Một nhà giáo ở Hà Nội nói việc Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông nói sẽ sửa quy định để "bắt buộc" dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT là thông tin gây "chấn động" với ngành giáo dục. Chấn động là bởi không có dự lệnh, không có chuẩn bị nào về điều kiện để thực hiện.
Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng "đính chính", rằng Bộ chỉ khuyến khích, chỉ "hướng tới" chứ chưa bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT.
Còn nhớ, khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cũng đề xuất nên thiết kế chương trình theo hướng bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày ở cả cấp THCS thay vì chỉ có cấp tiểu học. Tuy nhiên, do tính khả thi quá thấp, ban soạn thảo và Bộ GD-ĐT phải gác lại nội dung này khi ban hành chương trình chính thức.
Cụ thể, ở tiểu học, học 2.838 giờ (học 2 buổi/ngày), THCS học 3.070 giờ, THPT 2.284 giờ (cả hai cấp học đều học 1 buổi/ngày). Nhìn vào số giờ học của 3 cấp học sẽ thấy rõ vì sao ở cấp THCS, học sinh phải học đến 12 giờ, thậm chí 12 giờ 30 mỗi ngày và học chính khóa cả vào ngày nghỉ thứ bảy. Chương trình nặng, thời lượng học tập ít, gây quá tải là điều khó chối cãi.
Chính tổng chủ biên chương trình cũng từng cho rằng dạy học 2 buổi/ngày là cách thức để giảm tải chương trình. Ví dụ, cùng một khối lượng kiến thức thì dạy nhiều thời lượng hơn sẽ không gây áp lực cho học sinh.
Tuy nhiên, cách mà nhiều trường tổ chức buổi 2 hiện nay chưa tạo được cho phụ huynh niềm tin ấy. Do vậy, họ đón nhận thông tin "bắt buộc" trong sự phản đối và lo lắng. Con họ thoát khỏi cảnh bị ép học thêm chưa bao lâu bởi Thông tư 29 thì nay lại sắp lâm vào cảnh "bắt buộc" học buổi 2 ở trường.
Trong hình dung của họ, lứa tuổi THCS, THPT đang đầy biến động về tâm sinh lý sẽ bị "nhốt" cả ngày ở trường. Buổi sáng học kiến thức, buổi chiều lại lấp đầy bằng những kiến thức trong sách vở, đặc biệt đáng lo khi giáo viên của trường đó, lớp đó lại không đảm bảo về chất lượng. Nếu vậy, buổi tối các con vẫn phải đi học thêm vì muốn học giáo viên giỏi, muốn thi đỗ vào trường A, trường B nào đó thì không thể không học thêm ở những "lò luyện" có uy tín.
Rõ ràng, một chính sách dù khởi nguồn từ việc muốn mang lại giá trị tốt đẹp nhất cho người học, nhưng chưa tạo niềm tin cho chính các em và phụ huynh về điều kiện và chất lượng đội ngũ để thực hiện nó thì chỉ khiến họ hoang mang, lo lắng nhiều hơn là vui mừng.
Dư luận trông chờ Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn mới về dạy học 2 buổi/ngày vào tháng 5 tới để có thể hình dung điều mà đại diện của bộ khẳng định, rằng: mô hình nhằm giúp giảm tải cho người học, giúp các em được lựa chọn nội dung học mà mình mong muốn chứ không phải "hợp thức hóa" việc dạy thêm.
Theo Tuệ Nguyễn (TNO)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu