“Em không thể nói lời từ biệt”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi rời Pleiku, cũng lâu lâu rồi, hễ có dịp là Đào Phong Lan lại tìm cách trở về. Tôi vài lần làm tài xế cho Đào Phong Lan lang thang Gia Lai, lên cả Kon Tum, vài lần làm hướng dẫn viên online khi chị muốn đưa bạn bè về Pleiku ngắm dã quỳ. Và mới đây, chị về lại Gia Lai trong tư cách thi sĩ khi trình làng tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).

Thực ra, tên chị, thơ chị vẫn thường được mọi người nhắc đến, nhất là trong những cuộc vui, liên hoan tập thể, khi một ai đó cất lên tiếng hát “Đêm trong veo/nhà rông bập bùng ánh lửa/cô gái Jrai hát câu gì/mà trăng nhô lên”. Mọi người không ai bảo ai đều tay trong tay cùng hòa vào vòng xoang tập thể, có thể ở làng, có khi trên phố, giữa bãi cỏ rộng hay trong phòng nhỏ, có thể ở Gia Lai hoặc một tỉnh, thành nào đấy... Rồi thế nào cũng có người nhắc đến chị, bởi Đào Phong Lan chính là tác giả lời của bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên” mà mọi người đang hát.

Tôi từng là người được theo dõi Đào Phong Lan từ những bước chập chững đầu tiên của nghiệp viết. Hồi ấy, chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi thực tế, những trại mini cho thiếu nhi, Đào Phong Lan luôn là cái tên đứng thứ tự đầu tiên trong danh sách được mời.

Bìa tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”. Ảnh: Đ.P.L

Bìa tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”. Ảnh: Đ.P.L

Thuộc típ người hiện đại và cũng còn trẻ, nhưng thơ chị lại rất truyền thống. Sự dịu dàng, mịn màng, sự chuẩn mực câu chữ, sự tuân thủ luật lệ, sự sử dụng hình ảnh, liên tưởng đậm đặc chất Việt truyền thống, đặc biệt là chị viết rất nhiều lục bát và rất nhuyễn: “Bây giờ còn trẻ với ai/Xác xơ xơ xác những nhài cùng ngâu/Trăng tàn một nửa ngõ sau/Dâu non ở cuối vườn dâu đã già/... Ba chiều ngồi dõi trăng lên/Bốn bên thì cả bốn bên gió lùa”.

“Ly khúc Pleiku” là một bài được nhiều người thích ngay từ khi nó vừa được tác giả viết xong, năm 1995, chị cũng thể hiện bằng lục bát, một lục bát biến thể để nói được nhiều hơn, thể hiện tâm trạng rõ hơn: “Trăng ơi/Trăng hãy về đi!/Khuya rồi/Nấn ná làm gì nơi đây!/Đêm xa/ Mái phố vơi đầy/Ừ thì vẫn biết chia tay là buồn/Trăng xa/Sắc phố trầm hơn/Thác không ghềnh nữa/Sóng buồn không reo/Gió thổi hun hút lưng đèo/Ly cà phê uống cả chiều chưa vơi/Tạ từ nhau nhé/Trăng ơi!/Sông còn bên lở bên bồi phù sa/Nắng còn tím nhạt tím nhòa/Đêm còn chống chếnh nữa là cô đơn”...

Hôm nay, tôi đọc lại với một tâm thế khác, nhận ra rằng, bản thân Pleiku ở đây vừa là khách thể vừa là chủ thể, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, tác giả giãi bày, tác giả xa xót, tác giả chia sẻ, day dứt để nói về một cuộc chia tay. Chia tay trong day dứt, trong tiếc nuối, trong cả hy vọng. Nó có thể là cuộc chia tay cá nhân và cũng có thể chia tay vùng đất. Đọc xong cứ khắc khoải như mình vừa mất cái gì!

