Đừng tàn phá di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tu bổ, tôn tạo là một trong những việc cấp bách để bảo vệ, gìn giữ di sản ngàn năm, song với cách ứng xử với di tích như khoan thủng tường gạch cổ, đóng đinh vào tháp, đem máy ủi tới san lấp mặt bằng… như cách mà đơn vị thi công làm với di tích tháp Chăm ở Bình Định (tháp Bánh Ít) vừa qua không khỏi khiến nhiều người xót xa.

Theo ghi nhận ở thực địa, khu vực trước sân tháp chính của quần thể tháp Bánh Ít đã bị đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới đến đào bới, san ủi từ trước Tết Nhâm Dần. Trong quá trình tháo dỡ tấm bê tông trước tháp chính đã phát lộ ra một mảnh vỡ của tượng (nghi là tượng Chăm cổ), nền gạch, mảnh vỡ của gốm, đá sa thạch cổ… Vụ việc được báo cáo đến Sở VH-TT nên mảnh vỡ của tượng hiện đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ. Những tưởng sau đó, các biện pháp thi công phải được thay đổi thích ứng phù hợp, song việc đào bới bằng phương tiện cơ giới vẫn tiếp tục được thực hiện trong khu vực bảo vệ đặc biệt, không thể xâm phạm của di tích.

Khi sai phạm bị phát hiện, báo chí lên tiếng, đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc và công trình đã bị đình chỉ để kiểm tra xử lý. Cục Di sản văn hóa cũng có văn bản đề nghị Sở VH-TT Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích, căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường - sinh thái của di tích… Cơ quan chức năng vào cuộc, công tác kiểm tra đang được triển khai và chưa có những báo cáo cụ thể mức độ ảnh hưởng của việc thi công đối với di tích, song đó thực sự đã gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh về thái độ ứng xử với di sản.

Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, do tác động của con người, sức bào mòn của thời gian… công tác trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tại nhiều địa phương, việc trùng tu các di tích, vì nhiều lý do đã không được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, thiếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm… dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất giá trị di tích vẫn liên tục xảy ra.

Trùng tu là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và cũng không phải là “cái kim” mà có thể giấu diếm, ấy vậy mà khi sự việc bị phát hiện, nhiều đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, thi công… đều tỏ vẻ bất ngờ. Chỉ tới lúc đoàn kiểm tra vào cuộc mới phát hiện ra có công trình không phép, có công trình sai phép và có công trình tuy có đầy đủ các loại giấy phép nhưng người thi công do hạn chế về năng lực, hiểu biết dẫn tới sai, hỏng… Đau lòng hơn là khi phát hiện ra sai phạm, nhiều di tích đã bị san phẳng, nhiều di sản ngàn năm tuổi bị thay hình đổi dạng… không thể sửa chữa.

Không giống bất cứ công trình xây dựng nào, việc tu bổ tôn tạo di tích nếu sai một ly sẽ đi một dặm và không thể sửa chữa, vì di tích là hồn cốt. Công tác xử lý vi phạm, dường như vẫn còn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, bởi vậy, sợi dây kinh nghiệm vẫn cứ tiếp tục được rút dài mãi. Khi không trân trọng những giá trị của di tích, coi việc bảo tồn di tích là mục đích tối thượng, cẩu thả trong thực hiện thì sự cố xảy ra là điều khó tránh khỏi và tái diễn hết lần này đến lần khác. Những bài học như tu bổ tôn tạo chùa Trăm Gian (Hà Nội), chùa Thổ Hà (Bắc Ninh), cầu ngói Thượng (Nam Định), đình Lương Xá (Hà Nội)… vẫn còn mới, nóng.

Như một chuyên gia nhận định, người làm trùng tu can thiệp vào di tích cũng không khác gì bác sĩ can thiệp vào cơ thể con người. Người làm công tác này phải được đào tạo bài bản, bởi khi can thiệp sai cách vào di tích, những giá trị lịch sử, văn hóa bị mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Thay vì phải xót xa, tiếc nuối, thay vì việc lên án và xử phạt… cần phải quyết liệt hơn trong việc đào tạo, trang bị kiến thức cho người làm quản lý cũng như người trực tiếp tham gia việc tu bổ, tôn tạo. Có như vậy mới hy vọng tiếp tục gìn giữ và phát huy được giá trị của di tích, di sản của cha ông, tiền nhân.

Theo MAI AN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.