thay không ít “thượng đế” ý thức được điều này.
Chưa ai có thể thống kê cho hết đã có bao loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái; bao nhiêu loại hàng lậu, hàng nhập khẩu trái phép có xuất xứ từ Trung Quốc. Có thể nói không thứ gì không bị làm giả, nhái, buôn lậu, gian lận, trốn thuế. Nhớ hồi trước năm 1975, ở miền Nam, người tiêu dùng có câu nhắc nhở những người sính của ngoại, rằng “đồ Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, ý muốn khuyên mọi người hãy thận trọng khi quyết định trong tiêu dùng, tránh hàng thì giả mà tiền thì thật. Bây giờ tôi nghĩ lời nhắc ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Trở lại chuyện lồng đèn giả, nhái, báo Tuổi Trẻ ngày 8-9 phản ánh tình trạng doanh nghiệp (người) Trung Quốc ăn cắp mẫu mã, nhãn mác lồng đèn trung thu của các doanh nghiệp Việt Nam để làm giả, làm nhái và tung lại vào thị trường Việt Nam với giá rất hời, lừa bịp một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam “ham của rẻ”. Một bộ phận doanh nghiệp (người) Việt Nam hám lợi tiếp tay cho kẻ vô nhân đạo không những làm khó cho doanh nghiệp Việt mà còn hại người tiêu dùng-lại là trẻ em, với những sản phẩm không kiểm định chất lượng, độ an toàn về sinh, lý, hóa... có liên quan đến sức khỏe của chúng.
Đáng buồn, rất đáng trách, nếu không muốn nói là tẩy chay luôn những kẻ có kiểu kiếm tiền bằng cách biết hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng mà vẫn lừa người tiêu dùng; còn có những người tiếp tay hàng lậu như một bà chủ này đây: “Chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp-TP. Hồ Chí Minh), cho biết bán lồng đèn Trung Quốc lời nhiều hơn, giá nhập 15.000 đến 18.000 đồng/cái nhưng bán có thể lên 35.000 đến 55.000 đồng/cái tùy mẫu. Trong khi bán lồng đèn Việt Nam chỉ lời 3.000-5.000 đồng” (Báo TTTP. Hồ Chí Minh ra ngày 8-9-2015).
Bích Hà