Hà Nội nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của Paris, Berlin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong năm 2018, thành phố Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị đề án chính quyền đô thị ở các quận trung tâm.
 TP Hà Nội dự kiến trình đề án thí điểm chính quyền đô thị trong năm 2018.
TP Hà Nội dự kiến trình đề án thí điểm chính quyền đô thị trong năm 2018.
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 11 (tháng 11 năm 2017), Phó bí thư thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Bộ Chính trị đồng tình để Thủ đô được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận trung tâm; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn ở ngoại thành theo quy định của pháp luật.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở các quận là việc cần thiết. Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng xác định có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, nhưng chưa đưa ra mô hình cụ thể.
Ông Sáng nói, đặc thù về đối tượng quản lý của các đô thị là hạ tầng kỹ thuật và xã hội (như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng) cùng một thể thống nhất, liên hoàn và không bị chia cắt theo địa giới hành chính quận, phường. Trong khi đó, tại nông thôn các xã nằm có thể nằm cách nhau một cách đồng, khu rừng hay một con sông...
"Do đó, khu vực đô thị cần có mô hình tổ chức quản lý khác so với chính quyền nông thôn, đây cũng là điều nhiều nước trên thế giới đã áp dụng", ông Sáng nói.
Lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, sau khi được lãnh đạo thành phố giao nghiên cứu, Sở đã làm việc với một số đơn vị liên quan bàn cách thức xây dựng đề án. Có thể trong thời gian tới, Sở sẽ cùng đơn vị tư vấn, tham mưu thành phố thành lập tổ công tác bao gồm những chuyên gia đã từng nghiên cứu về lĩnh vực này.
"Do chúng ta chưa có mô hình chính quyền đô thị cụ thể, nên trong quá trình xây dựng đề cương, chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu tham khảo mô hình của một số thành phố trên thế giới như Paris (Pháp), Berlin (Đức),… sau đó tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, xây dựng đề án báo cáo cấp trên. Nếu được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt lúc đó Hà Nội mới tổ chức thí điểm", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban tổ chức Thành uỷ Hà Nội.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban tổ chức Thành uỷ Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, trong năm 2018, thành phố sẽ trình Bộ Chính trị đề án chính quyền đô thị. "Đây là vấn đề rất lớn, sẽ động chạm đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ngân sách tài chính,… do vậy cần phải có sự tập trung của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện thì mới xây dựng được một đề án tốt", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, trong quá trình thí điểm chính quyền đô thị ở các quận trung tâm, với những vấn đề liên quan đến sáp nhập, hợp nhất một số đầu mối, thành phố chỉ nêu ra mô hình mang tính nguyên tắc, đơn cử như Bí thư cấp uỷ kiêm Chủ tịch UBND quận, phường. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ chưa thực hiện đồng bộ trên tất cả các địa bàn mô hình này, mà chỉ thực hiện ở những nơi đủ điều kiện.
Thành thị và nông thôn cần hai bộ máy quản lý khác nhau
Nguyên thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề được bàn thảo nhiều lần, từ 10 năm trước Bộ Nội vụ đã xây dựng 3 phương án. Trong đó, phương án một mà Bộ này đề xuất là không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường; UBND cấp quận, phường là cơ quan đại diện hành chính của tổ chức cấp trên đặt tại địa bàn.
"Khi không còn HĐND, cán bộ của UBND cấp quận, phường được giao quyền, được phân cấp nhiều hơn trong quản lý các vấn đề đô thị trên địa bàn. Theo đó, đòi hỏi thành phố phải chọn được người đủ năng lực, trình độ, đạo đức để đáp ứng", ông Dĩnh nói.
Cũng theo ông Dĩnh, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ đụng chạm đến những nhân sự thuộc biên chế HĐND, nhất là người đang nắm các vị trí lãnh đạo. Khi thực hiện đề án, việc sắp xếp, giải quyết chính sách sẽ tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức nên Hà Nội cần thực hiện thận trọng, minh bạch, có lý có tình.
TS Nguyễn Hữu Khiển, Nguyên phó giám đốc Học viện hành chính quốc gia.
TS Nguyễn Hữu Khiển, Nguyên phó giám đốc Học viện hành chính quốc gia.
TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện hành chính quốc gia cho rằng, Hà Nội có hai khu vực nông thôn và thành thị rõ ràng nên việc tổ chức hai hệ thống quản trị khác nhau là đòi hỏi khách quan.
"Việc Hà Nội nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị ở Châu Âu là cần thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng nên tham khảo thêm mô hình ở Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), vì đây là những quốc gia, vùng lãnh thổ khá tương đồng với Việt Nam về tâm lý, mật độ dân cư cũng như áp lực trong quản lý đô thị. Chúng ta đi sau, tích cực tiếp nhận các kinh nghiệm tốt thì sẽ giảm được rủi ro" ông Khiển nêu quan điểm.
Theo ông, lâu nay chính quyền ở các quận nội thành được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp, dẫn tới nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị không được giải quyết kịp thời. Vì vậy, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội cần được xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý. 
"Do ở Việt Nam chưa có mô hình chính quyền đô thị cụ thể nên chủ trương của Bộ Chính trị dành cho Hà Nội là cơ hội để Thủ đô xây dựng một chính quyền hiện đại hơn, phục vụ người dân đô thị tốt hơn", vị chuyên gia nói.
Khoảng 50% dân số Hà Nội sống ở khu vực đô thị
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, tính đến hết năm 2017, dân số Hà Nội trên 7,6 triệu người, tăng 1,8% so với năm trước.
Trong đó, dân số khu vực thành thị và nông thôn gần tương đương nhau. Cụ thể, dân số thành thị hơn 3,7 triệu người (chiếm trên 49% và tăng 1,7% so với năm trước đó); khu vực nông thôn là hơn 3,8 triệu người (chiếm trên 50% và tăng 1,8%).
Mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao, mật độ dân số trung bình 12 quận là 11.220 người/km2, cao nhất là quận Đống Đa trên 42.000 người/km2 và thấp nhất là quận Long Biên hơn 4.800 người/km2.
Võ Hải (VNE)

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.