Giấc mơ bé lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Bỗng dưng, Thiệp nghe thấy tiếng Hạnh cười. Tiếng cười chưa khi nào mãn nguyện, ngọt ngào đến thế, rồi im bặt. Lát sau tiếng ngáy ro ro như tiếng bơm nước lại tiếp tục. Rồi anh nghe thấy tiếng bánh xe của bà bán ốc đêm lăn trên con đường ngoài kia, chắc phải hơn 1 giờ sáng.

Lâu lắm rồi Thiệp mới bị mất ngủ. Khu tập thể mất nước từ sáng. Nhịn tắm, anh lên giường nằm xoay lưng lại với vợ, nhịn luôn cả quạt để khỏi phả cái mùi mồ hôi dầu vào khoảng trời hạnh phúc của hai người.

Căn hộ tập thể chật chội đã thành nếp trong đầu ngay cả với bọn trẻ con. Thằng Duy con anh mới học lớp 1, đi chơi về đã biết xì hơi quả bóng đến bẹp rúm nhét vào kẽ bàn. Mà mẹ nó cũng lại bị cái nếp khác hành hạ. Đêm nằm lo lão ở tầng trên nổi hứng tưới phong lan ướt hết quần áo phơi ngoài chuồng cọp và lo mụ tầng dưới sáng ra nói mát nhà mình đêm qua làm gì mà lục cục mất ngủ.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Nhưng riêng anh thì lại khác, cái nếp ấy đã thấm vào gan ruột như chén trà dẫu có không nhìn vào đó vẫn rót đúng ngưỡng, cộng thêm những giọt nước ri rỉ tiết kiệm mỗi lần rửa chén tạo thành cái vành đen cóc két quanh miệng cốc, như sợi dây đen tối bó buộc mọi ý nghĩ.

Nhưng nói vậy, khu tập thể vẫn có những thứ xa xỉ. Vẫn có những hội cờ tướng, chim cảnh, phong lan… của những gã đàn ông đều đặn bằng những cuộc cãi vã nhặng lên mỗi chiều trong khi những bà vợ đang tích cực giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, xào nấu các món ăn nồng nặc mùi dầu mỡ. Anh không tham gia hội nào, anh là ông chồng duy nhất theo phe trung lập. Người ta bảo đàn ông tử tế phải thích một thú vui nào đó trong các hội kia. Nếu không thì chắc đã âm thầm ngoại tình, hút chích. Kẻ đơn độc này lại có thú vui riêng là ngắm nghía các thú vui nhưng không tham dự, âu cũng là một cái thú. Đời quanh quẩn trong khu tập thể, không đi đâu cũng phát rồ, dừng lại ở đâu quá lâu cũng là sai lầm, còn lượn lờ khắp nơi là một tội lỗi. Những bữa cơm chiều đều tăm tắp như khuôn đúc ra với từng câu gắt gỏng của vợ với con cái, than vãn với chồng về giá cả, số phận… Cái khuôn ấy đúc ra ở anh đều đặn đến từng hơi thở.

- Tối qua mơ gì mà cười như ma nhập vậy?
- À, hí hí, không có gì.
- Mơ gặp giai nào hả?
- Ghen à, mơ giàu.

Gió thổi lạch cạch ngoài cái ban công bé xíu mười năm trời không có chỗ cho cái lồng chim khuyên, giò phong lan vì những dây quần áo giặt thuê bất tận. Một xu tiền lẻ cũng lọt thỏm vào dạ dày những con heo nhựa, heo đất. Họa chăng chỉ có nằm mơ, nói nhảm, đoán mò mới không phải đặt chân xuống cái căn hộ chật hẹp này.

- Vợ chồng anh chị thu xếp mà dọn về ở dưới nhà, tôi lên chung cư với vợ chồng anh Vĩnh.

Hạnh đang nhặt rau muống, nghe mẹ mình nói thế như bắt được vàng, bèn xô cả rổ rau chạy sang ngồi bệt xuống cạnh:
-Mẹ cho chúng con thật à, vậy là được thoát khỏi cái chuồng chim này.
-Khu này thì bán đi, xem có được bao nhiêu rồi vợ chồng anh chị bỏ thêm sổ tiết kiệm mà trả tôi.

Bà mẹ vợ về rồi, hai vợ chồng lại thêm những ngày im lặng dù cả hai đều muốn nói về cái đang khao khát. Nhưng cái lạ là từ những đêm đấy, Thiệp nghe trong giấc mơ của vợ có thêm những cụm từ khá lạ, nhiều khi lộn xộn, rối mù.

