(GLO)- Thời gian qua, nắng hạn đã khiến cho cuộc sống của người dân xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thêm khó khăn. Ngoài diện tích cây trồng chết vì thiếu nước, người dân cũng quay quắt vì các giếng nước trơ đáy…
Cách đây ít ngày, chúng tôi có dịp theo chân Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ tỉnh về thăm, tặng quà người dân nghèo các làng: Ếch, Blo, Yom, Tung, Nú, Krái 1 và Krái 2 của xã Ia Khai. Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, người dân nơi đây cũng đang quay quắt từng ngày vì nắng hạn. Những đứa trẻ lem luốc, bụi bặm vì không có nước tắm rửa; cây trồng khô héo, xác xơ vì thiếu nước… Nhà chị Rơ Mah Dyih (làng Ếch) có hơn 300 cây cà phê mới trồng chưa đầy năm nhưng hơn 200 cây đã chết vì thiếu nước và sâu bệnh. Chị Dyih buồn rầu: “Năm ngoái, hai vợ chồng vay mượn tiền của bà con để trồng cà phê, hy vọng sẽ sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhưng vì không có mưa nên tất cả số tiền vay mượn cộng với công sức bao ngày qua đều mất hết rồi!”. Hiện tại, gia đình chị chỉ biết trông vào tiền thu hoạch 2 sào mì và làm thuê, làm mướn để mua gạo, mắm mỗi ngày.
Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ tặng quà cho các hội viên phụ nữ nghèo. Ảnh: A.H |
Không riêng gia đình chị Dyih, làng Ếch hiện có tới 80 hộ dân đang phải đi xin nước về để sinh hoạt. Theo anh Rơ Lan Thung: “Trước nay, bà con trong làng chủ yếu dùng nước giếng và nước giọt nhưng đến nay 80/137 hộ dân trong làng đang phải sống trong cảnh thiếu nước vì các giếng đã trơ đáy, nhiều hộ còn phải đi mua bình nước lọc về để uống. Giá như hệ thống nước sạch được kéo về tận làng thì bà con sẽ đỡ vất vả hơn!”. Còn tại làng Yom, ông Ksor Hlêu-Trưởng ban Mặt trận thôn cho biết: “Hơn 3 tháng nay, đa phần các giếng nước trong làng đều cạn khô, không thể đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Vì vậy, cứ ngày hai buổi, các hộ dân phải tận dụng can nhựa đến những nhà nào giếng còn nước để xin về ăn, uống. Còn chiều đến, người già, trẻ nhỏ đều xuống suối Ia Kring để tắm, giặt. Bà con trong làng tự nhắc nhở nhau phải sử dụng tiết kiệm nguồn nước, vì thời tiết nắng nóng thế này chẳng biết khi nào các giếng nước còn lại sẽ cạn”.
Tại làng Krái 2, một số giếng nước còn lại cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, nên một số hộ phải lặn lội hơn 2 km sang làng Blo bên cạnh để xin nước; còn tắm giặt đều đưa nhau xuống suối. “Nhiều cháu nhỏ trước giờ không quen với việc tắm nước sông, nước suối nên về bị ốm. Mà nhiều người cùng xuống suối tắm giặt một lúc nên nước cũng không sạch đâu!”-chị Puih Thảo-Chi hội trưởng Phụ nữ làng Krái 2 bộc bạch. Rõ ràng hạn hán đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, khiến cuộc sống vốn lam lũ, nghèo khó giờ lại oằn nặng thêm lên đôi vai của người dân nghèo. Tuy nhiên, cũng trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, tình làng nghĩa xóm và tình người càng được nhen lên.
Người dân sẵn sàng chia sớt cho nhau những gùi nước, hạt gạo để cùng vượt qua khó khăn. Các cấp, các ngành của xã, huyện, tỉnh cũng đã có nhiều chương trình hành động nhằm giúp người dân hạn chế những thiệt hại về cây trồng và từng bước ổn định cuộc sống. Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Để giúp chị em phụ nữ ổn định cuộc sống, khắc phục hạn hán, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên nhất là vùng hạn hán sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và việc gieo trồng phải theo hướng dẫn của địa phương chứ không nên tự ý. Hơn nữa, các cấp Hội cũng vận động các hội viên khá giả đóng góp tiền để cảo giếng, đáp ứng nguồn nước sinh hoạt trước mắt cho nhiều hộ trong nhóm…
Đặc biệt, các nữ doanh nhân trong Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ tỉnh cũng đã chia sẻ một phần khó khăn với người dân, nhất là chị em phụ nữ nghèo ở các làng bằng việc gửi tặng 4 bồn nước inox loại 2.000 lít, 100 suất quà gồm: gạo, mì tôm, bánh kẹo… và 300 thùng nước loại 20 lít. Mong muốn của các thành viên trong Câu lạc bộ là giúp chị em phụ nữ nghèo có thêm động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. “Gạo, nước đều là những món quà thiết thực với người dân trong giai đoạn hiện tại, vì vậy, ai cũng phấn khởi. Riêng bồn nước này sẽ được đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà rông của làng và sẽ giao luân phiên người phụ trách việc đưa nước sạch về phục vụ bà con”-Phó Trưởng thôn làng Ếch Rơ Lan Thung nói.
Anh Huy