Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá-Kỳ 1: Những liệt sĩ đầu tiên của BĐBP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên tuyến biên giới phía Bắc, tỉnh Hà Giang không chỉ xa xôi, cách trở, khó khăn, thiếu thốn mà còn khốc liệt trong việc bảo vệ chủ quyền. Rất nhiều máu xương đã đổ xuống cao nguyên đá. Riêng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Giang, từ năm 1979 đến nay, đã có gần 300 liệt sĩ, thương binh.
“Ngày 3.3.1959, Công an nhân dân vũ trang (CAVT, nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) được thành lập và chỉ vài tháng sau, 3 chiến sĩ CAVT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở H.Đồng Văn (Hà Giang) và là những liệt sĩ đầu tiên của lực lượng BĐBP", thượng tá, cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Tựt (82 tuổi) kể.
 
Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra địa bàn băng giá khắc nghiệt mùa đông. Ảnh: Độc Lập
Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra địa bàn băng giá khắc nghiệt mùa đông. Ảnh: Độc Lập
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp hình với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), trong dịp Người lên thăm quân và dân tỉnh Hà Giang, ngày 28.3.1961. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp hình với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), trong dịp Người lên thăm quân và dân tỉnh Hà Giang, ngày 28.3.1961. Ảnh: Tư liệu
Hy sinh khi đang tiễu phỉ
Thượng tá Hoàng Văn Tựt là nhân chứng sống quý nhất của BĐBP Hà Giang hiện nay. Ông Tựt sinh năm 1940 tại H.Quang Bình (Hà Giang), nhập ngũ vào CAVT (nay là BĐBP) ngay khi lực lượng thành lập (1959) và là học viên 1 của trường sĩ quan CANDVT (nay là Học viện Biên phòng). Gần 40 năm công tác ở BĐBP Hà Giang nên cựu chiến binh Hoàng Văn Tựt (82 tuổi, hiện đang sống tại xã Xuân Giang, H.Quang Bình) rất rành mạch.
Tháng 11.1959, tiễu phỉ chiếm giữ cổng trời Cán Tỷ (nay thuộc xã Cán Tỷ, H.Quản Bạ, Hà Giang), khống chế đường giao thông huyết mạch từ TX.Hà Giang (nay là TP.Hà Giang) lên vùng cao phía bắc và gây bạo loạn ở 15/22 xã của H.Đồng Văn và sau đó lan ra các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ…
 
PV Báo Thanh Niên thăm, tặng quà cựu chiến binh - thượng tá Hoàng Văn Tựt (người ngồi bên trái) tại quê nhà ông đang nghỉ hưu (Ảnh chụp vào tháng 3.2022). Ảnh: Nông Quang Lập
PV Báo Thanh Niên thăm, tặng quà cựu chiến binh - thượng tá Hoàng Văn Tựt (người ngồi bên trái) tại quê nhà ông đang nghỉ hưu (Ảnh chụp vào tháng 3.2022). Ảnh: Nông Quang Lập
 
Cán bộ Đồn biên phòng Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) giới thiệu về mốc 504, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Mai Thanh Hải
Cán bộ Đồn biên phòng Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) giới thiệu về mốc 504, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Mai Thanh Hải
Đầu tháng 12.1959, Trung ương Đảng chỉ đạo Khu ủy Việt Bắc mở chiến dịch tiễu phỉ tại Hà Giang, với nòng cốt là các đơn vị CANDVT.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử các nghi can cầm đầu vụ nổi phỉ, gây bạo loạn tại Đồng Văn (Hà Giang), tháng 12.1959. Ảnh: Tư liệu
Toàn cảnh phiên tòa xét xử các nghi can cầm đầu vụ nổi phỉ, gây bạo loạn tại Đồng Văn (Hà Giang), tháng 12.1959. Ảnh: Tư liệu
Tháng 12.1959, quân ta tấn công bọn phỉ, giải phóng thị trấn Đồng Văn. Trong trận này, chuẩn úy Viên Ngọc Phương (chính trị viên phân đội cơ động CANDVT Hà Giang) đã ngã xuống trong khi dùng loa kêu gọi tàn quân phỉ đầu hàng. Cùng hy sinh với anh là 2 chiến sĩ Lý Văn Páo là Phùng Văn Chùi (cùng sinh năm 1941, nhập ngũ tháng 4.1959, thuộc phân đội 55, CANDVT Cao Bằng tăng cường Hà Giang)…
 
