Chủ động từ các trường
Trường Cao đẳng Gia Lai hiện có trụ sở chính tại TP. Pleiku và các địa điểm đào tạo đứng chân trên địa bàn thị xã An Khê và Ayun Pa. Trường đào tạo đa ngành, nghề, đa trình độ từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến dạy nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và dạy nghề phổ thông với gần 7.000 học sinh, sinh viên đang theo học.
Theo Hiệu trưởng Phạm Văn Điều, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, những năm qua, nhà trường luôn chủ động, linh hoạt trong tổ chức triển khai chương trình đào tạo tại đơn vị. Trong đó, chú trọng vào các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của địa phương (thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, du lịch) và nhu cầu xã hội (công nghệ-kỹ thuật, thú y, may mặc, sức khỏe, văn hóa-nghệ thuật). Đặc biệt, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động để đảm bảo học viên ra trường có thể tìm được việc làm ngay.
Một tiết học của sinh viên lớp Bác sĩ thú y-Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm tại Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà |
“Với hơn 70% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhà trường luôn chú trọng đến định hướng đào tạo và đầu ra sau tốt nghiệp. Mục đích hướng đến là giúp các em dù dấn thân ở các tỉnh, thành phố lớn hay học xong quay trở về làng vẫn sống tốt với nghề. Sắp tới, nhà trường sẽ mở thêm mã ngành đào tạo nghệ thuật biểu diễn truyền thống trình độ sơ cấp gắn với đẩy mạnh đào tạo về du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số phát huy được sở trường, có môi trường làm việc ổn định sau này và gìn giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”-ông Điều cho hay.
Vừa hướng dẫn học sinh thực hành pha chế món nước chấm hải sản, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan-giảng viên Khoa Nghiệp vụ-Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) chia sẻ: “Tôi đang đảm trách giảng dạy kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế, cắm hoa, cắt tỉa rau củ quả, nghiệp vụ bàn… trình độ trung cấp cho 50 học sinh/2 lớp thuộc khóa 2021 và 2022. Đây là ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển du lịch của tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, ăn uống trên địa bàn. Đa số các em đều khá hứng thú trong học tập, nhất là khi được thực hành, trải nghiệm thực tế”.
Tương tự, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, khoa học trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho tỉnh Gia Lai, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Hàng năm, Phân hiệu xây dựng kế hoạch đào tạo và từng bước mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của địa phương.
Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu-thông tin: Hiện nay, Phân hiệu có 8 ngành đào tạo gồm: Nông học, Bác sĩ thú y, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Lâm nghiệp đô thị, Bất động sản, Công nghệ thông tin và Du lịch sinh thái. Trong đó, ngành Lâm nghiệp đô thị được chuyển đổi từ ngành Lâm học trước đây và ngành Du lịch sinh thái vừa được mở trong năm học 2022-2023 để phù hợp với nhu cầu học tập và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động của Gia Lai. Năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, Phân hiệu sẽ mở thêm ngành Công nghệ sinh học và xem xét đào tạo trở lại ngành Công nghệ thực phẩm. Cùng với đó, chương trình đào tạo cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng cắt giảm lý thuyết, tăng cường thực hành, trải nghiệm. Sinh viên sẽ được thực tập tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, phòng khám thú y, doanh nghiệp… xuyên suốt từ năm thứ nhất đến năm cuối để làm quen với ngành nghề. 5 năm qua, trên 90% sinh viên của Phân hiệu ra trường đều có việc làm ở khối nhà nước và doanh nghiệp, số còn lại chọn hướng tự khởi nghiệp.
Chọn nghề theo nhu cầu tuyển dụng
Bên cạnh sự linh hoạt thích ứng từ các cơ sở đào tạo với thị trường lao động, nhiều học sinh, sinh viên trong tỉnh cũng đã chủ động hơn trong lựa chọn ngành nghề. Từ chọn nghề theo sở thích, trào lưu, thậm chí là “chọn đại” theo bạn bè, giờ đây, các em đã biết đăng ký theo học ngành phù hợp với bản thân và điều kiện thực tế của gia đình, đảm bảo có công việc ổn định khi tốt nghiệp.
Em Rơ Mah H'Êm-sinh viên lớp Kỹ thuật chế biến món ăn (Trường Cao đẳng Gia Lai) bày tỏ: “Từ nhỏ, em đã thích nấu ăn nên học hết lớp 9, em đăng ký vào Trường Cao đẳng Gia Lai để vừa tiếp tục học văn hóa vừa học nghề. Sau khi ra trường, em dự định xin vào làm ở một nhà hàng hoặc khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku để tích lũy thêm kinh nghiệm. Tiếp đó, em sẽ mở một quán ăn của riêng mình để phục vụ bà con trong làng và du khách xa gần khi đến với Gia Lai”.
Sinh viên ngành Điện Công nghiệp (Trường Cao đẳng Gia Lai) thực tập tại một nhà máy điện mặt trời ở huyện Krông Pa. Ảnh đơn vị cung cấp |
Đồng quan điểm chọn ngành với bạn cùng trường, em Nguyễn Đức Hùng-sinh viên lớp Điện công nghiệp 2021-lý giải: Sở dĩ, em chọn theo học ngành Điện công nghiệp là vì Gia Lai có tiềm năng khá lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Mặt khác, ngành Điện công nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao, mức lương hấp dẫn sẽ giúp em có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Em yêu thích động vật và muốn chăm sóc cho chúng nên đã chọn theo học ngành Bác sĩ thú y. Hơn nữa, đây cũng là một ngành khá hot ở Gia Lai. Học xong, em có thể làm việc tại các trang trại chăn nuôi hoặc tự khởi nghiệp với một phòng khám gắn với các dịch vụ dành cho thú cưng”-em Nguyễn Hồng Hạnh-sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-vui vẻ nói.
Theo chia sẻ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong tỉnh, để tận dụng nguồn lao động có tay nghề được đào tạo tại địa phương, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến trường tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động theo nhu cầu. Thậm chí, một số đơn vị còn quyết định đầu tư cho sinh viên khá, giỏi từ năm học thứ 3 để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cho đơn vị mình. Ông Trần Văn Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toyota Gia Lai-cho hay: Hàng năm, chúng tôi đều có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề và luôn ưu tiên lực lượng lao động tại địa phương. Thời gian qua, Công ty và Trường Cao đẳng Gia Lai đã cùng nhau trao đổi, tạo điều kiện để nhiều sinh viên của trường đến thực tập và vào làm việc tại Công ty sau khi tốt nghiệp. Đa số các em có kiến thức khá chắc chắn, thích ứng và tiếp cận nhanh với công việc. Tôi đánh giá cao việc đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động tại chỗ, bởi nó không chỉ giúp các đơn vị doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn dễ dàng tuyển dụng lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường.