Gặp nhà thơ Hữu Loan ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 1988, tôi đang làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai-Kon Tum thì được các bạn bên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh cho biết: Nhà thơ Hữu Loan đến phố núi Pleiku và muốn gặp anh chị em văn nghệ sĩ.

Mừng quá, tôi liền đến Thư viện Trường THPT Pleiku để gặp nhà thơ mà mình mến mộ từ khi còn học phổ thông với bài “Màu tím hoa sim”. Hồi đó, Thư viện nhà trường nằm trong khuôn viên nhà thờ Thăng Thiên.

Khi còn đi học, các tài liệu về nhà thơ Hữu Loan rất hạn chế, chủ yếu qua vài dòng thông tin ngắn gọn của thầy-cô giáo. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết cuộc đời của ông khá lận đận, nhất là sau khi bài thơ “Màu tím hoa sim” công bố và nó được xem như hiện tượng trên thi đàn lúc bấy giờ, cũng là lúc ông gặp trắc trở trên đường đời.

Sau đó, các nhạc sĩ: Dzũng Chinh, Phạm Duy… đã phổ nhạc bài thơ này. Bài hát nhanh chóng được truyền bá rộng rãi từ Bắc đến Nam và trong thời chiến, không ai không ngâm ngợi vài câu: “Lấy chồng thời chiến binh/Mấy người đi trở lại/Nhỡ khi mình không về/Thì thương người vợ chờ/Bé bỏng chiều quê”.

Bút tích của nhà thơ Hữu Loan. Ảnh: B.Q.V

Bút tích của nhà thơ Hữu Loan. Ảnh: B.Q.V

Hôm ấy, trong khán phòng của Thư viện có khoảng 20 anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh hồi hộp ngồi đợi nhà thơ Hữu Loan đến. Hầu hết chúng tôi chưa mấy người được gặp mặt nhà thơ Hữu Loan mà chỉ nghe danh. Ngoài tài thơ, ông còn là người có cá tính mạnh và đầy nghị lực với biệt danh là “khối gỗ vuông không bao giờ đẽo tròn” được…

Anh em đang chuyện trò râm ran trong phòng thì ngoài cửa xuất hiện cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ cùng với vài nhà văn, nhà thơ khác bước vào. Mọi người bỗng im lặng, không ai bảo ai đều đứng dậy chào nhà thơ Hữu Loan. Năm đó, nhà thơ Hữu Loan đã hơn 70 tuổi, nhưng trông ông còn khỏe mạnh và minh mẫn.

Sau đôi lời giới thiệu, nhà thơ Hữu Loan bắt đầu câu chuyện của mình xoay quanh hoàn cảnh ra đời những bài thơ của ông. Đây là chuyến đi đầu tiên vào phía Nam của ông kể từ sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt đối với Gia Lai-Kon Tum thì là lần đầu tiên ông đặt chân đến. Mở đầu câu chuyện, ông cho biết mình đã “ẩn cư” hơn 30 năm, mọi thứ đều đổi thay khá nhiều. Bây giờ là thời kỳ đổi mới, văn chương cũng bắt đầu có cái nhìn thông thoáng hơn…

Ông kể, bài thơ “Màu tím hoa sim” được viết khi nỗi đau mất vợ mới cưới đã giằng xé trái tim ông suốt một thời gian dài mà không dám thổ lộ cùng đồng đội vì sợ làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Lúc bấy giờ, ông là Chính trị viên tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 304 đang đóng quân ở Nghệ An. Sau đó, trong một đợt chỉnh huấn toàn quân, cấp trên cho phép “ai có tâm sự vui buồn gì thì nói ra cho hết”.

Vậy nên, Hữu Loan được dịp bày tỏ nỗi lòng quặn thắt lâu nay về niềm đau mất vợ. Ông không cần suy nghĩ gì, cầm bút lên là viết một mạch: “Nàng có ba người anh đi bộ đội/Những em nàng/Có em chưa biết nói/Khi tóc nàng xanh xanh”.

Ông viết bài thơ này trên chiếc quạt cầm tay. Sau đó, ông gửi chiếc quạt lại cho một đồng đội cùng đơn vị. Đồng đội của ông đã đọc và chuyền tay nhau chép bài thơ. Rồi bài thơ đã được đăng đầu tiên trên tuần báo Trăm Hoa do nhà thơ Nguyễn Bính làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Người vợ yêu của ông cũng là “nàng thơ” trong bài là bà Lê Đỗ Thị Ninh, con nhà gia thế ở ấp Thị Long (Nông Cống, Thanh Hóa) cũng là người học trò nhỏ của Hữu Loan khi ông được mời về làm gia sư cho nhà họ Lê Đỗ. Năm ấy, bà mới 17 tuổi và duyên phận đã kết nối ông với người con gái ấy: “…Tôi người Vệ quốc quân/Xa gia đình/Yêu nàng như tình yêu em gái/Ngày hợp hôn/Nàng không đòi may áo mới/Tôi mặc đồ quân nhân/đôi giày đinh/bết bùn đất hành quân/Nàng cười xinh xinh/bên anh chồng độc đáo/Tôi ở đơn vị về/Cưới nhau xong là đi”.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, từ đơn vị, ông đã nhận được tin dữ (đó là ngày 25-5 âm lịch năm 1948), vợ ông đã mất trong khi nàng giặt áo và không may chiếc áo tuột khỏi tay, nàng cố với theo rồi trượt chân trôi theo dòng nước dữ: “Nhưng không chết/Người trai khói lửa/Mà chết/người em gái nhỏ hậu phương/Tôi về/Không gặp nàng/Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/Chiếc bình hoa ngày cưới/thành bình hương/tàn lạnh vây quanh”.

Năm 2004, bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan đã được Công ty Vitek VTB mua bản quyền với giá 100 triệu đồng. Khi đó, ông gần 90 tuổi và dùng số tiền này chia đều cho các con và dành một ít in tập thơ Hữu Loan với 40 bài.

Hôm nghe nhà thơ Hữu Loan nói chuyện, tôi được tặng cuốn tạp chí Lang Bian số 3, trong đó có in lại bài “Đèo Cả” của ông. Nhưng do sơ suất đã in thiếu một khổ trong bài thơ. Tôi có nhờ ông ghi đoạn thơ ấy bên bài thơ “Đèo Cả” trong cuốn tạp chí. Và đến nay, tôi vẫn còn giữ cuốn tạp chí có bút tích của ông như một kỷ niệm khó quên với nhà thơ mình yêu quý.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.