Dưới những vòm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái nắng cuối thu không còn bỏng rát nhưng cũng vẫn găn gắt trong buổi trưa nồng nã. Cái nắng đủ để dẫn dụ con người ghé vào trú chân dưới một vòm xanh dịu mát bên đường.
Trong thế giới của những chiếc lá, con người dường như luôn cảm thấy được xoa dịu tất cả mọi giác quan. Dưới vòm lá xanh mát ấy, tôi ngước lên nhìn ngàn vạn cánh lá rung rinh theo gió. Qua kẽ lá, những đốm nắng nhảy nhót như những đóa sao rơi.
Dưới vòm xanh ban trưa, bỗng chợt nhớ quá khu vườn mùa hạ có chiếc võng như tấm lưới cá mắc giữa hai cành cây. Võng được kết theo hình quả trám bằng những sợi đay, theo thời gian đã ngả sang màu nâu sậm. Chúng tôi đã nằm trên cánh võng mà đung đưa suốt dọc năm tháng ấu thơ trong khu vườn bốn mùa cây trái xanh tươi và ngước nhìn lên vòm xanh có những đốm nắng mùa hạ.
Năm tháng ấy đã đi qua tôi lâu lắm, nhưng mùi lá rụng cháy ngun ngún trong những buổi trời xâm xẩm tối, quyện vào hương rạ rơm, hương cơm mới luôn tỏa vào tôi thứ ký ức ngọt lành mê hoặc bám sâu như cội rễ.
Dưới những vòm xanh, chúng tôi đã nằm nghe lũ chim ríu rít câu chuyện đồng loại và mường tượng về thế giới của chúng. Một thế giới nhỏ bé nhưng luôn nhộn nhịp, huyên náo. Những đôi chân bé xíu không ngừng nhảy nhót, chuyền từ cành này sang cành khác, đôi tai dỏng lên nghe ngóng, cặp mắt như hai hạt đậu nhỏ xíu tinh anh ngó nghiêng khám phá thế giới, thỉnh thoảng một loài chim nào đó cao hứng cất giọng hót trong trẻo vút lên khiến cây lá như xao động theo.
Cây lá cũng có đời sống của chúng. Để có được những vòm lá biếc xanh tỏa bóng mát, cây đã phải trải qua bao bận trút lá để sinh trưởng. Mỗi một bận vặn mình trút đến chiếc lá cuối cùng, có lẽ cây cũng phải chịu đớn đau, ít nhất là lạnh lẽo, khẳng khiu trơ tấm thân gầy guộc ra trong mùa đông căm căm gió rét, nhẫn nại chờ tia nắng ấm áp lúc xuân sang để nứt mình ra đón chào những phiến lá mới, rồi xanh mát lớn dần. Đời lá cứ lặp đi lặp lại như vậy để đem đến sự sống cho một đời cây.
Những loài cây hiện diện quanh đời sống của con người hoàn toàn không phải vô giác vô tri, chúng đem đến không chỉ sự xanh tươi, đôi khi, những cái cây còn chất chứa biết bao nhiêu kỷ niệm, thậm chí có những cái cây im lìm đứng một chỗ mà trở thành chứng nhân, chứng tích…
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Buổi sớm, thành phố lay phay mưa, chợt thấy một quả thông khô nằm lẻ loi bên vỉa hè. Bất giác, theo thói quen, tôi ngước mắt nhìn lên. Trên đầu tôi là một vòm thông xanh rời rợi. Những chiếc lá kim vẽ lên nền trời xam xám những hình thù ngồ ngộ, trông như một bức tranh chì đang bắt đầu được phác họa những nét đầu tiên. Vài con chim nhỏ lích rích trong vòm lá xanh tươi, có lẽ, chúng vẫn đang mê mải với những câu chuyện đồng loại.
Những vòm xanh vẫn ríu rít đan vào gió, đan vào nắng, đan vào mây trời, đan vào ký ức tôi những hoài niệm khắc khoải, mơn man... Tôi thường tự hỏi, phải mất bao nhiêu thời gian để một cái cây bắt đầu đời sống, từ khi tách khỏi hạt mầm rồi trở thành đại thụ, cổ thụ? Mất bao nhiêu thời gian để có một vòm xanh ríu rít ban sớm, ban trưa trên tầm mắt rười rượi nhường kia? Và rồi, có ai nhớ đến hay tự hỏi xem, người nào đã trồng hàng cây cổ thụ này?
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua tháng qua năm. Bao nhiêu bão gió đi qua một đời cây, những chiếc rễ vươn sâu vào lòng đất giữ cây ở lại, làm nên những vòm xanh cho chim chóc về trú ẩn, cho con người bóng mát dừng chân. Và qua ngày tháng, dưới những vòm xanh, người ta thấy chỉ còn những réo rắt khẽ khàng từ nội tâm sâu lắng, từ chắt chiu đời lá nuôi cây…
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...