Gia Lai vẫn "nóng" tình trạng tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- So với mặt bằng chung cả nước thì tỷ lệ tảo hôn ở Gia Lai vẫn còn cao. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số đang ở mức rất cao. 

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Tảo hôn là một hiện tượng xã hội có từ thời xa xưa. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tình trạng tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Về hạnh phúc gia đình, việc kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành dễ dẫn đến những tai biến về sản khoa và ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc con cái của cha mẹ. Về khía cạnh tâm lý, nếu kết hôn khi chưa hình thành đầy đủ nhân cách sẽ dẫn đến rạn nứt, thậm chí xung đột và cuối cùng tan vỡ hạnh phúc gia đình. Về góc độ xã hội, tình trạng tảo hôn là một trong những nguyên nhân tạo ra gánh nặng về nghèo đói; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cán bộ Hội LHPN xã Chư Á (TP. Pleiku) xuống làng Mơ Nú tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Trần Dung
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á (TP. Pleiku) xuống làng Mơ Nú tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Trần Dung


Nhận thức được những hệ lụy từ nạn tảo hôn, nhiều quốc gia trên thế giới khuyến cáo các cặp đôi chỉ kết hôn khi đã đúng tuổi theo quy định. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Thực hiện đề án này, những năm qua, tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam giảm trung bình xấp xỉ 1%/năm.

Tại Gia Lai, theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, việc triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả khả quan khi tỷ lệ tảo hôn giảm 0,34%. Tuy vậy, so với mặt bằng chung cả nước thì tỷ lệ tảo hôn ở Gia Lai vẫn còn cao. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số đang ở mức rất cao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Ia Grai đã ghi nhận đến 71 trường hợp tảo hôn, chiếm 13,67% số cặp kết hôn cùng thời điểm. Đặc biệt, tại 2 xã biên giới Ia O và Ia Chía, tỷ lệ tảo hôn lần lượt là 56,5% và 54%. Trong khi đó, tại huyện Kbang, trong 3 năm (2019-2021) đã ghi nhận 94 cặp tảo hôn…

Nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”. Mục đích của Đề án là giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Để đạt chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ và xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn.

Để đề án của Chính phủ và UBND tỉnh đạt mục tiêu đề ra, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ cũng như các hội, đoàn thể ở địa phương cần vào cuộc triển khai các biện pháp phòng ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trước tiên, tổ chức Đoàn Thanh niên tại các buôn làng cần đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi nhận biết những hệ lụy do tảo hôn gây ra, từ đó tự giác thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt là quy định về độ tuổi kết hôn. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bỏ học giữa chừng… để chung tay ngăn chặn nguy cơ tảo hôn trong lứa tuổi học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở cần tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục các bậc cha mẹ nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân-gia đình, không thỏa hiệp, tiếp tay cho nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hôn nhân-gia đình là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình, rộng ra là cả cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Vì vậy, các ngành và địa phương cần kiên quyết loại bỏ các nguy cơ ảnh hưởng đến tương lai của gia đình cũng như cộng đồng xã hội!

 

 DUY LÊ
 

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.