Giá đất 'đu' theo thông tin hạ tầng-Bài 2: Cẩn trọng với tin đồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá đất “sốt” gần đây có nguyên nhân chính là do đội ngũ “cò” thổi giá và tạo kịch bản sốt ảo, tạo tâm lý không mua sẽ tiếp tục tăng giá, vì vậy nhiều nhà đầu tư nhảy vào để “lướt sóng”.
 
Ki-ốt giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Hiện có hàng loạt trang mạng môi giới bất động sản đưa ra những phân tích cùng những bài viết về tiềm năng, lợi thế của những khu đất, lô đất sau khi các công trình hạ tầng trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, với những khẩu hiệu rất kêu: “Đảm bảo lời khi mua đất Nhơn Trạch”, “Bất động sản Tây Bắc trước cơ hội vàng”, “… kết nối trực tiếp với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương”… Nhưng họ lại không đưa ra cụ thể thời gian công trình hoàn thành. Bặm trợn hơn, nhiều “cò” đất còn chìa cho người mua xem những văn bản photocopy giả mạo cả con dấu, chữ ký lãnh đạo cơ quan chức năng, có ghi ngày tháng công trình này sắp khởi công, công trình kia sớm hoàn thành, để dụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.  
Cò” kiếm bộn tiền 
Giá đất “sốt” gần đây có nguyên nhân chính là do đội ngũ “cò” thổi giá và tạo kịch bản sốt ảo, tạo tâm lý không mua sẽ tiếp tục tăng giá, vì vậy nhiều nhà đầu tư nhảy vào để “lướt sóng” (mua bán đầu tư để kiếm lời chứ không có nhu cầu mua đất ở). Như ở Long An, từ đầu năm 2019, ngay sau khi “cò” đất tung tin đồn một phần các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc sẽ được nhập vào TPHCM và các cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành thì đất ở các khu vực này đồng loạt tăng giá phi mã. 
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia bất động sản có trụ sở đăng ký tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cảnh báo, nhiều “cò” đất tung tin đồn thổi giá đất lên cao hơn so với giá trị thực để kiếm lợi. Đầu năm 2018, giới bất động sản ở tỉnh Phú Yên và nhà chức trách cũng một phen lao đao vì đột nhiên giá đất ở ven biển ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) và một số địa phương ven biển TP Tuy Hòa và huyện Tuy An giá đất bắt đầu leo thang. Đặc biệt, khu vực ven biển thị trấn Hòa Hiệp Trung giá đất nền tăng lên gấp 3 - 5 lần. Từ khoảng 2 - 3 triệu đồng/m² tăng lên 50 - 60 triệu đồng/m². Thời điểm này, ở các địa phương trên xuất hiện một nhóm người liên kết, móc nối với nhau tạo tin đồn, ven biển phía Bắc Phú Yên gần với Đặc khu kinh tế Bắc Vân (Khánh Hòa) nên đến tìm đất mua để “lướt sóng”.
Trong một quán cà phê, chúng tôi nghe được ở bàn bên cạnh, một “cò” đất tên T. (37 tuổi) đang hướng dẫn em út. Ông ta khoe rằng, mình có thể “làm giá” bất cứ lô đất nào, chỉ bằng cách cho đội ngũ “cò” chuyên nghiệp la cà khắp các quán cà phê để tung tin giá bán về sản phẩm đó, thậm chí tiến hành giao dịch giả để thu hút khách hàng thật. “Cò” T. cũng nói: “Ráng làm nghề này, vài năm kiếm bộn tiền đó. Chỉ tháng vừa qua, anh đã “quất” được 3 lô, kiếm hơn 100 chai (triệu đồng)”.  
Ông Đ.V.T, một cán bộ đang làm việc ở Long An, kiêm “cò” đất, cho biết: Nhờ thị trường nhà đất sôi động trong thời gian qua mà mỗi tháng ông kiếm cũng được vài chục triệu đồng, thậm chí có tháng “được kèo thơm”, kiếm vài trăm triệu đồng. Ông T. làm “cò” bắt mối “mua - bán” cho các nhà đầu cơ “lướt sóng”. Có miếng đất, trong vài tháng đầu năm 2019, ông “làm kèo” mua qua bán lại cả 5 - 6 lần, giá đất từ 1,2 tỷ đồng ban đầu nay được rao tới 6 tỷ đồng.  