Tập thơ được xuất bản khá công phu, từ cái cách chia 56 bài thơ thành 4 “khúc” cũng là 4 mùa: thu, đông, xuân, hạ, tới các tranh minh họa đen trắng rất ấn tượng. Và độc lạ nữa là, có QR Code để người đọc scan nghe chính tác giả đọc 15 bài thơ của mình. Sực nhớ, Đào Phong Lan là người tài hoa, có thể sáng tác nhạc, ôm đàn hát (chị đã tốt nghiệp Trung cấp Âm nhạc Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai), đọc thơ rất truyền cảm.

Đọc hết tập thơ, tôi nhận ra một Đào Phong Lan đa cảm và tinh tế. Thì tinh tế nên phát hiện ra trưng nó như thế này: “Anh bước đi không đành/Vấp vào tiếng đàn/Ngẩn ngơ đứng lại/Nắng óng vàng hoa dại/Cánh ong bỗng ngập ngừng”... Đa cảm nên: “Ta đi cuối đất cùng trời/Chỉ mong gặp gỡ được người tri âm/Lòng xanh biếc một giọt mầm/Tim rền như tiếng phím cầm chiều rung.../Trời chung chiêng/Đất chung chiêng/Ta đi trên đất đổ nghiêng mà về”. Tôi rất thích cái hình ảnh đi trên đất đổ nghiêng mà về ấy. Không nhiều người phát hiện ra điều ấy. Chữ “mà” rất đắt.

Thơ Đào Phong Lan nhiều vu vơ. Nhưng thì ra lại hoàn toàn không vu vơ, nhưng nó cứ nhẹ tênh như vu vơ, kiểu như “Chỉ còn là viên đất/Buồn tênh trên luống cày”. Đất thì có vẻ buồn tênh thế, nhưng người thì trĩu nặng. Nhân tình thế thái gói vào những câu nhẹ tênh “Định mua vé vào nỗi nhớ/Mà thu thì xa rồi”, “Hồn ta mềm như cỏ/chưa gió về đã lay”.

Đào Phong Lan, Nguyễn Thị Hường Lý và một vài bạn nữa là lứa hội viên đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-Kon Tum. Ngày ấy vẫn là thiếu niên, các bạn này đã được kết nạp vào hội, cũng đi họp, cũng phát biểu, cũng bỏ phiếu bình đẳng như... người lớn. Và ngày ấy, công tác phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ khá chỉn chu, bài bản. Mới đây, tôi ngồi cà phê với nhà thơ Hương Đình, anh nhắc việc tôi từng đặt anh viết bài về tập thơ “Một thời trăng” cho Tạp chí Văn nghệ và giờ anh vẫn còn khen tập ấy. Đó là tập thơ thiếu nhi đầu tiên, và cho tới giờ, hình như cũng là duy nhất của Gia Lai. Hồi ấy, những trại sáng tác văn học riêng cho thiếu nhi thường xuyên được tổ chức, tạo điều kiện cho các bạn trẻ làm quen với văn chương, thỏa mãn với văn chương.

Lứa đầu tiên ấy, giờ Đào Phong Lan và Nguyễn Thị Hường Lý vẫn tiếp tục với văn chương. Nguyễn Thị Hường Lý là biên tập viên phòng sách văn học Nhà xuất bản Kim Đồng, Đào Phong Lan là giám đốc doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Và, lần ra sách này là cách Đào Phong Lan chứng minh, văn chương vẫn ám ảnh chị, vẫn khiến chị “không thể nói lời từ biệt”.

“Người xa lạ đi trên phố/Chớp ngang một ánh mắt nhàu/Ta cỏ hoang trên đám cỏ/Rối bời khi gió qua nhau”, tôi rất thích những câu thơ như thế của Đào Phong Lan, nó nhẹ tênh đấy, nhưng trĩu nặng, nhưng níu kéo, nhưng ám ảnh, nó khiến ta cũng phải “khác trước” cả cái nỗi buồn. Với Pleiku, chị ám ảnh thế này khi “Từ biệt”: “Chiều phố núi những hàng cây lặng lẽ/Gió ngừng bay mà mây cũng ngừng trôi”.

Lại nhớ câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Với Đào Phong Lan, “Em không thể nói lời từ biệt” như là lời nhắn cho một vùng đất, ở đó, chị đã có những ngày đắm say và chập chững và tất nhiên nữa, rất đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.