Ghép gan thành công cho em bé sinh non bị suy gan giai đoạn cuối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa thực hiện thành công ca ghép gan kéo dài 15 giờ đồng hồ, cứu sống bé trai sinh non 3 tháng bị suy gan giai đoạn cuối.

 
Các bác sĩ đang tiến hành ghép gan cho bệnh nhân
Các bác sĩ đang tiến hành ghép gan cho bệnh nhân



Chiều 19-6, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, BV vừa thực hiện một ca ghép gan kéo dài 15 giờ đồng hồ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp ăn ý của ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức cứu sống bé trai sinh non 3 tháng bị suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, báng bụng, vàng da nặng.

Hiến gan vì thương cháu

Bệnh nhân là bé D.C.M, (sinh năm2018, là con đầu lòng của vợ chồng chị N.C.T.T, 32 tuổi, hiện ngụ tại quận 3), bé sinh non lúc chỉ mới ngoài 6 tháng tuổi do vỡ ối sớm. 1 tháng 10 ngày sau sinh, khi bé đang được điều trị ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) thì phát hiện thêm tình trạng vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. Dù bé đã được phẫu thuật Kasai để điều trị nhưng tình trạng diễn tiến xấu nên gia đình đã chuyển bé sang BV Nhi Đồng 2, mong tìm một cơ hội sống cho bệnh nhi.

Ngày 3-6, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé trong tình trạng bị viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, báng bụng, vàng da nặng. Dù bé được các bác sĩ của Khoa Tiêu hóa điều trị tích cực bằng nhiều loại kháng sinh mạnh cùng lúc nhưng không hiệu quả, nên hội đồng chuyên môn bệnh viện, với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc BV và GS.BS Trần Đông A chỉ định phải ghép gan bán khẩn cho bé, nếu không bé sẽ có nguy cơ tử vong sớm.

Người cho tạng ban đầu được chọn lựa là bố ruột bé. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện người bố bị gan nhiễm mỡ, không phù hợp chỉ định cho gan. Người kế tiếp tình nguyện cho gan để cứu sống cháu chính là ông nội D.V.L, (56 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) dù ban đầu ông khá lo lắng vì chưa từng nằm viện hay phẫu thuật. Thương cháu, cùng với sự giải thích tận tình từ GS.BS Trần Đông A, ông đã lập tức đồng ý cho 1 phần gan của mình và bỏ ngay những thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu… để gan được hồi phục tốt nhất trước khi cuộc ghép được tiến hành.

Dù có rất nhiều kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật ghép tạng nhưng trong quá trình phẫu thuật, cả ê kíp phẫu thuật cũng phải tập trung cao độ do động mạch gan trái của người cho lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ nên khi bóc tách phân thùy gan 2, 3 tương đối khó khăn. Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông nên ê kíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối.

Nhờ vậy mạch máu không bị gập, mạch máu lưu thông tốt. Tuy nhiên, vấn đề gây trở ngại tiếp theo là bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng nên ê kíp phẫu thuật phải nong ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque– một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật.

Sau khi ghép gan 2 tuần, bệnh nhi được phẫu thuật lấy tấm plaque ra và khâu phục hồi thành bụng. Tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng huyết cải thiện, huyết động ổn định, chức năng gan cải thiện dần. Bé tỉnh táo, ăn uống tốt. Bệnh nhi tiếp tục được các bác sĩ điều trị, theo dõi chặt chẽ cũng như có chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp để phát triển thể chất, vận động. Một tháng sau ghép gan, men gan tăng nhưng kết quả sinh thiết gan là thoái hóa mỡ 10%, chưa đủ chẩn đoán thải ghép cấp. Lúc này, xét nghiệm gần nhất cho thấy men gan có cải thiện hơn. Sau ghép 2 tháng, bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen xạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng – ông nội bé – cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.

Theo GS.BS Trần Đông A nhận định, đây là 1 trong 2 ca nặng nhất mà bệnh viện đã tiếp nhận, nếu không được ghép gan kịp thời chắc chắn sẽ tử vong sớm. “Chúng tôi mong muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho gia đình cháu nên cả ê kíp đã hết sức tập trung chuyên môn cũng như vận động sự hỗ trợ từ bạn bè thế giới. Thành công của ca này cũng như của các ca trước đây giúp chúng tôi có thêm động lực phấn đấu để có thêm nhiều bé được cứu chữa kịp thời”- GS.BS Trần Đông A cho hay.

Đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo

Từ thành công của các ca ghép tạng nhi tại bệnh viện, nhân dịp này, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 cho biết, hơn mười năm qua, bệnh viện đã thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 12 ca ghép gan, tuy nhiên số ca ghép tạng còn rất “khiêm tốn” so với nhu cầu cần ghép thật sự của các bệnh nhi bị suy gan, suy thận. Lý do là các bệnh nhi và gia đình không đủ khả năng tài chính để “theo đuổi” việc ghép tạng. Chi phí cho 1 ca ghép tạng có thể tốn kém từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức chung tay thành lập “Quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo” để có thêm nhiều bệnh nhi có cơ hội được cứu sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Mong rằng Quỹ này sẽ hỗ trợ cho gia đình các bé những vấn đề liên quan đến tài chính để gia đình có thể an tâm “chiến đấu” cùng con, không chỉ là trong quá trình ghép tạng mà còn chặng đường dài chống thải ghép, hồi phục… sau đó.

Được biết với sự quan tâm và chỉ đạo từ UBND TPHCM, sắp tới BV Nhi Đồng 2 sẽ tiến hành xây dựng khu Trung tâm phẫu thuật kỹ thuật cao (toà nhà 10 tầng), trong đó có một phần lớn phục vụ cho phẫu thuật và ghép tạng cho trẻ em.

THÀNH SƠN (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...