(GLO)- Thời gian gần đây, tình trạng người dân chủ động vạt gốc cây, đốt chết cây, chặt thông rồi cơi nới trồng cây cà phê, cây mì để tăng gia sản xuất trên rừng phòng hộ đang ngày càng gia tăng. Mặc dù đã được các chủ rừng phát hiện và ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn thường xuyên tái diễn nhất là vào mùa mưa khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị gặp không ít khó khăn.
Dân thiếu đất phá rừng?
Rừng phòng hộ Đức Cơ bị dân đốt, chặt thông để trồng hoa màu. Ảnh: Ngọc Thu |
Từ đầu năm đến nay rừng phòng hộ huyện Mang Yang đã bị xâm canh hơn 18 ha, đứng đầu toàn tỉnh về tình trạng xâm canh. Những cánh rừng thông bị đốn hạ, thay vào đó là những khoảnh đất trống trồng cây cà phê, cây hồ tiêu đang mọc lên xanh tốt. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang cho biết: “Vì lực lượng quản lý rừng còn mỏng, người dân nhận thức về tầm quan trọng của rừng còn hạn chế, do đó khó khăn trong công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện nay, một số người dân tộc thiểu số sống gần rừng đã tự ý viết đơn xin xác nhận của Ban nhân dân thôn, già làng vào rừng khai thác gỗ để làm nhà, do đó rất khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị”.
Cũng như huyện Mang Yang, tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, nhiều cánh rừng tự nhiên đã bị các hộ dân đốt cây thông rồi cơi nới trồng hoa màu, cây công nghiệp. Những cây thông cháy đen bị chặt phá nằm ngổn ngang với diện tích gần 11 ha, xen vào đó là những cây mì, cây lúa được mọc lên.
Anh Rơ Châm H'Chen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ đã lấn chiếm rừng, cơi nới hơn 4 sào đất để trồng mì trên đất rừng phòng hộ. Anh nói: “Gia đình nghèo quá nên mình chẳng biết làm gì ngoài lên rừng trồng mì, lấy tiền nuôi gia đình. Vì không có đất sản xuất nên mình phát rừng để trồng mì”.
Còn theo gia đình anh Rơ Châm H'Blơi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ): “Gia đình anh sinh sống ở đây đã lâu, từ thời ông bà vẫn đi canh tác hết rừng này sang rừng khác rồi, rừng là của mình, vì thế mình lên rừng trồng cây hoa màu”.
Với những lý do thiếu đất sản xuất, gia đình khó khăn, tập tục canh tác lâu đời... các hộ dân vô tư lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy. Biến đất rừng thành đất sản xuất trồng hoa màu và cây công nghiệp bất chấp cả luật pháp, không biết chính quyền địa phương có biết những việc này không?
Cần giải quyết đất sản xuất cho dân
Rừng phòng hộ Mang Yang bị dân lấn chiếm trồng cà phê. Ảnh: Ngọc Thu |
Mặc dù Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ, Mang Yang đã tổ chức nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng làm rẫy như: tuyên truyền, ký cam kết, phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Công an huyện kiểm tra, trồng mới cây keo trên những phần đất rừng bị xâm lấn… nhưng tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn còn diễn ra.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 581 vụ vi phạm pháp luật trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, trong đó có 22 vụ phá rừng làm nương rẫy với tổng diện tích trên 35 ha, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Đứng đầu là huyện Mang Yang dân xâm canh 18,4 ha đất rừng, huyện Đức Cơ 11 ha đất rừng, huyện Đăk Đoa 2 ha đất rừng… |
Trước thực trạng người dân thiếu đất sản xuất dẫn đến phá rừng làm rẫy ngày càng gia tăng, các ngành hữu quan cần phải thắt chặt công tác quản lý và bảo vệ rừng, cần có những giải pháp kịp thời để giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm diện tích rừng bị xâm phạm.
Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Các huyện cần phải giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất bằng cách đẩy nhanh việc giao khoán rừng để ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sống ven rừng tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền các xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Ngọc Thu