Gia Lai miền nhớ: Mùa kẹp đác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, ít ai còn nhớ rằng, những hạt đác trắng đục mơn mởn được lấy từ rừng về từng là một loại thực phẩm được ưa thích của người dân thôn An Mỹ, xã Phú An, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê) vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
Ngày ấy, tôi được phân công về làm kỹ thuật thi công ở công trường Đập Thủy nông An Mỹ. Ngôi nhà tôi ở trọ là trại sản xuất của bác Tri gần chân đập. Lần ấy, thấy tôi tò mò nhìn những thau hạt đác trắng đục đang ngâm trong nước, bác Tri với tay múc cho tôi lưng chén và bảo: “Cháu ăn thử đi, ngon lắm đấy! Đác mới kẹp hôm qua. Bác đã ngâm và thay nước sạch sẽ, tí đem ra chợ bán”. Tôi nhón tay lấy một hạt chấm đường, cắn vào nghe vị giòn, sần sật, nhai lâu có vị dẻo hòa quyện với đường tan trong miệng tạo cảm giác mát rượi nơi đầu lưỡi.
 Một cây đác có buồng rất to. Ảnh: internet
Một cây đác có buồng rất to. Ảnh: internet
Nhân ngày nghỉ, tôi theo bác lên rừng tìm đác. Nơi có nhiều đác là eo núi Hòn Lớn, chỉ cách trại bác Tri chừng 2 km. Men theo con đường mòn đi rừng, trước mắt tôi hiện lên màu xanh lục khó lẫn của đác giữa đám cây rừng. Những cây đác này cao trên 10 m, thân to bằng một người ôm, những bẹ khô ôm từ gốc tới ngọn, dây leo quấn chằng chịt. Bác Tri cùng 3 người con nhìn lên những chùm quả dày chi chít đóng thành chuỗi, kết thành buồng to, rồi ước chừng cả buồng nặng trên vài tạ. Một người con trai của bác leo thoăn thoắt lên một cây rừng bên cạnh, chìa liềm cán dài cắt mấy quả rơi xuống để bác Tri ở dưới chặt ra kiểm tra. Theo kinh nghiệm, quả đác thường được khai thác khi hột bên trong có độ mềm vừa phải, nhai nghe sần sật; nếu quả non thì hạt nhão, không ngon. Mùa thu hoạch đác rộ nhất từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Sau tháng 6, hạt đác già, cứng, không ăn được.
Buồng đác sau đó được cắt rời khỏi cuống, rơi xuống đất. Mọi người xúm lại chất củi khô lên đống quả để đốt vì bên dưới quả có nhiều lông, rất ngứa; đồng thời quả đác phải được thui chín thì mới dễ lấy hạt. Khi ngọn lửa tàn cũng là lúc những quả đác cháy rụng cuống nằm thành đống, khói lên nghi ngút. Do đác còn nóng chưa thể kẹp lấy hạt được, bác Tri ngoắc tay ra hiệu cả nhóm tiếp tục đi tìm cây khác. Bên bìa khe nước ẩm ướt, những cây đác đứng chen chúc, quả oằn xuống tứ phía. Bác Tri chỉ về một buồng đác chen giữa 2 cây rồi nhắc anh con trai: “Cẩn thận, cây rậm rạp, ở phía bên kia buồng bị sóc và chuột ăn nhiều, chắc là có rắn”. Bác cầm cây sào, đầu có chĩa ba bằng sắt chọc vào thân, găm vào các bẹ khô xoắn lại kéo xuống khỏi thân để kiểm tra. Đúng như bác dự đoán. Một ổ rắn con nào cũng to bằng ngón chân cái, mình rằn ri, xám đen bò ra lổn ngổn. Chờ lũ rắn bò đi hết, không ai bảo ai, mọi người tự chặt cây làm giàn để leo lên cắt buồng. Khi buồng đác rơi xuống đất, tôi hăm hở tiến lại gần thì bỗng một con rắn to bằng cổ tay, đầu tam giác ngóc lên ngoe nguẩy. Bác Tri bảo, đó là những con rắn độc đang nằm phục săn mồi sóc, chuột đến ăn quả, nên đứng xa ra. Tiếp đó, lại một đống lửa nữa được đốt lên để thui những chùm quả đác. Rồi cả nhóm chúng tôi trở lại đống đác thui trước đó, bắt đầu dọn bãi sạch sẽ, lót lá, ni lông để tiến hành kẹp đác. Một người dùng rựa chặt vỏ đác, những người còn lại dùng một cây rừng bằng cổ tay chẻ làm đôi rồi cột chặt một đầu, sau đó đưa quả đác vào giữa kẹp mạnh khiến hạt đác trắng nõn bên trong văng ra. Mỗi quả đác chứa 3 hạt to bằng ngón tay út người lớn. Chiều xuống, chúng tôi gùi hạt đác về đổ vào thau để ngâm nước, khuấy rửa cho sạch, thay nước khoảng 5-7 lần cho hết nhớt mới ăn được.
