Giá trị thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gạo ST24 và ST25 được công nhận là gạo ngon nhất, nhì thế giới và sản phẩm này là của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, thương hiệu này lại đối diện nguy cơ rơi vào tay các doanh nghiệp nước khác khi doanh nghiệp của nhiều nước xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Australia. Nếu để mất thương hiệu thì các loại gạo đặc sản của Việt Nam không thể xuất khẩu vào các thị trường đã có bảo hộ.

Điều đáng nói, vụ việc thương hiệu gạo ST24 và ST25 không phải lần đầu tiên chúng ta gặp phải mà trước đó, Việt Nam đã từng thấm các bài học về nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre… khi bị các doanh nghiệp của nước khác đăng ký sở hữu trí tuệ trước ở nước họ. Theo các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật, để tránh lặp lại tình trạng nông sản Việt Nam bị “nẫng” thương hiệu, doanh nghiệp cần phải chủ động và chú tâm hơn vào việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để tránh những rủi ro bị kiện tụng, tranh chấp kéo dài, tốn kém nếu để thương hiệu lọt vào tay người khác.

Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng, sau khi đăng ký bảo hộ thành công, nông sản Việt Nam không chỉ mở rộng thị phần mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu nhiều lần. Chẳng hạn, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng giá khoảng 5 lần; mật ong Mèo Vạc (Hà Giang) tăng giá 2,5 lần; bưởi Tân Triều (Đồng Nai) tăng giá khoảng 40%… Nhưng thực tế đến nay, số lượng nông sản Việt Nam được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài còn rất ít so với năng lực sản xuất, xuất khẩu và mới chỉ có một số sản phẩm nổi bật như: cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan; quế Văn Yên (Yên Bái) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan; vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản và bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào và Campuchia; thanh long Bình Thuận được bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản; chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ, Trung Quốc; chè Mộc Châu được bảo hộ nhãn hiệu tại Thái Lan… Trong khi, theo Bộ KH-CN, những nông sản chưa được chú trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý thường ít được người tiêu dùng biết tới, khó phát triển thị trường và giá bán thấp, khả năng cạnh tranh cũng kém. Trên thực tế, có nhiều loại nông sản ngon của Việt Nam (kể cả gạo, trái cây) xuất khẩu phải mượn thương hiệu của nước ngoài hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thay tên đổi nhãn…

Như vậy, cùng với phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp phải đầu tư sớm cho việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tuy vậy, không thể để doanh nghiệp đơn thương độc mã mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp sức cho doanh nghiệp. Có những sản phẩm không chỉ là thương hiệu của một doanh nghiệp mà còn là thương hiệu của quốc gia. Do đó, chúng ta nên học cách làm của Thái Lan khi bảo vệ thương hiệu gạo Thai Hom Mali (còn gọi là Thai Jasmine Rice) khi chính Bộ Công thương Thái Lan đăng ký nhãn hiệu “Thai Hom Mali” tại hàng chục quốc gia trên thế giới dưới dạng sở hữu nhà nước. Việt Nam cũng có thể làm như vậy nhưng các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp, công thương, khoa học - công nghệ… phải cùng ngồi để bàn bạc những bước đi cụ thể. Bởi suy cho cùng, giá trị thương hiệu của sản phẩm nhiều vùng, miền cũng là hình ảnh của quốc gia và rất cần sự chung tay của doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước.

Theo PHÚC VĂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Qua các kỳ đại hội, Ðảng ta luôn nghiêm túc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề ra những quan điểm chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam mang bản chất dân chủ, ưu việt, tốt đẹp.

Vươn mình phát triển và thịnh vượng

Vươn mình phát triển và thịnh vượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Tinh thần ấy vẫn còn vẹn nguyên và trở thành nguồn cảm hứng để chúng ta vượt qua những biến chuyển khó lường của thế giới.

Chung tay cùng mọi nhà đón Tết

Chung tay cùng mọi nhà đón Tết

Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều chương trình ý nghĩa được thực hiện nhằm chăm lo hơn nữa cho các hộ nghèo, công nhân, người lao động… được đón cái Tết an vui, đầm ấm.

Giải bài toán tăng trưởng 2 con số

Giải bài toán tăng trưởng 2 con số

Năm 2024 là năm “lên ngôi” của logistics khi hoạt động ngành này đóng góp 25,4% vào mức tăng GRDP của TPHCM. Con số trên minh chứng cho sự phát triển của thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải - kho bãi với mức tăng 34,5% so với năm 2023 - tăng mạnh nhất trong các ngành.

Phát huy nguồn lực kiều bào trẻ

Phát huy nguồn lực kiều bào trẻ

Hiện có hơn 6 triệu người VN sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhiều thập niên qua, kiều bào không chỉ đóng góp tích cực cho cả quốc gia sở tại và VN mà còn trở thành cầu nối quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của quê hương trên trường quốc tế.

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.