(GLO)- Hiện nay, bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh tại xã Tân An, huyện Đak Pơ và phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Trước tình hình phức tạp này, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành tăng cường các biện pháp phòng-chống bệnh cúm gia cầm theo các Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 18-2-2014 và số 10/CĐ-UBND ngày 27-2-2014 để kịp thời ngăn chặn cúm A(H5N1) bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tạm thời dừng việc mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ huyện, thị xã, thành phố này sang huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh. Tạm dừng nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh khác vào Gia Lai cho đến khi có chủ trương mới, tạm dừng việc mua bán gia cầm sống tại các chợ, trung tâm thương mại. Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, mua bán, trao đổi, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập từ các nước khác vào tỉnh ta bao gồm các hình thức cho, tặng.
Ảnh: Tú Uyên |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP. Pleiku cũng đã có công văn chỉ đạo yêu cầu tạm dừng việc bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống tại các chợ, trung trâm thương mại. Thế nhưng sáng 7-3, chúng tôi dạo quanh các chợ và Trung tâm Thương mại TP. Pleiku thì tình trạng buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm diễn ra khá “sôi động”. Có mặt tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku)-vùng xuất hiện cúm A(H5N1) đầu tiên trên địa bàn thành phố, tình trạng gia cầm sống hoặc đã làm lông sẵn vẫn được bày bán công khai, tràn lan khắp chợ. Những người bán buôn gia cầm vẫn bình thản đến mức thờ ơ như chưa hề có dịch. Trao đổi với chúng tôi, một người bán gia cầm tại chợ Hoa Lư nói: “Gà này chúng tôi lấy tại xã Chư Á (TP. Pleiku) nên đảm bảo không có dịch. Chú yên tâm đi”.
Không chỉ riêng chợ Hoa Lư, tại Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, theo quan sát của chúng tôi tình trạng, thực trạng mua bán gia cầm sản phẩm gia cầm một cách công khai mà không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các cấp có thẩm quyền. Khi chúng tôi hỏi gà bán có nguồn gốc từ đâu. Chị bán gà nhanh nhảu trả lời: “Gà tôi lấy từ một nhà người quen trên đường Quyết Tiến (TP. Pleiku) đảm bảo là không có dịch bệnh gì. Nếu gà bị bệnh thì màu da khác hẳn còn đây gà vàng ươm có sao đâu mà lo”. Khi chúng tôi nói đến việc cấm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh và UBND TP. Pleiku thì những người buôn bán mặt hàng này không hề hay biết gì. Điều này chứng tỏ, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chỉ đạo của cấp trên đến các hộ kinh doanh buôn bán hình như không có(?!).
Ảnh: Tú Uyên |
Một điều đáng ghi nhận là nhận thức của người dân nâng cao rõ rệt. Mặc dù gia cầm, sản phẩm gia cầm được bày bán dao động khoảng 120.000 đồng/kg là không cao nhưng rất ít người mua vì tâm lý lo sợ gà bị nhiễm cúm A(H5N1). Thiết nghĩ, trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, UBND TP. Pleiku để ngăn chặn dịch cúm bùng phát, hơn ai hết các Ban Quản lý chợ và UBND các xã, phường cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên để “dẹp” tình trạng mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tràn lan hiện nay tại các chợ.
Anh Khoa-Tú Uyên