Ngày 31.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân mới của Liên bang Nga.
Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân Nga sửa đổi. Ảnh: Sputnik |
Học thuyết sửa đổi phản ánh "sự thay đổi địa chính trị" và tìm cách tăng cường khả năng phục hồi của Hải quân Nga - RT đưa tin.
Lễ ký diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Nhà nước St. Petersburg ở Pháo đài Peter & Paul, ngay trước khi bắt đầu cuộc duyệt binh Ngày Hải quân Nga. Tổng thống Putin cũng ký sắc lệnh phê chuẩn điều lệ tàu của Hải quân Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, trong Học thuyết Hải quân mới của Liên bang Nga công khai ấn định rõ các biên giới của đất nước, kể cả ở Bắc Cực và Biển Đen. Ông Putin khẳng định, toàn bộ biên giới đó sẽ được kiên quyết bảo vệ vững chắc bằng mọi phương tiện.
Tàu chiến của Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik |
"Chúng tôi đã công khai ấn định rõ các biên giới và khu vực lợi ích quốc gia của Nga - quan trọng sống còn cả về kinh tế và chiến lược. Trước hết, đó là các vùng biển Bắc Cực của chúng ta, các vùng biển của Biển Đen, biển Okhotsk và biển Bering, các eo biển Baltic và Kuril" - Tổng thống Nga nhấn mạnh khi thông báo về việc ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân mới của Nga trong bài phát biểu nhân lễ duyệt binh Hải quân Nga.
Tổng thống Putin tuyên bố, Hải quân Nga đủ sức “nhanh như chớp giáng đòn sấm sét đáp trả bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền và tự do của đất nước”.
“Vấn đề then chốt ở đây là khả năng của hải quân. Với tốc độ cực nhanh và sức mạnh sấm sét, lực lượng này có thể đáp trả bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta” - Sputnik dẫn lời ông Putin nói.
Tổng thống nhấn mạnh, Hải quân Nga với đầy phẩm giá đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược trên biên giới đất nước và ở bất kỳ khu vực nào trên đại dương thế giới.
“Hải quân Nga đảm bảo mức độ sẵn sàng cao trong hoạt động tích cực của các lực lượng ven biển, tàu nổi, trên không, tàu ngầm và các phương tiện khác. Lực lượng và trang bị này liên tục được cải tiến - ông Putin nói.
Vào tháng 5, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov giải thích rằng trong bối cảnh chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraina và “cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn diện” do phương Tây phát động chống lại Mátxcơva, “việc xây dựng khả năng để đảm bảo và bảo vệ lợi ích quốc gia trên các đại dương thế giới rất quan trọng đối với Nga”.
“Học thuyết Hải quân được điều chỉnh có tính đến sự thay đổi của tình hình địa chính trị và quân sự - chiến lược trên thế giới” - ông Borisov nói vào thời điểm đó.
Theo ông, về cơ bản, các quy định mới của học thuyết liên quan đến việc chuẩn bị động viên và sẵn sàng huy động trong hoạt động hàng hải.
Hải quân Nga đủ sức đáp trả bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền và tự do của đất nước. Ảnh: Sputnik |
Ông Borisov giải thích, điều đặc biệt quan trọng hiện nay là tất cả các biện pháp này sẽ đảm bảo việc đưa các tàu dân sự và thủy thủ đoàn vào Hải quân, cũng như hoạt động của các cơ sở hạ tầng hàng hải trong thời chiến.
Ông Borisov - người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos - nhấn mạnh rằng phiên bản mới của học thuyết không nhằm mục đích đối đầu mà là tìm cách tăng cường an ninh hàng hải quốc gia và giảm đáng kể sự phụ thuộc của hải quân vào các nhân tố bên ngoài và điều kiện thị trường.
Học thuyết Hải quân của Nga lần đầu tiên được thông qua vào năm 2001. Phiên bản trước đó - dự định có hiệu lực trong 5 năm và đã được sửa đổi để phản ánh sự mở rộng của NATO và Crimea sáp nhập vào Nga - đã được ông Putin phê duyệt vào tháng 7.2015. Học thuyết này tăng cường sự hiện diện của hạm đội Nga ở Bắc Cực, Biển Đen và Địa Trung Hải, cũng như ở Đại Tây Dương.
https://laodong.vn/tu-lieu/giua-chien-su-ukraina-ong-putin-ky-hoc-thuyet-hai-quan-nga-moi-1075201.ldo
Theo Ngọc Vân (LĐO)