Dâng hương hoa tại phần mộ các liệt sĩ BĐBP tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Độc Lập
Dâng hương hoa tại phần mộ các liệt sĩ BĐBP tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Độc Lập
“Sau thời gian tiễu phỉ 1959 - 1963, chúng tôi đã phải đối phó với tình trạng phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam”, cựu binh Hoàng Văn Tựt nhớ lại vậy.
Ông Tựt nhớ rất chi tiết, ở Hà Giang, từ năm 1963, phía Trung Quốc đã lặng lẽ lấn chiếm nhiều điểm ở Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Thời điểm này, quan hệ 2 nước ở mức “vừa là đồng chí vừa là anh em” nên cuộc đấu tranh chống lấn chiếm của ta chưa phải dùng vũ lực. Khi phát hiện lực lượng Trung Quốc sang khảo sát đo đạc trái phép, BĐBP chỉ nhắc nhở và kiên trì thuyết phục họ rút.
“Sau ngày 30.4.1975, thái độ của phía Trung Quốc thay đổi khác hẳn. Tình trạng lấn chiếm, khiêu khích gia tăng đột biến”, thượng tá Hoàng Văn Tựt nói và kể lại: Ở những khu vực đã lấn chiếm, họ ngang nhiên tuyên bố “đây là lãnh thổ Trung Quốc”, thậm chí quay ngoắt tố ngược “Trung Quốc bị Việt Nam lấn chiếm”, “Việt Nam vi phạm chủ quyền”… Nóng nhất là ở các khu vực biên giới: Hồ Pả, Mã Tẻn (H.Hoàng Su Phì); khu vực mốc 14, Nậm Ngặt (H. Vị Xuyên); mốc số 7 (H.Yên Minh); Dì Thàng, Mã Lủng Kha (Đồng Văn); Lũng Ly, Trà Mần, Suối Lủng (H.Mèo Vạc)…
 
Quân nhân Trung Quốc xuất hiện tại các khu vực lấn chiếm đất của Hà Giang, cuối những năm 70 đầu 80. Ảnh: Tư liệu
Quân nhân Trung Quốc xuất hiện tại các khu vực lấn chiếm đất của Hà Giang, cuối những năm 70 đầu 80. Ảnh: Tư liệu
Bị thương cũng gắng giữ đất
“Hồi ấy rất nhiều anh em bị thương trong khi giữ đất, nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi giám định để thành thương binh”, ông Nguyễn Hữu Trù, nguyên chính trị viên đồn BP cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, cười nói vậy.
Ông Trù kể lại, cuối 1975, phía Trung Quốc cho dân binh có lực lượng vũ trang hỗ trợ, tràn sang xâm canh ở khu vực mốc 14 - đoạn II, xã Minh Tân và Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy (nay là mốc 259, ở H.Vị Xuyên, Hà Giang). Có lúc, họ vượt qua biên giới thu hoạch hoa màu của dân ta và cậy đông, đe dọa bộ đội và nhân dân ta.
 
BĐBP Hà Giang truy đuổi đối tượng gây án ở khu vực biên giới Đồng Văn (tháng 12.1997). Ảnh: Tư liệu
BĐBP Hà Giang truy đuổi đối tượng gây án ở khu vực biên giới Đồng Văn (tháng 12.1997). Ảnh: Tư liệu
Từ năm 1976, Trung Quốc tăng cường lấn chiếm khu vực Nậm Ngặt. Lợi dụng đêm tối hoặc những ngày sương mù, họ cho dân binh sang nhổ hoa màu của ta, trồng loại cây khác của họ vào để nhận là “đất Trung Quốc”. BĐBP tăng cường tuần tra kiểm soát, thì phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mai phục, hòng bắt cóc bộ đội và dân quân ta…
“Chúng tôi liên tục viết thư và trực tiếp gặp lực lượng BP Trung Quốc để thông báo, trao đổi tình hình, phản kháng hành động sai trái, yêu cầu họ có biện pháp ngăn chặn, nhưng hầu như họ quanh co, đổ lỗi”, ông Nguyễn Hữu Trù nhớ lại. Nhân dân các xã Minh Tân và Thanh Thủy (H.Vị Xuyên) không chỉ sẵn sàng có mặt tại thực địa khi có hiệu lệnh chống lấn chiếm, mà còn trực tiếp bám đất, bám biên giới để sản xuất và bảo vệ sản xuất.
 
