(GLO)- Ông được người Đà Lạt gọi là nghệ nhân, là nhà khoa học, là “Phù thủy các loài hoa”… nhưng ông tự nhận mình chỉ là một nông dân “gàn” có một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại trong từng giấc ngủ: Làm thế nào để những bông hoa trở thành bất tử?
Kỷ lục bức tranh hoa tươi lớn nhất
Ông là Nguyễn Công Hóa-một người trồng hoa ở làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP. Đà Lạt. Nhà ông nằm sâu trong hẻm nhỏ giữa bạt ngàn hoa. “Trụ sở nghiên cứu” của ông cũng nằm vẻn vẹn trong ngôi nhà nhỏ ấy.
Bước vào phòng khách, tôi bị choáng ngợp bởi những bông hoa hồng đủ màu sắc. Hoa hồng màu tím, xanh lam, xanh lục, xanh đọt chuối, cam lửa, vàng tươi... Không chỉ dừng lại ở bảy sắc cầu vồng, những bông hồng màu đen tuyền tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết giờ có mặt tại nhà ông. Trên tường treo vô số những bức tranh nghệ thuật được làm bằng hoa tươi nhưng có thể tồn tại 5-10 năm.
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa bên bức tranh hoa ướp tươi độc đáo. Ảnh: Nguyễn Giang |
Hoa đẹp nhưng sớm nở tối tàn. Ấy vậy mà gã nông dân “gàn” Nguyễn Công Hóa đã làm được một phép màu khiến những bông hoa hồng có thể thở thành bất tử. Những bông hồng hái từ vườn, mang vào “trụ sở nghiên cứu”, được trải qua tám công đoạn ướp tươi, sau 12 ngày sẽ trở thành bất tử với đủ loại màu sắc lạ mắt. Ông Hóa bảo muốn “giữ được hồn cho hoa” phải hiểu rõ từng tế bào, từng sắc tố của hoa. Ông đưa cho tôi một bông hoa hồng màu xanh lam tuyệt đẹp. Cánh hoa mềm mại, có sự đàn hồi, màu sắc tươi tắn như mới được hái từ vườn vào. Tôi hoài nghi về thời gian lưu giữ buột miệng hỏi: “Bông này chắc ông mới làm?”. Ông cười rạng rỡ: “Bông hoa cô đang cầm tôi lưu giữ gần 5 năm rồi đó”. Để làm được điều kỳ diệu ấy ông nói phải giữ được “mạch máu” trong từng cánh hoa.
Năm 2007, ông làm 3 bức tranh bằng hoa ướp tươi triển lãm tại Festival hoa. Ba bức tranh ấy ngay lập tức được một Việt kiều Pháp mua với giá 700 triệu đồng, tất cả số tiền được ủng hộ cho quỹ vì người nghèo. Ông vui vì sản phẩm của mình được đón nhận và góp chút công cho xã hội. Một niềm vui nữa khi ông biến một bông hoa có giá chỉ 200 đồng lên 25 ngàn đồng/bông khi bán trong nước và có giá 2-2,5 USD khi xuất ra nước ngoài.
Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “ Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài”. Năm 2011, trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sản phẩm bức tranh hoa tươi của nông dân Nguyễn Công Hóa với 1.000 bông hoa ướp tươi, cao 1,75 mét, rộng 2,4 mét lại được Trung tâm Sách kỷ lục công nhận là “Bức tranh hoa tươi lớn nhất, có số lượng hoa nhiều nhất đầu tiên tại Việt Nam”.
Mới đây, ông đã nghiên cứu thành công kỹ thuật tạo đột biến sắc tố trên cây hoa hồng ngay khi hoa còn đang ở trên luống. Theo đó, ông sẽ can thiệp khiến màu sắc bông hoa biến đổi theo ý muốn, tạo ra trên từng cánh hoa những đường viền, hoa vân, màu sắc lạ mắt trong khi cây hoa vẫn phát triển bình thường. Kỹ thuật mới này đang được ông làm hồ sơ đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ...
