Lịch sử Việt Nam gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Cứ mỗi khi đất nước bị xâm lăng, toàn thể dân tộc ta lại kết thành một khối sức mạnh vô địch để chiến thắng những thế lực từ bên ngoài mạnh hơn nhiều lần. Trong thế kỷ 20, có hai chiến công nổi bật được thế giới biết đến với hai cái tên giống nhau: Điện Biên Phủ mặt đất và Điện Biên Phủ trên không.
Thế trận lòng dân tạo nền chiến thắng kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. |
Điểm chung đầu tiên của hai chiến thắng này là dù ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều nằm ở giai đoạn cuối của hai cuộc kháng chiến và đều là hai thắng lợi mang tính quyết định đối với các cuộc chiến vĩ đại của dân tộc ta là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nếu như trận Điện Biên Phủ mặt đất là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương diễn ra ròng rã 56 ngày đêm tại lòng chảo Mường Thanh giữa quân đội ta với quân đội viễn chinh Pháp thì trận Điện Biên Phủ trên không là 12 ngày đêm quân dân Hà Nội chống chọi với Pháo đài bay B52-vũ khí tối tân của Mỹ, trải thảm xuống Hà Nội.
PGS,TS Nguyễn Mạnh Hà- Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng cho biết: Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dùng chiến thắng mà ông chỉ huy hồi 1954 để gọi tên cái chiến thắng mà ông chỉ huy năm 1972 cùng với quân dân cả nước và hai chiến thắng đấy đều dẫn tới chuyện sau đó Pháp, Mỹ phải ký hiệp định Gênva và hiệp định Paris cho nên nó có những sự tương đồng với nhau mặc dù thời điểm diễn ra nó cách xa nhau đến 18 năm và hiệu quả nó cũng khác nhau, một người bị đánh ở dưới đất, một kẻ bị đánh ở trên trời nhưng đều đưa đến một thắng lợi quyết định là buộc Mỹ, buộc Pháp phải thừa nhận không thể thắng được Việt Nam.
Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ chống lại thực dân Pháp là “cột mốc bằng vàng, đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân cũ lăn xuống dốc và tan rã” dẫn tới việc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ với tư cách là một nước thua trận thì chiến thắng 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, buộc quân đội viễn chinh Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam, tạo tiền đề để sau đó quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ còn có nhiệm vụ là đánh cho “Ngụy nhào” bằng đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Trước khi diễn ra, cả hai chiến dịch đều được hai cường quốc đặt cho những cái tên hào nhoáng. Người Pháp coi Điện Biên Phủ mặt đất như “ một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Người Mỹ đe dọa dùng siêu pháo đài bay B52 đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá với suy nghĩ “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B-52 bất khả xâm phạm”.
Trong lịch sử dân tộc, không ít lần chúng ta đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Để rồi sau khi thảm bại, kẻ thù mới cay đắng nhận ra “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc” như lời điều trần của tướng De Castries trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại Điện Biên Phủ năm 1954. Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đây là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của toàn dân chứ không phải chiến thắng của riêng quân đội. Bác Hồ đã nói mỗi quốc dân là một chiến sĩ tức là mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến tranh này. Bác đã so sánh khi mở đầu kháng chiến chống Pháp 25 triệu đồng bào của chúng ta so với 10 vạn quân Pháp xâm lược thì chúng ta áp đảo. Khi mà toàn bộ dân tộc đã đứng lên kháng chiến như vậy thì chúng ta đã giành thắng lợi. Và trong cuộc đánh Pháp và Điện Biên Phủ ngoài 26 vạn dân công và thanh niên xung phong chúng ta huy động được lên để phục vụ hơn 5 vạn bộ đội thì đứng đằng sau họ là cả nước, huy động sức người sức của. Cũng như trận đánh 12 ngày đêm cuối năm 1972 thì không phải chỉ có bộ đội phòng không, bộ đội tên lửa, bộ đội ra đa, bộ đội của các binh chủng khác của quân đội làm nên chiến thắng.
Các nhà lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, chiến thắng của hai trận “Điện Biên Phủ” là chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân. Cụm từ này đã trở thành tên gọi của một chiến lược quân sự riêng có tại Việt Nam để chỉ chung các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc do nhân dân Việt Nam tiến hành trong tiến trình lịch sử. Chiến lược này đã được hệ thống thành lý luận trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp (1945-54) và Kháng chiến chống Mỹ (1954-75). Năm 1973, trước phiên điều trần về lý do quân đội Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam, các giáo sư Mỹ đã đánh giá: “Ngoài ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá, người Việt Nam còn sáng tạo ra một đường lối, chiến lược và biện pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh để phát huy sức mạnh đánh thắng kẻ thù”. Là một người Pháp đang làm việc tại Việt Nam, chị En-da Đuya-rê nắm khá rõ cuộc chiến Điện Biên Phủ mặt đất, nhưng khi biết thêm có một trận chiến Điện Biên Phủ thứ hai trên không, chị quyết định tìm hiểu về nó: Tôi rất quan tâm đến lịch sử của đất nước các bạn. Điện Biên Phủ trên không là một giai đoạn lịch sử hào hùng. Người dân vẫn sống, chiến đấu và lao động sản xuất dưới làn bom đạn. Nhiều người phải sơ tán nhưng vẫn có những người tình nguyện ở lại. Thế hệ đi sau chúng ta luôn phải hiểu và rút ra những bài học từ lịch sử. Phải hiểu môi trường nơi mình đang sống. Để có một Hà Nội hòa bình như ngày nay không thể không nhắc đến những ngày tháng đấu tranh giành hòa bình độc lập.
Một trong những câu hỏi đầu tiên mà người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam thường đặt ra, đó là “vì sao một đất nước tương đối nhỏ bé và lạc hậu về công nghệ lại có thể đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ”. Và nếu đi tìm đến tận cùng thì câu trả lời chung đó chính là: "lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam, và cuộc đấu tranh vì độc lập là của tất cả mọi người”.
Theo VOV