Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn bế tắc. Thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20 sắp tới vẫn bất định. Xung khắc lợi ích chiến lược giữa hai nước vẫn còn tiếp diễn. Hãy thử nhìn lại một năm xung khắc thương mại Mỹ - Trung.Phân tích của Báo TG&VN.
Xung khắc thương mại Mỹ - Trung tác điộng đến “con tàu” kinh tế thế giới. (Tranh biếm họa của tác giả Emad Hajjaj - báo Jordan)
Ngày 15/6 vừa qua là đúng một năm ngày tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kích hoạt cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đấy, ông Trump đã quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với dòng sản phẩm máy giặt, tấm pin mặt trời, nhôm và thép của nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Không chỉ là thuế quan
Quyết sách của ông Trump ngày 15/6/2018 nhằm riêng vào Trung Quốc, cụ thể là áp thuế quan bảo hộ 25% đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Trung Quốc đáp trả bằng biện pháp tương tự. Khi ấy, ông Trump tuyên bố mục tiêu theo đuổi là giảm mức thâm hụt của Mỹ trong trao đổi thương mại của Mỹ với Trung Quốc - theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ thì mức độ thâm hụt này năm 2018 là 419,2 tỷ USD.
Sau một năm, cuộc xung khắc thương mại này không chỉ tiếp tục dai dẳng và gia tăng về cả mức độ lẫn phạm vi bất chấp hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, bất chấp ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau, thường xuyên trao đổi với nhau qua điện thoại và bằng thư tín mà còn đã trở thành cuộc cạnh tranh chiến lược công khai trên mọi phương diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sau một năm, có một điều nghịch lý rất thú vị và khôi hài bộc lộ rõ là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trắc trở và tồi tệ hơn nhiều so với trước nhưng mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình thì ngược lại. Ông Trump nhiều lần đề cao ông Tập Cận Bình và quả quyết có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Tập Cận Bình. Cách đây có ít ngày thôi, ông Tập Cận Bình còn gọi ông Trump là "người bạn của tôi".
Sau một năm, phía Mỹ đã áp thuế quan bảo hộ mậu dịch 25% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ và doạ sẽ làm như vậy với thêm 325 tỷ USD - tức là có thể áp mức thuế quan bảo hộ thương mại cao này đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Trung Quốc đáp trả bằng áp mức thuế quan tương tự với 110 tỷ USD giá trị hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Gia tăng áp lực tối đa
Trong thời gian một năm qua ấy, phía Mỹ đã bắt đầu cuộc tấn công nhằm vào những tập đoàn kinh tế công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc mà ZTE và Huawei là hai mục tiêu đầu tiên và trường hợp điển hình. Trung Quốc đáp lại bằng việc lần thứ hai công bố một dạng Sách Trắng về thương mại với Mỹ và bằng việc lập ra một kiểu Danh sách đen các công ty Mỹ "thiếu thân thiện với Trung Quốc".
Sau một năm, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán nhưng không đạt được thoả thuận. Ông Trump vẫn tin vào công hiệu của cái gọi là "Chiến lược gia tăng áp lực tối đa" và tuyên bố không ngại chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thậm chí lại còn cho rằng Mỹ dễ dàng có thể giành về phần thắng trong chiến tranh thương mại. Trung Quốc cáo buộc Mỹ chủ ý phát động "chiến tranh kinh tế" chống Trung Quốc và tỏ ra sẵn sàng “chiến” với Mỹ chứ không nhượng bộ.
Sau một năm, phía Mỹ không dấu diếm và thiên hạ đều đã nhận thấy mục đích mà ông Trump muốn đạt được không phải chỉ có giảm mức độ thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc mà sử dụng nó làm cớ và dùng xung khắc thương mại làm công cụ để xử lý lại toàn bộ quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc vươn lên hàng đầu thế giới về tiềm lực kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao ngay trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, trong đấy có mục tiêu không để Trung Quốc thành công với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” và "Made in China 2025".
Cho nên, ông Trump đòi Trung Quốc không chỉ nhập khẩu nhiều hàng hoá hơn của Mỹ và giảm xuất khẩu vào Mỹ mà còn phải tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng về thể chế và đường lối chính sách kinh tế như mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ, chấm dứt ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp và bản quyền phát minh, sáng chế, không phá giá đồng bản tệ......
Đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc bị bế tắc không phải vì bất đồng quan điểm giữa hai bên về trao đổi thương mại mà vì không thể dung hoà được lợi ích chiến lược và cơ bản giữa hai bên về tổng thể chính sách kinh tế và kinh tế đối ngoại của hai bên.
Không thể “cùng thắng”
Biện pháp chính sách của ông Trump đúng là đã gây khó khăn lớn cho Trung Quốc. Mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bị giảm tới 1,6 điểm % nếu Trung Quốc không có đối sách thích ứng. Nhưng nếu Mỹ cứ tiếp tục bất chấp thể diện của Trung Quốc và nhằm vào những quyết sách mà Trung Quốc coi thuộc chủ quyền quốc gia của Trung Quốc thì ông Trump sẽ không thể đạt được thoả thuận lớn với Trung Quốc.
Mà tình trạng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc càng kéo dài thì thiệt hại đối với Mỹ cũng càng lớn. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ bị suy giảm ít nhất 0,5 điểm %. Người tiêu dùng ở Mỹ phải trả giá cao hơn cho những hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc hay từ nơi khác thay thế. Giới kinh tế Mỹ đang dần thấm đòn trả đũa của Trung Quốc. Trung Quốc chưa tung ra hết mọi con chủ bài trong khi "Chiến lược gia tăng áp lực tối đa của ông Trump" bắt đầu biểu hiện giới hạn hiệu ứng. Kinh tế Mỹ hiện tăng trưởng còn khả dĩ và thị trường lao động còn tích cực, nhưng sẽ không còn như thế trong thời gian tới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phải trù tính đối phó với triển vọng này.
Nước Mỹ và dân Mỹ càng ngày càng sẽ phải thấm trải tác động tiêu cực trực tiếp của mối bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ sẽ thể hiện thái độ của họ bằng lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ năm tới. Ông Trump cần lá phiếu của cử tri để được tái đắc cử trong khi ông Tập Cận Bình vẫn vững vàng và yên ổn ở vị thế cầm quyền.
Hại người, thiệt mình
Đấy chẳng phải là câu chuyện về hại được người thì cũng gây thiệt cho chính mình hay sao? Ông Trump hiện gây khó cho Trung Quốc nhưng rồi đây chẳng phải gây nguy hiểm cho tham vọng quyền lực của chính mình hay sao?
Cũng vì thế mà ông Trump rất muốn gặp ông Tập Cận Bình nhân dịp hội nghị cấp cao thường niên sắp tới của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản, cho dù phát biểu ra bên ngoài có thể nói khác. Một thoả thuận tạm thời hay một giải pháp tình thế với Trung Quốc hiện đủ để có tác dụng "cứu cánh" cho ông Trump.
Từ những gì đã xảy ra trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc một năm qua có thể thấy bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược giữa hai đối tác này càng ngày càng thêm cơ bản và khó có thể được khắc phục dễ dàng và nhanh chóng.
Dịch Dung (TGVN)