Ánh hào quang ướt đẫm mồ hôi
Tôi hỏi ông từ đâu mà có ý tưởng ướp hoa tươi độc đáo như thế. Ông đăm chiêu rồi nói: “Có lẽ vì cuộc sống của người nông dân cơ cực quá”. Làm ra một bông hoa đâu có dễ dàng gì mà chỉ thu về với giá quá rẻ mạt. Một bông hoa hồng giá trên thị trường có thể từ vài chục ngàn đồng trở lên nhưng giá các thương lái thu mua của nông dân chỉ ở mức 200 đồng-1.000 đồng.
Khi có một người bạn từ nước ngoài về mách với ông có loại hoa ướp tươi, lưu giữ được rất lâu mà giá bán lại rất cao. Ông nhờ bạn mua gửi về cho ông một bông, khi nhìn thấy ông đã bị hút hồn bởi sự tươi tắn của nó dù bạn ông nói bông hoa ấy đã được làm cách chừng vài ba năm. Ông bắt đầu lật tung từng trang mạng, không hề có một tài liệu nào. Ông tìm đến một vài vị giáo sư, tiến sĩ, họ cũng có nghe nói nhưng không biết.
Ông quyết tâm mày mò như một người mù tự tìm thuốc chữa mắt cho mình. Ròng rã 5 năm trời, ông tự đi tìm các loại thuốc, máy móc, thử nghiệm và phá hỏng hàng chục ngàn bông hoa hồng. Ông nhốt mình trong phòng thí nghiệm cùng với những bông hoa, càng thất bại ông càng quyết tâm tìm cho ra công thức. Cứ như vậy, trong 5 năm thất bại nối tiếp thất bại. Ông bảo lúc ấy ông chỉ như một cái máy biết thay chất này, đổi chất kia. Đến năm 2003, sức lực đã cạn kiệt, vợ con phản đối kịch liệt thì một bông hoa, chỉ một bông hoa trong hàng trăm bông hoa màu đỏ trong ống nghiệm cho ông một tia sáng cuối đường hầm.
Sau một tháng, bông hoa ấy vẫn tươi tắn như mới được hái từ vườn vào. Ông như một người điên lao vào làm nhưng tiền trong nhà đã hết sạch. Ông đi vay bạn bè 50 triệu đồng làm 3.000 bông hoa hồng. Kết quả thất bại thảm hại, hoa chỉ để được một thời gian ngắn thì bị xuống màu và hỏng. Đến lúc này ông vẫn rất bình tĩnh và phát hiện còn thiếu một công đoạn. Ông phải tìm cho ra. Ông lại vay tiền thử nghiệm trên 300 bông hoa, lúc này người trong nhà chẳng ai thèm nói với ông một lời vì họ giận. Đến tháng 4-2005, những bông hoa vẫn tươi nguyên, màu sắc vẫn sắc sảo như mới sau 6 tháng để trong điều kiện tự nhiên. Lúc này ông không còn biết cảm xúc của mình, nói đúng hơn là ông không dám mừng vì sợ, sợ lại thất bại. Nhưng trời không phụ công người, ông đã thành công.
Những bông hoa ướp tươi với nhiều màu sắc mới lạ mang thương hiệu Nguyễn Công Hóa được yêu mến. Những bạn trẻ thích thú khi có những bó hoa cưới cùng màu với váy cưới dù là xanh hay tím. Điều quan trọng hơn khi họ có thể lưu giữ kỷ niệm dài lâu của ngày hạnh phúc. Mới đầu chỉ những người yêu hoa chuyền tay nhau rồi những đơn đặt hàng đến từ Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc… Và người nông dân “gàn” ấy vẫn không ngừng sáng tạo dù giờ đây ông đã ướp tươi thành công hàng chục loại hoa lá khác nhau.
Nguyễn Giang