Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Con dao hai lưỡi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thưởng thức và chia sẻ các món ăn ngon, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực là một nội dung sáng tạo tích cực trên mạng xã hội. Ngay cả các video mukbang ăn ngon ban đầu được lan tỏa cũng nhờ yếu tố giải trí, xả stress hoặc mang lại cảm giác ăn ngon cho người xem.

Nhưng khi các video này biến tướng, lập tức bị "ăn gạch đá" từ cộng đồng mạng. Cần làm gì để các nội dung này không gây hại đến chính người làm mukbang và khán giả?

K.L.T - vlogger làm du lịch và ẩm thực

K.L.T - vlogger làm du lịch và ẩm thực

Cơ hội của người trẻ

Trong bối cảnh tìm hiểu loạt bài về chuyện nghề của các "thánh ăn" mạng xã hội, chúng tôi cũng ghi nhận những nhân vật mukbang có sức ảnh hưởng tích cực đến việc lan tỏa ẩm thực Việt. Thực tế đã cho thấy nhiều bạn trẻ cũng có cơ hội nghề nghiệp khá ấn tượng khi tự làm chủ kênh ẩm thực, thu nhập đáng mơ ước. Hoặc có kênh YouTube chuyên về trải nghiệm du lịch, ẩm thực như "K.L.T" còn trở thành đại diện thương hiệu của nhiều nhãn hàng ăn uống uy tín.

Tuy vậy, để có thể trở thành một KOL (người có sức ảnh hưởng) "sạch và đẹp" như hiện tại, hành trình của chàng trai này cũng đầy chật vật. K.L.T cũng từng bị đánh giá là "nói ngọng" và những video ban đầu chỉ có bạn bè "like" ủng hộ.

H. có duyên với mukbang nhưng không muốn làm mất đi hình ảnh vì ăn uống quá lố

H. có duyên với mukbang nhưng không muốn làm mất đi hình ảnh vì ăn uống quá lố

"Trước khi vào ngành này, mình là kỹ sư xây dựng. Từ bỏ một việc ổn định để theo đuổi làm nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội không hề đơn giản. Dù là trước đây hay hiện tại, mình vẫn giữ hình ảnh và mục tiêu ban đầu là quảng bá, trải nghiệm du lịch theo hướng khám phá có chiều sâu. Nên mình ra video chậm lắm, trung bình 2 - 3 tuần mới lên một lần", K.L.T chia sẻ.

K.L.T sau 7 năm trở thành vlogger chuyên quảng bá ẩm thực, du lịch đã có được những thành công đáng mơ ước với nhiều bạn trẻ cùng thế hệ. Tuy nhiên, vlogger này bộc bạch: "Cái được là mình có sự nghiệp riêng, nhưng cái mất là mình gần như không có thời gian ở bên gia đình. Tuy mình đi du lịch vòng quanh thế giới nhưng chưa bao giờ có thời gian để đưa mẹ đi chơi. Áp lực sáng tạo nội dung cuốn hút luôn khiến mình bận rộn và dành hầu hết thời gian cho công việc".

Một chủ quán ăn ở Vũng Tàu thường xuyên đưa ra các thử thách “bữa ăn khổng lồ”

Một chủ quán ăn ở Vũng Tàu thường xuyên đưa ra các thử thách “bữa ăn khổng lồ”

P.N.H (TP.HCM) cũng là một mukbanger nổi tiếng với các thử thách ăn nhiều. H. là người thứ 2 có thể ăn hết 2 tô bún cá sứa hơn 5 kg chỉ trong 62 phút. Chúng tôi khá bất ngờ khi bạn trẻ này là cựu sinh viên một trường đại học nổi tiếng ở TP.HCM, hiện làm truyền thông cho một chương trình văn hóa.

H. chia sẻ: "Ban đầu em tham gia chỉ để thử sức cho vui vì trước đó em có sức ăn tốt. Sau một thời gian, nhiều người biết đến, em cũng tạo được thương hiệu cá nhân cho mình nhưng không nghĩ sẽ đánh đổi sức khỏe để theo công việc này. Nhiều lần em chấp nhận thua cuộc vì ăn không nổi nữa".

Làm video "mukbang độc hại" bất chấp để câu view

Từ những món ăn bình dân như bún chả cá sứa, súp cua, bún bò, bún mắm… đến các món đắt tiền như bò dát vàng, thậm chí cả các món ăn có thể gây kinh hãi cho người ăn như tiết canh, ăn tươi nuốt sống… vẫn đua nhau nở rộ, tìm người ăn thử thách mukbang để được nổi tiếng. Tại TP.HCM có thể kể ra như quán bún chả cá sứa tên "M.", bò dát vàng "P.", gần đây là một quán vịt với thử thách ăn 55 bát tiết canh được thưởng 55 triệu đồng.

