Duyên tình Việt - Khmer

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày làm hồ sơ này, tôi gặp nhiều người gốc Việt kết duyên với người Campuchia. Dù có những khác biệt trong phong tục, lối sống, nhưng nhìn chung đó là những gia đình hạnh phúc.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy Tiên - Meas Chetra trong quán cà phê của mình
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy Tiên - Meas Chetra trong quán cà phê của mình
Theo phong tục của người Campuchia, khi nam nữ có ý định tổ chức đám cưới, nhà trai sẽ đưa cho nhà gái một số tiền với hàm ý cảm ơn đã nuôi dưỡng người con gái lớn khôn. Nhà gái sẽ đứng ra tổ chức đám cưới, thuê nhà hàng để đãi khách

“Sống chung nhà với ảnh, chị thấy thế nào?” - tôi hỏi chị Thạch Yến (40 tuổi, quê Sóc Trăng) khi chị say sưa kể về những ngày chị mới gặp gỡ người chồng Campuchia (43 tuổi) của mình. Vì không biết cách ghi tên Khmer của chồng nên chị “đặt tên” cho anh là Minh để dễ gọi.

Duyên tiền định

Chiều tối, trong khung cảnh lao xao của quán cơm bán món Việt Nam do mình làm chủ, chị Yến cười tươi trả lời câu hỏi của tôi: “Hiện giờ tôi thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình lắm”.

Vẻ mặt rạng rỡ, chị âu yếm dỗ dành cậu con trai út chưa đầy 1 tuổi đang đòi mẹ. Hai mẹ con bên nhau chưa được 5 phút, lại có khách vào gọi cơm.

Chị lại trao con cho người giúp việc, loay hoay lấy cơm cho khách. Tiệm cơm của chị nằm trên đường 115, bán từ trưa đến chiều nhưng khoảng 6g chiều là đã gần hết đồ ăn. Anh Minh làm thợ bạc bên chợ, thế nên mình chị xoay xở với quán cơm này.

Chị Yến nhớ lại những ngày đầu mới quen biết anh Minh. Mẹ mất từ nhỏ, sáu anh em chị Yến côi cút ở căn nhà nhỏ trên cánh đồng tuốt miền quê nghèo của Sóc Trăng.

Chị kể: “Tôi nhớ đó là những năm 1980, tôi còn nhỏ xíu, tới mùa gặt là lại theo anh chị đi mót lúa về đãi gạo nấu cơm. Lớn lên một chút, tôi cũng đi làm mướn nhưng ít ai mướn lắm. Lúc đó dưới quê cũng chưa có nhà máy, xí nghiệp như bây giờ, chứ không thì cũng không tới nỗi bỏ xứ mà đi”.

Năm 1991, tròn 15 tuổi, chị Yến nghe lời người quen, một mình qua Phnom Penh với hi vọng cuộc đời mình sẽ tốt hơn.

“Ngày đi chỉ có mấy bộ quần áo, ít tiền đi xe. Tôi lần tìm được nhà của người anh họ ở bên này rồi ở nhờ. Không có nghề nghiệp gì nên sáng nào tôi cũng đi lấy bánh cam rồi đi bộ hơn chục cây số để bán. Tiền lời từ bán bánh chỉ đủ hai bữa cơm sáng chiều” - chị nhớ lại.

Không nản lòng, suốt 2 năm ròng chị kiên nhẫn đội mâm bánh cam đi bán khắp nơi.

Năm 1993, dành dụm được chút tiền, chị Yến thuê sạp trước chợ gần nơi ở để bán chè, bán cà phê. Năm 1996, anh Minh làm thợ bạc ở chợ, hay ghé ngang ăn chè, uống cà phê chỗ sạp chị. Chuyện trò qua lại, hai người sinh lòng cảm mến. Một năm sau, anh ngỏ lời muốn cưới chị.

“Lúc đó tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Mình nghèo khổ côi cút, anh khá giả, lại cao ráo đẹp trai, lại là người Campuchia biết có hòa hợp không. Nhưng anh nói không có vấn đề gì đâu” - chị kể.

Chị còn nhớ ngày đưa anh về giới thiệu với họ hàng, gia đình ở Sóc Trăng. Chị cười: “Vì xa quê lúc còn nhỏ nên ngày về tôi còn không biết đường đi. Gia đình thấy chúng tôi hạnh phúc thì mừng lắm, đồng ý cho cưới”.

Ngày chị cưới, vì điều kiện xa xôi cách trở nên chỉ tổ chức ở nhà chồng với một đám cưới đơn sơ. Về nhà chồng, chị Yến không đi bán chè nữa mà “kế nghiệp” quán cơm của mẹ chồng.

