Đừng than đời vô vị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thảng hoặc, lướt mạng xã hội thấy một số bạn trẻ thường than buồn chán, than đời sao vô vị quá. Trước kia, tôi cũng vài lần rơi vào trạng thái tương tự, nhưng khi đối mặt với một thử thách thật sự, tôi đã tự nhủ với mình rằng: Cuộc sống này đẹp lắm, vấn đề là ta có lắng lòng để cảm nhận hay không. 
Cách đây vài năm, sau đợt cắt bỏ amidan, tôi rơi vào trạng thái vô vị, đúng theo nghĩa đen. Sau phẫu thuật, tôi gần như không còn cảm nhận được vị thức ăn, chỉ mang máng vị mặn. Mọi thức món đều nhạt nhẽo, vô vị, kể cả những món tôi từng rất yêu thích. Không những sút mất mấy ký, tôi khủng hoảng thật sự.
Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Bác sĩ điều trị chỉ biết lắc đầu chứ không thể đưa ra được câu trả lời chính xác. Sau đó, tôi đành chấp nhận thực tế và chỉ còn cách ăn cầm chừng để đảm bảo sức khỏe. Đến khi ấy tôi mới thật sự hiểu ra rằng sự vô vị đáng sợ đến mức nào. Sau gần 2 năm, tôi đã dần dần lấy lại trọn vẹn vị giác của mình trước kia.
Đôi khi, cần có thử thách đủ lớn để ta nhận ra một sự thật: Sự vô vị trong tâm trí đôi lúc vẫn tìm tới ta, nhưng cuối cùng chỉ là phù phiếm nếu biết rằng cuộc sống xung quanh đẹp lắm, phong phú lắm. Và hạnh phúc đến mỗi ngày, quanh đây mà nhiều khi ta hờ hững. Sáng ra, bàng hoàng nghe tin một người quen nào đó đã ra đi mãi mãi sau một giấc ngủ, lẽ nào ta không thấy mình may mắn vì vẫn có một cơ thể khỏe mạnh, tâm trí minh mẫn để có thêm 1 ngày vui sống, 1 ngày làm việc, 1 ngày gặp gỡ bạn bè?
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thi thoảng nhìn lại, dù cuộc sống còn bao điều không như ý nhưng ta vẫn thấy mình quá đủ đầy so với bao hoàn cảnh đáng thương, chịu nhiều thử thách nghiệt ngã của số phận. Gần đây nhất, nhìn những bệnh nhân Covid-19 giành giật với thần chết từng chút oxy một, ta càng biết trân quý hơi thở của mình. Thường ngày, ta nào có để tâm đến hơi thở, ta nghĩ đó là điều hiển nhiên, mặc định. Chỉ khi gặp những cảnh ngộ bị đẩy đến tận cùng ranh giới mong manh sống-chết, ta mới hiểu hơi thở là vô giá. 
Những bài học lần lượt đến khiến ta ngày càng dễ dàng hài lòng với cuộc sống. Có một câu chuyện khá hay như sau về “định mức hạnh phúc”: Một con voi trưởng thành mỗi ngày phải ăn 150 kg cỏ mới đủ no. Một con thỏ trưởng thành thì ăn khoảng 0,15 kg đã thấy ổn. Một hôm, thỏ lướt Facebook, xem ảnh của voi chụp bữa ăn của mình, thỏ choáng váng lắm. Tự nhiên, thỏ thấy bữa ăn của mình thật xoàng xĩnh, cuộc sống của mình thật kém cỏi. Thỏ không còn thấy vui nữa, chỉ mơ có ngày được ăn bữa ăn như của voi.
Voi thực ra cũng không sướng như thỏ nghĩ. Bữa ăn của nó đúng là hoành tráng thật, nhưng chỉ cần hôm nào đó ăn ít hơn 150 kg cỏ thì chắc chắn là đói. Vậy nên, nếu có một thảm họa nào đó như hạn hán, cỏ không còn nhiều thì voi mới là con dễ chết vì đói chứ không phải thỏ. Bữa ăn của thỏ và voi có thể khác nhau đến cả ngàn lần, nhưng cảm giác no và đói của cả hai đều giống nhau. Cảm giác hạnh phúc của chúng ta cũng vậy, nhưng ai cũng có một “định mức hạnh phúc” riêng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của mình. Khi sống đúng với định mức ấy, ta sẽ dễ dàng tìm được hạnh phúc. 
Một hôm nào đó chợt cảm thấy cuộc sống vô vị, tôi sẽ nghĩ đến bữa ăn mới đây và thầm vui mừng vì bản thân vẫn còn được cảm nhận đầy đủ mùi vị của nó. Hiểu rõ “định mức hạnh phúc” của mình và luôn biết ơn mọi thứ mình đang có, với ta mỗi ngày đều đáng sống.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.