Tổ công tác đồn BP XÍn Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra kiểm soát đường biên mốc giới trong mùa đông 2022. Ảnh: Độc Lập
Tổ công tác đồn BP XÍn Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra kiểm soát đường biên mốc giới trong mùa đông 2022. Ảnh: Độc Lập
Ở Thanh Thủy thời kỳ này, BĐBP đã đưa những già làng trưởng bản ra chào hỏi, gọi tên những người quen bên Trung Quốc khuyên nhủ: “Chúng tôi với các ông bà bên ấy là chỗ quen biết, thân tình. Sinh sống ở đây bao năm, đều biết đất này của người Việt Nam, sao giờ lại sang phá hoại hoa màu - mồ hôi nước mắt chúng tôi?”… Lời nói của người già không chỉ khơi gợi lại tình hữu nghị truyền thống mà còn làm phân hóa lực lượng đối phương.
Ông Bồn Văn Thanh (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang) nhớ lại, thấy người già ra giảng giải, dân Trung Quốc phải rút về bên kia biên giới và sau đó, nhiều người tìm sang phân trần: “Chúng tôi biết là đất Việt Nam, nhưng cấp trên bắt sang lấn chiếm. Nếu không làm sẽ bị phạt rất nặng”…
 
Bộ đội đồn BP Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và công an xã Ma Lé trên chốt quản lý bảo vệ biên giới. Ảnh: Mai Thanh Hải
Bộ đội đồn BP Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và công an xã Ma Lé trên chốt quản lý bảo vệ biên giới. Ảnh: Mai Thanh Hải
Giữa tháng 5.1977, Tổng bí thư Lê Duẩn lên thăm Hà Giang (khi ấy sáp nhập với Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên) và ra tận biên giới động viên bộ đội Đồn BP Thanh Thủy đang làm nhiệm vụ chống lấn chiếm. Tổng bí thư căn dặn: “Phải theo dõi chặt chẽ tình hình, kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất biên giới. Tích cực vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến vững chắc” và yêu cầu: “Cảnh giác sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra”…
 
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm, động viên bộ đội đồn Công an nhân dân vũ trang Thanh Thủy (nay là đồn BP Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy) đang làm nhiệm vụ chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Hà Giang, tháng 5.1977. Ảnh: Tư liệu
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm, động viên bộ đội đồn Công an nhân dân vũ trang Thanh Thủy (nay là đồn BP Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy) đang làm nhiệm vụ chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Hà Giang, tháng 5.1977. Ảnh: Tư liệu
Lời dặn ấy như cảnh báo tình hình ngày càng căng thẳng ở biên giới... (còn tiếp)
… “Hiện nay (8.1976), sơ bộ xác minh và thống kê toàn tuyến có gần 80 nơi Trung Quốc tranh lấn đất ta dưới nhiều hình thức xâm canh, xâm cư, trồng cây, làm đường, xuyên tạc pháp lý bia mốc, xây dựng công trình đường giao thông, cầu đập, vũ trang xâm nhập và cắm chốt. Những điểm nóng đang đấu tranh phức tạp nhất hiện nay là: Trịnh Tường, bãi Lục Lầm, Hữu Nghị Quan, Léo Cao, thác Bản Giốc, Pia Un, Phai Luông, Trà Mần, Suối Lũng, khu vực mốc 2 - 3, Nậm Chay, Ba Nậm Cúm (Lai Châu). Trong gần 80 khu vực tranh lấn đất, Trung Quốc đã chiếm giữ hẳn 10 khu vực quan trọng, rộng khoảng 23 km2….
Tình hình trên đây thể hiện rõ ràng ý đồ của bạn là tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới để gây sức ép với ta, phục vụ đấu tranh nội bộ của họ. Dùng sức mạnh uy hiếp ta, khiêu khích quấy phá, buộc ta phải thường xuyên đối phó làm cho ta lo ngại, tạo tình hình không ổn định. Khống chế khu vực biên giới, kiềm chế ta phát triển kinh tế, ngăn ta xây dựng các công trình và hợp tác với Liên Xô. Duy trì hiện trạng, thực chất là chiếm giữ những vùng họ đã chiếm giữ, tạo lợi thế cho Trung Quốc trong đàm phán về biên giới.
Trước mắt, họ cố ngăn cản ta khảo sát biên giới theo nguyên trạng và đường biên giới lịch sử”…
(Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang - BĐBP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ngày 7.8.1976).
Theo Mai Thanh Hải (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.