Dù phải học cách nấu nướng, ngày nào cũng bận bịu từ sáng tới tối mịt nhưng chị nói: “Lúc nào tôi cũng có cảm giác được chồng chia sẻ, chăm lo”.

Anh chị đã có với nhau ba người con trai. Con lớn vừa vào đại học, con giữa học lớp 9 và con út gần 1 tuổi. Chị kể cả ba đứa con đều ngoan, học giỏi và thương cha mẹ. Hai vợ chồng hiếm khi bất đồng.

“Anh hiền, hay quan tâm nhường nhịn vợ. Tôi có phước lắm mới lấy được ảnh” - chị nói. Vì thương chị, anh Minh cố học tiếng Việt, đồng thời chỉ cho vợ tiếng Khmer.

Hai con trai đều rành tiếng Việt. Chị cười: “Cả nhà ráng hằng năm về Sóc Trăng chơi và ăn tết hai lần. Nếu năm nào không về được, chúng tôi cũng ăn tết theo kiểu Việt Nam, có bánh tét, thịt kho trứng đầy đủ”.

Biết yêu nhau là được

Quán cà phê của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (23 tuổi) và anh Meas Chetra (29 tuổi) nằm trên đường 223, quận Toul Kork, từ sáng sớm đã đông người ghé uống. Quê Tiền Giang, chị Tiên theo cha mẹ qua Phnom Penh từ năm 10 tuổi.

“Học xong đại học tại Phnom Penh, tôi làm nhân viên cho một công ty xuất nhập khẩu. Trong thời gian này, tôi quen biết anh Chetra vì làm chung công ty. Nhận thấy tính anh hiền lành, nhiều điểm tương đồng, 2 năm sau tôi đồng ý cưới anh” - chị Tiên kể.

Hiện hai vợ chồng chị Tiên và cha mẹ chồng cùng lo cho quán cà phê. Quán bán từ sáng sớm đến tối khuya nên hiếm khi họ có thời gian rảnh rỗi. Tuy vậy, theo chị Tiên, hai vợ chồng còn trẻ, lại biết chia sẻ cùng nhau nên dù khó khăn gì cũng có thể vượt qua.

Vì còn trẻ nên không tránh khỏi những lần cãi vã nhưng chị Tiên nói cả hai người đều biết tôn trọng và nhường nhịn nhau.

“Chúng tôi cũng thi thoảng về quê ngoại chơi. Anh rất thích những món ăn Việt Nam do tôi nấu” - chị cười tươi.

Trong bữa ăn hằng ngày, hai vợ chồng chị Tiên có khi ăn món Việt Nam, có khi chị trổ tài nấu các món Khmer như món “a móc” (là món ăn truyền thống của người Khmer, có gà, cà ri, sả...), các loại canh chua, các món cá...

Dù ở Phnom Penh mới 13 năm nhưng chị Tiên hòa nhập rất tốt với phong tục tập quán nơi này. Chị rất thích những ngày lễ của Campuchia như ngày tết Khmer, lễ Chum, ngày hội đua thuyền...

Chị tâm sự, cũng như những đôi vợ chồng Việt - Khmer khác, sau này chị cũng sẽ dạy các con nói tiếng Việt, thường xuyên đưa chúng về thăm quê hương.

Theo Tuoitre

Chuyện người gốc Việt nên duyên với người Khmer không phải hiếm. Nhiều đôi vợ chồng tiểu thương Việt - Khmer mà chúng tôi gặp ở Phnom Penh với những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều siêng năng cần cù, sống hòa thuận yên ấm.

Thông qua những mối lương duyên này, người Campuchia và người Việt Nam chia sẻ với nhau cách làm ăn buôn bán, nhiều người trong số họ trở nên khá giả.

Chị Nguyễn Thị Vân (35 tuổi, bán cá tại chợ Bàu Nau) lấy anh Ưn Ơem (42 tuổi) 12 năm nay. “Chồng tôi làm nghề chở khách đường xa, ai kêu thì đi. Nhưng tôi sẽ hướng ảnh qua lo buôn bán phụ tôi để nuôi ba đứa con và phát triển thêm bè nuôi cá” - chị nói.

Dù chị phải học tiếng Khmer để nói chuyện với gia đình chồng nhưng chị vui vẻ nói rằng tính cách có khác biệt một chút nhưng miễn vợ chồng thương nhau là được.

Còn ông Trần Thanh Bá (72 tuổi, bán phụ tùng ôtô ở đường 289, quận Toul Kork) cho biết hai người con trai của ông cũng lấy vợ người Khmer.

Làm ở Tổng hội người Campuchia gốc Việt, ông nói việc người gốc Việt nên duyên với người Khmer khá phổ biến và phần lớn có cuộc sống ổn định nhờ chịu khó làm ăn, biết vun vén gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.