Riêng với các hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh, các trại viết, lớp tập huấn chính là khoảng lặng cần thiết, giúp họ bứt ra khỏi đời sống thường nhật để thật sự đắm mình vào thế giới văn chương, nâng cao năng lực tư duy, cảm thụ.
Vừa trở về từ trại viết của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa) và trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tổ chức tại tỉnh Sơn La), nhà thơ Đào An Duyên chia sẻ cảm xúc: “Những trải nghiệm thực tế góp phần rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm văn chương, nhất là những tác phẩm có giá trị. Thực tế đã chứng minh, những tác phẩm văn chương đọng lại vững bền nhất khi chuyển tải được hơi thở của thời đại”.
Tác giả Đào An Duyên cho hay, gần như năm nào chị cũng được tham dự các trại sáng tác hoặc các chuyến đi thực tế. Sau mỗi chuyến đi, ít nhiều chị đều công bố những sáng tác mới. “Tôi nhận thấy, những chuyến đi không những giúp mình có thêm trải nghiệm mới mẻ về vùng đất, con người nơi mình đến, mà còn góp phần nuôi dưỡng cảm xúc để mình hào hứng hơn với những trang viết. Có trại mời các nhà văn nổi tiếng về nói chuyện, giúp tôi thấy mình cứng cáp hơn, có nhiều vốn sống hơn. Đây là “của để dành”, sẽ dùng đến trong suốt cuộc đời cầm bút chứ không chỉ trong và sau mỗi chuyến đi”-nhà thơ Đào An Duyên nêu quan điểm.
Nhà thơ Thuận Ánh (thứ 3 từ trái sang) và Lê Vi Thủy (thứ 2 từ phải sang) cùng các giảng viên tại hội nghị tập huấn tổ chức ở Đak Lak. Ảnh: L.N |
Đang có mặt tại một trại viết khác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tổ chức ở tỉnh Ninh Bình) là nhà thơ Lữ Hồng. Với chị, cuộc hạnh ngộ này rất đáng quý bởi đây là lần đầu tiên chị được đến với “sân chơi” uy tín này. Điều khiến chị thật sự ấn tượng khi đến với đất cố đô chính là nét hữu tình của cảnh sắc thiên nhiên, những giá trị lịch sử, di sản văn hóa được hội tụ từ ngàn năm trước và đặc biệt là tấm chân tình của người miền Bắc.
Chị bày tỏ: “Cảm hứng và chất liệu trong sáng tác bao giờ cũng đến từ 2 nguồn chính: sách vở và cuộc sống. Nếu thiếu 1 trong 2, người viết sẽ khó lòng tiến xa. Để đi đường dài với văn chương thì nội lực của người viết là chuyện “sống còn”, nhưng việc được tham gia các trại sáng tác văn học như thế này sẽ giúp “gia cố” nội lực ấy, biến chúng thành một trường lực”.
Cùng với đó, Hội VHNT tỉnh cũng cử hội viên tham gia nhiều chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực tư duy, cảm thụ và sáng tạo. Gần đây nhất là hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) từ ngày 8 đến 11-8.
Nhà thơ Thuận Ánh-hội viên Hội VHNT tỉnh điểm qua những điều đáng nhớ: “Chương trình tập huấn có 6 chuyên đề chủ đạo, mỗi chuyên đề đều được các giảng viên dẫn dắt rất lôi cuốn. Qua 4 ngày học tập, tôi đã được nắm bắt những nội dung, những xu hướng mới của VHNT hiện nay”. Chị cũng cho hay, chuyên đề cuốn hút nhất đối với chị là “Công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của VHNT trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa”. Đây là một nội dung rất mới, khẳng định giá trị kinh tế của VHNT nếu thật sự chú tâm và biết cách khai thác.
Từng tham gia một số trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam… và cũng vừa trở về từ hội nghị tập huấn nêu trên tại Đak Lak, nhà thơ Lê Vi Thủy khẳng định: “Các trại viết, lớp tập huấn là cơ hội để tôi được học tập, giao lưu, có thêm kinh nghiệm. Trong các chuyến đi, tôi quen được nhiều cô chú, anh chị đi trước, những người chỉ bảo rất tận tình, giúp tôi có thêm niềm tin vào bản thân, giúp tôi “giữ lửa” cũng như “gia cố” thêm sức bền trên hành trình viết không phải lúc nào cũng bằng phẳng của mình”.
Theo nhà thơ Lê Vi Thủy, hội nghị đã thổi được làn gió mới vào đội ngũ sáng tác VHNT, tạo động lực, khích lệ khiến người viết ý thức được trách nhiệm của mình và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa. “Những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khiến người cầm bút phải tự vấn: Chúng ta liệu có đang lặp lại, sáo mòn? Cần tìm ra con đường nào phù hợp, góc nhìn nào phù hợp với thời đại? Đây là những câu hỏi khó, khiến các tác giả hiện nay phải suy nghĩ”-nhà thơ Lê Vi Thủy nêu trăn trở.
Nhà thơ Đào An Duyên (hàng sau, thứ 4 từ trái sang) tại trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh NVCC |
Hiệu quả mang lại từ các trại viết, lớp tập huấn đã rõ. Cùng với đó, thời gian gần đây, Hội VHNT tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh để làm giàu thêm vốn sống cho hội viên. Tuy nhiên, theo nhà thơ Đào An Duyên, có một thực tế cần nhìn nhận, đó là “chúng ta thật sự chưa tận dụng, phát huy được hết hiệu quả của những chuyến đi thực tế. Việc đi tham quan, thực tế đang bị nghiêng về việc chúng ta đi nhìn ngắm, check-in, chụp ảnh thư giãn như kiểu du lịch giải trí. Chúng ta chưa thật sự dấn thân vào những trải nghiệm về đời sống con người, về tâm tư tình cảm, về những diễn biến của đời sống hiện đại, về những yếu tố tác động đến văn hóa-xã hội… Có lẽ vì lý do đó mà chúng ta chưa thực sự tạo ra được những tác phẩm có chất lượng chăng?”.
Vì vậy, làm gì để không lãng phí những chuyến đi là câu hỏi mà mỗi tác giả cần trả lời bằng chính kỷ luật bản thân trong quá trình thực tế, sáng tạo.