“Chúng tôi cũng chỉ biết thông tin các dự án hạ tầng thông qua báo chí, còn cụ thể bao giờ làm, quy hoạch ra sao… thì chúng tôi chịu. Khi có thông tin dự án, mọi người đưa giá lên thì mình cũng đưa, có hiện tượng lây lan tâm lý”, một nhà đầu tư cho biết. Tự tin hơn, một nhà đầu tư “lướt sóng” tên Lan nói: Tôi chỉ tìm mua những dự án pháp lý rõ ràng, có sổ đỏ, được phép xây nhà ngay, giá phải chăng. Tôi không nghe ai đồn đại, mà tham khảo rất kỹ nhiều nguồn thông tin, tự dự đoán tình hình và luôn đặt câu hỏi: “Ai sẽ mua lại miếng đất này của mình và khi nào?”. Vì vậy, mặc dù lời không nhiều, chủ yếu “lấy công làm lời”, thời gian vừa qua, tôi cũng kiếm được đôi chút, với tỷ suất lợi nhuận khoảng 7%/tháng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trở lại 2 dự án: Cầu Cát Lái và đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Thực ra, 2 dự án này là có thật, tuy nhiên để từ quy hoạch đến thực hiện là một quá trình có thể lâu dài. Cụ thể, tại buổi làm việc về dự án cầu Cát Lái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh mới chỉ đề xuất hình thức đầu tư để thống nhất với lãnh đạo TPHCM, từ đó kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt. Theo lãnh đạo 2 địa phương, dự án thì quả là cần thiết, cấp bách cho 2 địa phương, nhưng thủ tục không thể nhanh được, nhất là những hạng mục phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, phải rất chặt chẽ. Hay dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cả 2 phía TPHCM và Tây Ninh cũng chỉ mới thống nhất phương thức đầu tư và kiến nghị các bộ ngành trung ương xem xét.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phân tích, bất động sản huyện Nhơn Trạch có tiềm năng rất lớn. Thứ nhất, biên độ tăng giá còn dài. Thứ hai, khu vực này có nhiều tiềm năng để tăng giá, như cầu Cát Lái, sân bay Long Thành, nếu được triển khai đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem kỹ quy hoạch của bất động sản mình muốn mua, không nên mua theo phong trào, hám rẻ, sẽ dễ dính bẫy lừa đảo. Nhiều khu đất nền được gắn mác dự án nhưng thực chất chỉ là đất phân lô, tách thửa, có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Ngoài ra, nhiều công ty môi giới còn mạo danh chủ đầu tư một số dự án ở đây để lừa đảo khách hàng. 
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khẳng định, tất cả dự án tại Điện Nam - Điện Ngọc chỉ mới bắt đầu, phía trước còn rất nhiều thủ tục cần hoàn tất như vốn, giải tỏa đền bù… Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cũng đưa ra những cảnh báo cẩn thận trước thông tin về đầu tư các dự án trên địa bàn thị xã Điện Bàn của giới “cò” hòng đẩy giá đất kiếm lợi. 
Ở TP Đà Nẵng, trước những cơn thổi giá đất, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở TT-TT, Sở Tư pháp và UBND các quận huyện về chấn chỉnh hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai trên địa bàn. 
Theo Sở Xây dựng Long An, có nhiều dự án triển khai ồ ạt, rồi rao bán trên các trang mạng… nhưng chưa thực hiện đủ các thủ tục theo quy định. Thậm chí, có dự án chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng vẫn rao bán đất nền nhà ở… “Vấn đề này, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đúng theo quy định trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An, cho biết.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, đầu tư bất động sản theo các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cần có chiến lược lâu dài, căn cơ, chứ khó có thể nghe theo “cò” mà “lướt sóng” được.
Không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... theo quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý 3-2019.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha theo quy định và do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23-4-2019, về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Nhóm PV (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.