2. Mấy tháng nay Thiệp bỏ luôn những buổi chiều làm về xem ké người ta chơi chim cảnh, đánh cờ tướng. Cứ cơm xong, anh lại ngồi thu lu trên cái ghế đôn để chăm chú vào một công trình mà từ trên trời rơi xuống cho anh một cái chân trong đó. Anh bắt đầu bay bổng các ý tưởng, tập giấy trắng dưới ngăn bàn hao đi trông thấy, những vườn hoa, hồ bơi, khu tượng đài mở ra trên giấy. Anh bước vào đó cho đến khi đèn điện trong nhà tắt ngấm thì mới trở về với chiếc giường ro ro tiếng ngáy. Trong khi, cái hạn bán nhà của bà mẹ vợ cứ mỗi lúc một gần như hồ nước trước mắt hai kẻ lạc đường trên sa mạc đang miệt mài. Một vẽ vời với cái đề án tiền chùa, một bớt xén từng quả cà muối ngoài chợ. Căn hộ tập thể đã gắn bó hơn mười năm của cả nhà đang là cõi tạm cho giấc mơ ấy, cái giấc mơ có thật chứ không ú ớ về đêm như vợ anh, không hão huyền như mấy bàn cờ tướng dưới kia mà kẻ thắng trận trở về lại gặp khuôn mặt mấy bà vợ xị ra như bị úng nước.

Cầm cái đề án của ba người, ông thủ trưởng gật gù rồi đóng cửa nghiền ngẫm cả tháng trời. Cuộc họp có đủ các bên tham dự, ông khen tốt nhưng chốt lại một câu mà khiến tất cả đều tâm đắc trong sự thất vọng:

- Giờ chỉ cần tìm được nguồn vốn sẽ triển khai.

Thiệp ra về trên con đường gió thổi bay phần phật, cái lời hứa ấy như một liều thuốc tiên khiến anh quên cả mệt nhọc với đống giấy nháp dày cộp trên bàn. Hạnh đón anh ở cửa với câu nói hồ hởi khác thường:

- Anh à, chỉ còn một khoản không lớn nữa là vừa đủ, em đã vay được kha khá rồi. Anh còn quỹ đen, quỹ đỏ đâu đưa em nữa là xong. Mẹ bảo mai đưa đủ tiền giao sổ đỏ luôn, tính mẹ em chặt chẽ cả với người nhà, anh làm rể bao năm anh hiểu rồi đúng không?

Thiệp không biết chân mình đã đặt lên bậu cửa chưa nhưng anh bỗng rụt chân lại. Cảm giác như bị mất của khiến anh choáng váng dẫu từ trước đến giờ kẻ cắp chẳng lấy được của vợ chồng anh dù chỉ một cái chổi cùn. Sau vài phút gắt lên tuyệt vọng, Hạnh như nhớ ra điều gì quay qua hỏi:
- Thế cái dự án bên anh bao giờ giải ngân?
- Anh không rõ, chắc phải chờ lãnh đạo xem xét.
- Thế không có cách nào “đẩy nhanh” được à?
- Thì đã có gì đâu mà đẩy, toàn vẽ trên giấy A3, A4 thế thôi.
Như bị điện giật, Hạnh ngồi phệt xuống đất, khuôn mặt rầu rĩ:
- Thế hóa ra tôi bị lừa à? Anh có biết bao lâu nay trong giấc mơ tôi mơ gì không? Tôi chỉ dám mơ mua được mảnh đất của mẹ, đập cái nhà ngói đi, xây cái nhà mái bằng, làm cái cổng, có cái vườn cho thằng Duy nhà mình ngồi học có ánh sáng mặt trời đỡ hại mắt.
Thiệp cự lại cũng không kém:

- Cô tưởng tôi không biết cô mơ cái gì hả, cô tưởng cứ mơ là được sao. Cô có biết vì sao tôi không mơ không? Đồ viển vông không có tiền mà đòi mua đất xây nhà.

Cuộc cãi vã kết thúc bằng bát cơm nguội duy nhất cho thằng Duy ngồi học. Mẹ nó đi đâu không thèm cầm theo chìa khóa. Bố nó đi uống rượu, cái thứ nước tinh thần mà suốt bao năm qua anh không được ngụp lặn, tắm gội trong đó với lũ đàn ông. Đêm ở khu tập thể yên tĩnh, anh bước vào nhà, không cần đóng cửa, tự dưng lúc ấy anh thấy yêu căn phòng này quá, hình như mai là chuyển đi rồi, thằng Duy thì chắc mẹ nó cũng đã quay về đón đi. Anh chìm vào một giấc mơ được tắm trong cái bể bơi có cái ngấn đen như tách trà, của những hội chim cảnh, cờ tướng dưới sân.

Thiệp tỉnh giấc bởi tiếng người ta cười đùa dưới sân. Hạnh đang nằm cạnh anh, tay ôm choàng lấy chồng như cách đây mười năm, nét mặt lo lắng. Cô mở mắt ngỡ ngàng nhìn xung quanh như con chim vừa bị mất tổ sau một đêm giông bão. Anh suýt chút nữa đã cự nự với vợ, nhưng chợt nghĩ đến giấc mơ đêm qua nên đành nở một nụ cười nhìn Hạnh.