Mukbanger thi ăn thử thách càng có "đất diễn" mặc kệ những lời bình luận như hắt nước vào mặt, chỉ cần lên xu hướng. Thực tế, các chủ quán bỏ ra một số tiền lớn như vậy để tìm người thắng giải, liệu họ có bị lỗ trong thời điểm nhiều hàng quán đang ế ẩm như hiện nay? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các quán ăn đưa ra thử thách cho mukbanger đều là những chủ kênh có lượng người xem khủng trên YouTube hoặc TikTok, Facebook. Ngoài ra, để đạt được phần thưởng của chủ quán, người ăn phải có sức ăn phi thường gấp 5 - 6 lần một người bình thường.

Một mukbanger ăn thử thách 2 tô bún sứa với mức thưởng 30 triệu đồng

Một mukbanger ăn thử thách 2 tô bún sứa với mức thưởng 30 triệu đồng

Do đó, ngoài việc lấy hình ảnh ăn thử thách gây sốc để lên xu hướng trên mạng xã hội, họ còn có thể quảng cáo cho quán của mình và đặc biệt là cũng kiếm tiền từ các video triệu view. Gần đây, nhiều người làm mukbang cho hay các thử thách tại TP.HCM đã nhàm dần vì thiếu món ăn độc lạ, gây sốc. Do đó, nhiều nhóm làm mukbang đã tự tổ chức thi ăn trong nhóm hoặc làm các video mukbang độc lập cố ý gây tranh cãi như ăn mâm đầu gà, ăn 5 kg cá hồi sống; thậm chí ăn đá sỏi xào xả ớt để tăng lượng người xem.

Không chỉ người trẻ, một số mukbanger trong độ tuổi U.50 cũng tham gia làm các video ăn thử thách như B.M nổi lên với tài ăn thịt mỡ, G.L.T.N với khả năng ăn hàng kg ớt, T.C.B chuyên bán các loại mắm miền Trung nhưng lên xu hướng nhờ ăn… ớt. Không ít các mukbanger cũng copy lại "hình mẫu" đang nổi như T.K học theo T.V.H bị cộng đồng mạng "bóc mẽ" và buộc phải lên kênh đính chính theo kiểu cãi tay đôi với cộng đồng mạng.

Nhiều tác động tiêu cực

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học công bố trên trang NIH (Viện Y tế quốc gia Mỹ), một số tác động tiêu cực có thể kể ra của hiện tượng mukbang: gây chứng rối loạn ăn uống (ăn quá nhiều hoặc chán ăn); tăng cân và béo phì. Với người xem, các video mukbang có thể gây "nghiện" và tác động đến thói quen ăn uống (ăn đêm, ăn theo video, chứng cuồng ăn). Đặc biệt, với các mukbanger ăn những phần ăn khổng lồ mà không tăng cân có thể khiến người xem bỏ qua việc ăn uống điều độ, lầm tưởng nếu ăn uống như các mukbanger thì sẽ không tăng cân, béo phì.

T.C.B chuyên bán các loại mắm miền Trung nhưng lên xu hướng nhờ ăn… ớt

T.C.B chuyên bán các loại mắm miền Trung nhưng lên xu hướng nhờ ăn… ớt

Một điều đáng lưu ý từ nghiên cứu của NIH là các thực phẩm trên video mukbang thường là những bữa ăn được chuẩn bị sẵn có nguồn gốc từ đồ đông lạnh, giá rẻ và rất ít giá trị dinh dưỡng trong đó. Thậm chí nhiều đồ ăn không được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...

Cuộc chơi mukbang này ai thiệt, ai lợi? Khó có thể kết luận nhưng có thể thấy người trong cuộc là các mukbanger dường như đang cùng nhau kiếm lợi nhuận từ lượng truy cập của người xem, bất chấp mọi tác động, hậu quả mà các nội dung mukbang độc hại mang lại cho chính họ hoặc người xem.

Xem mukbang để làm gì ?

Trong một cuộc khảo sát với 100 người ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp đang sống tại TP.HCM, PV đã thu thập được các ý kiến về mục đích xem mukbang của họ. Theo đó, khoảng 50% xem thường xuyên vì tò mò, giải trí; 20% xem do nghiện xem (thói quen hằng ngày, xem nhiều lần); 30% là tất cả các lý do: tò mò, giải trí, nghiện xem. Về tác động của mukbang với người xem, khảo sát ghi nhận 90% cho rằng các video có tác động bình thường, còn lại cho rằng vừa có ích là giúp người xem có cảm giác ăn ngon hơn nhưng cũng vừa gây hại bởi khiến họ khó chịu vì ăn không nhai kỹ mà chỉ nuốt, ăn gây sốc…

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...