Cây đác còn có tên gọi khác là cây báng, cây đoác, hay đoăk; tên khoa học là Arenga saccharifera Labill, thuộc họ dừa, mọc nhiều trong các khu rừng miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt xuất hiện dày ở nơi khe núi ẩm thấp. Thân cây to hơn cây dừa, lá xòe ra như tàu dừa dựng đứng, màu xanh lục, mặt dưới lá có màu trắng nhạt. Cây đác đơm bông kết trái từ tháng 11 đến tháng 3 Âm lịch. Quả đác có hình cầu màu xanh, to như quả táo. Phải là cây đác 10 năm tuổi trở lên mới cho quả. Sau khi thu hoạch, cây mất 3 năm mới tạo quả trở lại. Hạt đác và thốt nốt gần giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, hạt thốt nốt to hơn hạt đác, có màu trắng trong, còn hạt đác có màu trắng đục.
Theo các nghiên cứu khoa học, hạt đác rất giàu vitamin cùng các khoáng chất cần thiết. Với giá trị dinh dưỡng cao cùng mùi vị thơm ngon, loại hạt này đã trở thành thực phẩm tuyệt vời đối với sức khỏe, được dùng nhiều vào mùa hè. Bởi ngon miệng, lạ vị, hạt đác được chế biến thành nhiều món như hạt đác rim đường, sữa chua hạt đác, chè hạt đác…
Ngoài việc lấy quả, người dân các nơi còn tận dụng khoét thân cây đác lấy  “rượu đác” (loại thức uống gần giống với rượu) nên cây đác cho quả ngày càng càng thưa dần. Những năm gần đây ở các chợ, các quán không còn thấy xuất hiện loại hạt này. Có lẽ do mật độ khai thác dày mà phương thức bảo quản, nuôi trồng không có, cộng với rừng ngày càng bị thu hẹp nên hạt đác đã trở thành hoài niệm.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia: Tiện lợi cho người dân

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia, tiện lợi cho người dân

(GLO)- Hiện nay, người dân Gia Lai có thể khám bệnh với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tuyến trên ngay tại tỉnh. Không chỉ khám bệnh, các chuyên gia còn tiến hành phẫu thuật các ca bệnh khó, phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến tỉnh.

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Nghĩa An (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực di sản văn hóa

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực di sản văn hóa

(GLO)- Ngày 14-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký ban hành Quyết định số 352/QĐ-UBND về việc công bố danh mục và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) mới trong lĩnh vực di sản văn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm tưởng niệm vụ thảm sát tại Tân Lập năm 1947. Ảnh: Ngọc Minh

Di tích lịch sử địa điểm tưởng niệm vụ thảm sát tại Tân Lập năm 1947 được xếp hạng di tích quốc gia

(GLO)- Ngày 14-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định số 1010/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm tưởng niệm vụ thảm sát tại Tân Lập năm 1947 (xã Kông Bla, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Người dân xã Lơ Pang chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Ảnh: T.N

Lơ Pang khởi sắc

(GLO)- Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 17,29%, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt.

Giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề

Giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề

(GLO)- Ngày 9-4, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai và ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau các đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.