- Tưởng đi luôn không về.
- Có chỗ nào khác thì cũng chả thèm về nữa.
Cô nhìn chồng ngần ngại rồi thao thao kể:

- Anh à, em sợ quá, đêm qua em lại mơ. Em mơ hai vợ chồng mình lên ở một cái chuồng bồ câu bé xíu, trên một cái cột khẳng khiu, anh vẫn ngồi làm dự án trên những trang giấy bé bằng ngón tay thôi. Thằng Duy cũng tâng bóng bằng hai chân trong chuồng câu ấy chứ không đá lung tung ngoài sân nữa. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên thổi bay bản thảo, anh lao theo ra gần đến cửa chuồng, em sợ quá chạy lại giữ chặt lấy anh.

Anh mở to mắt nhìn vợ. Đôi mắt vợ anh sao giống một con bồ câu nhỏ đến thế, đang run sợ trước độ cao của chuồng bé xíu. Bao giờ nó mới lại lao xuống khỏi cái chuồng câu ấy bằng một giấc mơ nào khác?

Bùi Việt Phương

Có thể bạn quan tâm

Có một đêm văn công như thế

Có một đêm văn công như thế

(GLO)- Hôm ấy, bà con các làng ai ai cũng háo hức chờ đợi. Mới 17 giờ, bà con đã tập trung trước sân trụ sở xã Al Bá chờ đợi đêm diễn. Khi đó, tôi nhớ mình đã viết một bài báo có nhan đề “Đêm văn công ở vùng trắng văn công”...

Thơ Dương Kỳ Anh: Đi giữa vườn xuân

Thơ Dương Kỳ Anh: Đi giữa vườn xuân

(GLO)- Cảm giác về tình yêu qua lời thơ của Dương Kỳ Anh thật lãng mạn và đắm say. Điển hình, trong bài thơ "Đi giữa vườn xuân", tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp của vườn xuân mà còn khéo léo lồng vào đó sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc.

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

(GLO)- Bài thơ "Gọi xuân" của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng mang đậm không khí của mùa đông, song cũng là lời mời gọi, khắc khoải của mùa xuân. Từng câu thơ như một niềm khát khao về sự thay đổi, hồi sinh và tươi mới...

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

(GLO)- Mùa xuân vừa đến, cho ta cái cớ để nhìn lại chặng đường dài mình đã đi qua. Thêm một tuổi là thêm nhiều những hạnh ngộ và chia ly, nguyện ước và mong chờ. Nhưng chừng nào còn tha thiết với đời là ta còn “tuổi ngọc”. Bài thơ của tác giả Lữ Hồng dưới đây như thay lời muốn nói...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

(GLO)- Bài thơ "Quê ngoại" của Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ là lời tỏ bày tình cảm quê hương mà còn là một thông điệp sâu sắc về sự gắn bó với cội nguồn. Quê hương dù có xa hay gần, luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, là điểm tựa để chúng ta tìm về trong những lúc lạc lõng nhất.

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

(GLO)- "Hoa vô thường" của Lê Từ Hiển mang đậm dấu ấn của sự chiêm nghiệm về cuộc đời, sự vô thường của thời gian qua những biến chuyển của thiên nhiên. Mỗi câu thơ như một khoảnh khắc dịu dàng, mà ở đó, tác giả lặng lẽ nhìn nhận và đón nhận mọi biến động của đời sống...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

(GLO)- Với "Giếng xưa", tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh đã khắc họa bức tranh đầy khắc khoải, suy tư về cuộc đời. Khi thời gian lặng lẽ trôi qua, mỗi hình ảnh đều như một lời tâm sự rất riêng tư nhưng cũng thật gần gũi và đầy cảm xúc.

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

(GLO)- Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người phố núi Pleiku, UBND thành phố phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Khát vọng vươn lên” năm 2025 trên các ấn phẩm của Báo Gia Lai. Ban tổ chức bắt đầu nhận bài từ ngày 20-1.

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Ngô Thanh Vân: Gió mùa về trong ấm áp xuân sang

Thơ Ngô Thanh Vân: Gió mùa về trong ấm áp xuân sang

(GLO)- Qua những hình ảnh tươi mới của mùa xuân, tác giả Ngô Thanh Vân đã vẽ nên một bức tranh ấm áp về tình cảm gia đình, về những tháng năm không thể quay lại nhưng đầy ắp kỷ niệm. Trong bài thơ, mẹ là hình ảnh trung tâm, là biểu tượng của tình yêu vô bờ bến.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

(GLO)- Năm 2024 được xem là năm “mưa giải thưởng” của văn học nghệ thuật (VHNT) Gia Lai tại các liên hoan, cuộc thi khu vực và toàn quốc, trong đó có nhiều giải cao. Đây là ghi nhận xứng đáng cho sự đầu tư, nỗ lực trong lĩnh vực đòi hỏi sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.