Sau tổn thất nặng nề về cây hồ tiêu, huyện Chư Pứh (Gia Lai) đã chọn hướng đi mới, tạo tiền đề cho nông nghiệp phát triển bền vững là tái cơ cấu nông nghệp và liên kết tăng giá trị nông sản.
Vực dậy kinh tế sau "khủng hoảng" hồ tiêu
Theo thống kê, huyện Chư Pứh có hơn 1.700ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh khiến nền kinh tế của huyện bị giảm sút nghiêm trọng. Riêng dư nợ vốn vay đầu tư cây hồ tiêu của người dân đạt hơn 1.500 tỷ đồng, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần phải đi làm ăn xa.
|
Mô hình nuôi bò thịt tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Ảnh: L.K |
"Định hướng lâu dài của huyện là xây dựng các chỉ dẫn địa lý, vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Sản phẩm trước mắt sẽ phục vụ trong nước và xa hơn là để xuất khẩu...". Ông Nguyễn Minh Tứ -Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh |
Theo ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh, từ năm 2016 - 2017 nắng hạn kéo dài, cây hồ tiêu bắt đầu chết trên quy mô lớn, khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Do cây tiêu có thu nhập cao, khi xảy ra dịch bệnh khiến người dân rất hụt hẫng, tinh thần suy sụp.
"Từ thực tế đó, Ban thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo bằng mọi cách phải vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phục hồi nền kinh tế. Đầu tiên là lấy ngăn nuôi dài, thứ hai là cần có sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi sang các mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hơn. Đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 1.500ha cây ăn trái từ diện tích tiêu chết" - ông Tứ nói.
Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ (địa phương thiệt hại nặng khi có gần 1.000ha tiêu chết) cho biết: "Kể từ khi cây hồ tiêu bị hạn hán và dịch bệnh, rớt giá khiến kinh tế người dân lâm cảnh khó khăn tột cùng. Bây giờ địa phương cố gắng chắt chiu từng ly, từng tí để khôi phục sản xuất và kinh tế".
Theo ông Vang, tư duy nông nghiệp của người dân đã có sự thay đổi, bà con tự chủ động hơn về cây trồng vật nuôi, ít chạy theo phong trào dễ xảy ra rủi ro.
Người dân cũng tích cực tham gia, thành lập các tổ hợp tác, HTX để tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, xã Ia Blứ được huyện chọn làm xã điểm để vực dậy kinh tế sau "khủng hoảng" cây hồ tiêu.
Tăng cường liên kết, thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh cho biết thêm, đến nay các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đều có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người dân với HTX và doanh nghiệp.
Có thể kể đến như mô hình liên kết trồng chanh dây với Công ty Nafoods, liên kết trồng cây nghệ với Công ty Nhất Nông (xã Ia Phang), trồng bơ với Công ty Nhật Tuấn (xã Ia Rong), sầu riêng HTX Đại Ngàn (xã Ia Blứ), chuỗi mít siêu sớm với HTX Farm…
Song song với đó là xây dựng những sản phẩm này thành sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm), góp phần nâng cao giá trị. Hiện Chư Pứh đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, sắp tới đăng ký thêm 8 sản phẩm (ít nhất có 3 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao).
Bên cạnh đó, huyện đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng nhằm đưa nông sản lên sàn giao dịch Đà Nẵng và tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung.
Cùng với cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi cũng được huyện tích cực kêu gọi đầu tư. Trên địa bàn đã có 6 dự án chăn nuôi công nghệ cao, trong đó có 2 dự án tại xã Ia Hla với số vốn hơn 100 tỷ đồng đã được cấp phép đầu tư.
Ngoài ra, Chư Pứh cũng là địa phương có lượng bức xạ ánh sáng và lưu lượng gió rất lớn để thu hút các dự án điện năng. Hiện tại, huyện đã có 3 dự án điện gió được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo ông Tứ, huyện đã thuê Viện Thổ nhưỡng nông hóa ở Hà Nội vào đánh giá từng loại đất, khoanh vùng phù hợp từng loại cây trồng. Cách làm này giúp nhà đầu tư có cơ sở đầu tư sao cho hiệu quả và người dân có hướng phát triển.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)