(GLO)- Chỉ cần về các khu vực vùng ven TP. Pleiku hay các khu vực nông thôn của tỉnh rất dễ dàng bắt gặp các trường hợp người tham gia giao thông không chấp hành các quy định về Luật Giao thông Đường bộ. Phổ biến nhất là các lỗi: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, người chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy… Có mặt tại làng Brel (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vào một buổi chiều gần đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cậu bé người nhỏ thó đã điều khiển xe máy phân khối lớn chở nhau chạy băng băng trên đường làng. Ksor Nik chỉ là cậu học sinh lớp 5 nhưng đã biết lái xe máy được 2-3 năm nay. “Em chỉ chạy xe trong làng, thi thoảng đưa đón em nhỏ của gia đình người quen đi học. Em chạy quen rồi, ở làng mấy đứa bằng tuổi em đều biết đi xe máy hết”-Nik nói.
Không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường làng. Ảnh: Lê Hòa |
Còn Phong (học sinh lớp 8) cho biết, cậu không nhớ rõ mình biết đi xe máy từ năm học lớp mấy nhưng chắc chắn là rất lâu rồi. Phong nói: “Bố mẹ em đi làm rẫy miết, chỉ có mấy anh em ở nhà. Em tập đi xe để còn phụ bố mẹ, thi thoảng đưa các em đi học nữa chứ”. Cả Nik và Phong đều tự tập đi xe máy dưới sự hướng dẫn của đám đàn anh lớn tuổi hơn trong làng. “Chúng em nhỏ tuổi nên bố mẹ không cho chạy xe ra đường lớn sợ Công an bắt được thì bị phạt, giữ xe”-Phong cho biết thêm.
Những “bác tài tí hon” như Nik, Phong có mặt ở hầu hết các làng, thôn, buôn. Thậm chí, có những đứa trẻ đang học cấp II đã có thể điều khiển xe công nông chạy bon bon trên đường làng. Còn quá nhỏ nên thể trạng, tâm lý chưa đủ vững vàng để có thể ứng phó, xử trí khi có tình huống bất thường xảy ra. Chưa nói, tâm lý trẻ nhỏ dễ manh động, dễ dẫn đến các hành động gây nguy hiểm khi tham gia giao thông như chạy ẩu, không chịu quan sát… Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay.
Không riêng lỗi ở trẻ nhỏ mà người lớn khi tham gia giao thông trên các tuyến đường làng, xã vẫn hay phớt lờ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, dù là để bảo vệ cho chính mình. Với họ, việc lái xe đúng tốc độ, đội mũ bảo hiểm chỉ nhằm mục đích… đối phó với Công an. Chỉ cần rẽ vào các tuyến đường nhỏ, nơi ít có sự xuất hiện của lực lượng Cảnh sát Giao thông là ngay lập tức không ít người tham gia giao thông tự cho phép mình cái quyền không tuân thủ pháp luật. Trên các tuyến đường liên huyện, xã hay đường thôn làng, hình ảnh những chiếc xe máy tồi tàn chất 4-5 thanh niên đầu không đội mũ bảo hiểm chạy gầm rú hay những bác nông dân “quên” đội mũ bảo hiểm trên đường đi làm về… không phải là hiếm. “Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân nhiều nơi vẫn còn rất hạn chế. Tình trạng thanh niên chở 3, chở 4 không đội mũ bảo hiểm hay người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia tham gia giao thông… vẫn còn xảy ra. Đây là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”-Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai cho biết.
Bên cạnh yếu tố chủ quan do ý thức kém thì không thể phủ nhận, với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con còn nhiều nơi chưa đảm bảo. Đây cũng là một trong những lý do khách quan dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. “Chúng tôi đã triển khai cho các tổ tuyên truyền của đơn vị phối hợp với công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các già làng, trưởng thôn, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ cho bà con. Đồng thời, huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”-Đại tá Phan Văn Uấn nhấn mạnh.
Lê Hòa